TÂM
TÌNH HOÀI CỔ
THƠ - LỜI BÌNH VÀ
TRANH LUẬN
Bài 1: ĐỌC THĂNG
LONG THÀNH HOÀI CỔ NGHĨ ĐẾN VỊ TRÍ CỦA THƠ ĐƯỜNG LUẬT
Tạo
hoá gây chi cuộc hý trường
Đến
nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối
xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền
cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá
vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước
còn cau mặt với tang thương
Ngàn
năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh
đấy, người đây luống đoạn trường.
(Bà
Huyện Thanh Quan)
Theo
Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia, “Năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu Gia Long
và chọn Huế làm kinh đô. Thăng Long mất địa vị đầu não của đất nước về chính trị
và văn hóa. Bài thơ được viết sau thời kỳ này. Bài thơ được viết theo thể thất
ngôn bát cú Đường luật. Tác giả tả cảnh mà ngụ tình. Cảnh thì tang thương, tình
thì hoài cổ.”
Giáo
sư Phạm Thế Ngũ cho rằng “Bài thơ nói lên nỗi đoạn trường của tác giả trước cảnh
hoang tàn của cố đô đất Bắc.”
Về
giá trị nghệ thuật, ông nhận định: “Nhìn chung, thơ Bà Huyện Thanh Quan đều có
vô số những cái hay: chữ dùng khéo, chọn lọc, thích đáng, đối rất chỉnh, rất thần
tình, ý hàm súc, lời trau chuốt, gọn, đẹp. Riêng bài thơ Thăng Long Thành Hoài
Cổ cổ kính mà thanh thoát nhẹ nhàng, ước lệ mà có hồn, có cảm. Sự phối hợp của
ý tưởng với thanh âm đã gây nên một thi điệu tự nhiên, uyển chuyển, hấp dẫn,
khác xa những dòng chữ chắp nối công phu mà vẫn lủng củng, không hồn của đa số
các bài thơ tiền Nguyễn.” (Wikipedia Tiếng Việt)
Chỗ
độc đáo của Thăng Long Thành Hoài Cổ, theo tôi, là hàm lượng cảm xúc. Bất chấp
bị gò bó, trói buộc bởi niêm luật vần đối của thể thơ, Bà Huyện Thanh Quan vẫn
cố gắng biểu lộ được cảm xúc dạt dào của mình. Hình như từ trong mỗi chữ, mỗi
câu đều ứa ra một dung dịch chứa đầy sự thương yêu, nỗi buồn đau, nuối tiếc của
bà đối với cố đô Thăng Long.
So
sánh với thơ Đường luật của những nhà thơ cùng thời, bài Thăng Long Thành Hoài
Cổ là một trong vài bài có giá trị nghệ thuật cao nhất, được ngợi ca nhiều nhất.
Tuy nhiên, với con mắt nhìn của thơ ca hiện đại thì chữ dùng của bài thơ còn đầy
vẻ khuôn sáo, ước lệ. Đặc biệt, chui vào cái rọ của thể thơ Đường luật tác giả
đã phải xoay trở, luồn lách, tả xung, hữu đột với niêm luật vần đối để bày tỏ
tâm sự của mình. Tuy thành công, nhưng dấu hiệu của sự gò bó đã thể hiện rõ nét
trong dòng chảy của thơ.
Tôi
không ác cảm với thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Thuở mới tập làm thơ, những
bài thơ tôi viết đầu tiên là thơ Đường luật. Chính những bài thơ đầy hào khí
như Cảm Hoài của Đặng Dung, tâm tình hoài cổ sâu lắng như Thăng Long Thành Hoài
Cổ, Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, hoặc lãng mạn kiểu đồng quê như Thu
Điếu, Thu Ẩm, của Nguyễn Khuyến đã lôi cuốn tôi bước qua cánh cổng Thơ Ca.
Nhưng thời gian cứ lặng lẽ trôi. Giờ
đây Nàng Thơ đã có bộ mặt mới. Các thi sĩ đã cố công tìm tòi, thể nghiệm nhiều
thể thơ “mới”, sao cho vừa giữ được vị ngọt của thơ ca, vừa cởi trói cho người
làm thơ khỏi những luật lệ quá khắt khe, gò bó. Đâu là thể thơ tối ưu của thi
ca đương đại? Công cuộc chọn lựa, tranh cãi còn chưa ngã ngũ. Nhưng chắc chắn
đã có rất nhiều thể thơ, ở mức độ khác nhau, cho phép người làm thơ thời nay được
thoải mái hơn, tự do hơn, thể hiện tứ thơ của mình, và nhờ đó, có thể dễ dàng
đưa cảm xúc của mình, thả tâm hồn của mình vào thơ.
Thơ Đường luật bỗng trở thành cô gái
lỡ thì, thân hình khô cứng lại kênh kiệu, khó tính, bị những chàng trai trẻ ngoảnh
mặt làm ngơ. Họ nhìn về hướng khác để tìm những cô gái đang xuân, vóc dáng,
trang phục hợp thời hơn, hấp dẫn hơn, tính tình cởi mở hơn, gần gũi hơn với cái
“gu” thẩm mỹ của thời đại mới.
Tôi
nhớ hồi còn ở trại tù A20 Xuân Phước, anh bạn thân của tôi, chiều đến, không biết
bắt đâu được con nhái khá to - bằng 3 ngón tay xếp sát nhau. Sau đó, tôi lùng sục
hái được mấy cộng rau dền mọc hoang. Anh bạn tôi xé con nhái thành mấy mảnh, rửa
sơ rồi cho cả rau và nhái vào lon ghi-gô, đổ đầy nước, len lén đem xuống nhà bếp
nấu sôi, nêm tí muối, cho thêm vào nắm mì ăn liền. Hai đứa chia nhau xì-xụp
húp. Thật tuyệt vời! Vị ngon ngọt của chén canh còn lưu lại trong ký ức tôi rất
lâu. Năm ngoái, gặp lại anh bạn ở California, nhớ đến chén canh chiều hôm ấy và
những năm tháng tù đày, hai đứa ôm chầm lấy nhau, mừng mừng, tủi tủi.
Giờ
đây, những ai đã từng trải qua năm tháng khổ cực, nghiệt ngã trong nhà tù cộng
sản, gặp nhau hay nhắc đến những món ăn kiểu “mì nhái rau dền” như những kỷ niệm
khó quên. Nhưng nếu vì thế mà sau này trong mỗi tiệc tùng, họp mặt lại cứ tiếp
tục “rau dền mì nhái” rồi xì xụp húp, khen ngon với nhau thì… chán lắm. Trong
thời gian tù tội, hoàn cảnh thiếu thốn, đói khổ, chén canh đó rất quý, rất
ngon. Chúng ta không phải loại “có lê quên lựu, có trăng quên đèn” nên sẽ không
phụ rẫy, sẽ không quên những “chén canh kỷ niệm” ấy. Nhưng thời thế đã khác,
hoàn cảnh đã khác. Chung quanh còn có biết bao nhiêu món ngon, vật lạ trong tầm
tay để chúng ta chọn lựa.
Một
người bạn thích thơ truyền thống cắc cớ hỏi tôi: “Nếu ở thời điểm này (2013) mà
vẫn cứ thích làm thơ Đường luật thì có sao không?” Câu trả lời là: “Chẳng sao cả.
Quả địa cầu sẽ chẳng vì thế mà nổ tung. Dĩ nhiên, làng thơ vẫn dang rộng vòng
tay đón chào. Trên trang thơ của mình, trong cõi thơ của mình, thi sĩ là Hoàng
Đế, có toàn quyền chọn lựa, quyết định. Từ tứ thơ, thể thơ, cách gieo vần, câu
dài, câu ngắn, bài thơ dài hay ngắn, sử dụng các biện pháp tu từ…tuốt tuột. Không
ai có thể chõ miệng vào bắt anh (chị) phải làm thơ kiểu này, kiểu nọ.”
Có một nhà thơ đã nói:
“Làm thơ tự do giống như đánh tennis mà
không có lưới.”
Lời
phát biểu ấy đúng hay sai đến mức độ nào, xin để những người làm thơ tự do lên
tiếng. Riêng tôi, nhân có hình ảnh của môn thể thao tennis, nghĩ đến thơ Đường
luật, xin đưa ra một so sánh khác:
“ Làm thơ Đường luật ở thời đại này giống như
đánh tennis với đối thủ (là những nhà thơ khác) mà khi banh về đến phần sân của
mình thì lưới đột nhiên được nâng cao hơn, đường biên sân phía bên sân đối thủ
ngắn và hẹp hơn, mình chỉ được di chuyển không quá 2 bước, lần trước đánh banh
bằng tay phải thì lần sau phải đánh banh bằng tay trái…”
nghĩa
là bị gò bó đủ mọi bề; đánh banh hợp lệ vào đúng phần sân phía bên kia đã là
khó chứ đừng nói chi đến thể hiện sự nhanh nhẹn, nhạy bén nghệ thuật. Tranh tài
kiểu này thi sĩ làm thơ Đường luật sẽ ở vào thế hạ phong, phần thua nhiều hơn
phần thắng. Tạo được bài thơ nên vóc, nên hình đã mệt đứ đừ rồi, còn hơi, còn sức
đâu mà để ý đến hồn thơ hay cảm xúc.
Làm thơ, thưởng thức thơ, nói chung,
là một thú vui tao nhã. Làm thơ Đường luật, xướng họa thơ Đường luật, đọc và
thưởng thức thơ Đường luật nói riêng, là phương cách giải trí của các tao nhân,
mặc khách. Ngoài nhu cầu đối âm, người làm thơ Đường luật phải biết cả đối ý
(trong 2 câu thực và 2 câu luận). Do đó việc sử dụng ngôn ngữ trong thơ Đường
luật, theo tôi, được để ý kỹ hơn (đôi khi phải “chẻ sợi tóc làm tư”). Kết quả
là người làm thơ Đường luật thường có khả năng dùng chữ chính xác hơn, đắt hơn,
tinh tế hơn những người chuộng các thể thơ khác.
Đối với những vị chuộng thơ Đường luật,
đã “quen” với thơ Đường luật, thích thù tạc xướng họa thơ Đường luật, thì chẳng
việc gì mà phải từ bỏ cái thú vui tao nhã ấy. Xin cứ tiếp tục làm thơ để góp
cho đời những bông hoa tươi đẹp. Xin cứ tiếp tục đọc thơ Đường luật để thưởng
thức những cảm nghĩ, những rung động nhẹ nhàng, thanh thoát của người xưa.
Những
quý vị làm thơ Đường luật, theo tôi, như võ sĩ lên võ đài, rất ương ngạnh và
oai hùng, chấp nhận chịu trói cả 2 tay, 2 chân để đấu với đối thủ. Khi bị bươu
đầu sứt trán, hoặc nằm thẳng cẳng đo ván thì (dù không nói ra) thường cho là tại
bị gò bó, trói buộc. Những quý vị đó quên rằng chính họ đã tình nguyện lên võ
đài với tư thế ấy.
Phạm Đức Nhì
Bài 2: ÔNG ĐỒ - NHỮNG
BỨC TRANH THƠ
Bài
thơ Ông Đồ được đăng năm 1936 trên báo Tinh Hoa lúc tác giả của nó, Vũ Đình
Liên, mới 23 tuổi. Ông là người theo tân học, đậu Tú Tài năm 1932 (lúc 19 tuổi).
Nhờ khả năng quan sát sắc bén ông đã sáng tác được bài thơ mà theo Hoài Thanh:
“Theo đuổi nghề văn mà làm được một bài thơ như thế cũng đủ. Nghĩa là đủ lưu
danh với đời.” (Thi Nhân Việt Nam).
Hoài
Thanh đưa ra những lời khen ngợi trên và đã chọn đưa vào tuyển tập Thi Nhân Việt
Nam chứng tỏ bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên, dưới cái nhìn của đôi mắt thơ có
nội lực sung mãn vào hạng nhất thời bấy giờ, được đánh giá rất cao.
ÔNG ĐỒ
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Vũ Đình Liên
Tứ thơ:
Mỗi độ xuân về ông Đồ lại ngồi bên phố trổ
tài viết câu đối cho người qua, kẻ lại. Nhưng mỗi năm mỗi ít người thuê viết,
ông đồ ngồi lặng lẽ bên đường. Và năm nay không thấy ông đồ nữa.
Ý
thơ:
Qua hình ảnh ông đồ tác giả tỏ ý thương tiếc
một nền Nho học đang lụi tàn dần theo năm tháng.
Ở đây ý và tứ khác nhau, nghĩa là tác
giả đã sử dụng phép ẩn dụ toàn bài. Ông không chơi bài cào, kiểu ngửa mặt lớn
nút ăn tiền, mà chọn ván bài xì phé trong đó con tẩy được dấu kín. Con tẩy càng
kín thì ván bài càng hấp dẫn và tay chơi (tác giả) càng có lợi thế. Đến phút cuối
cùng, con tẩy được lật lên, người đọc à lên một tiếng thích thú. Từ lúc hiểu tứ
đến lúc cảm thông được ý - chủ đích của tác giả khi viết bài thơ - chỉ một tích
tắc. Điều đáng nói là chính cái tích tắc ngắn ngủi đó đã cho người đọc cái cảm
giác sảng khoái như khám phá được một điều gì to lớn lắm.
Đọc
xong đoạn cuối:
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông Đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
qua
dòng liên tưởng của chính mình người đọc thấy con bài tẩy đã được ngửa ra. Sự mất
dạng của Ông Đồ giữa phố Tết dẫn đến tâm trạng nuối tiếc một nền Nho học đang lụi
tàn. Đây là một tứ thơ hay, bao quát toàn bài, được vận dụng khéo léo, kín kẽ,
không một tý sơ hở để có thể dẫn đến những hiệu ứng phụ khiến người đọc có thể
vặn vẹo, bắt bẻ.
Ngoài
phép ẩn dụ, bài thơ Ông Đồ còn có những cái hay sau đây:
Không
có hội chứng nhàm chán vần
Một
trong những hạn chế của thể thơ trường thiên (ở đây là ngũ ngôn trường thiên)
là hội chứng nhàm chán vần. Mỗi câu vừa vặn 5 chữ, vần gieo 1/3 (trắc), 2/4 (bằng)
rất đều đặn từ đầu đến cuối khiến người đọc có cảm giác “ngán vần” nếu bài thơ
quá dài. May mắn, bài thơ chỉ có 20 câu; tuy vị ngọt thơ ca hơi “đậm đà” nhưng
cảm giác nhàm chán chưa kịp đến thì bài thơ đã hết.
Tứ
thơ không bị phân tán
Hạn
chế thứ hai của thể thơ trường thiên là tứ thơ phân tán. Bài thơ chia làm nhiều
đoạn, mỗi đoạn 4 câu độc lập, không có mắt xích nối các đoạn với nhau nên không
có dòng chảy của thơ. Thay vào đó chỉ có những vũng thơ, những hố thơ riêng biệt;
mỗi vũng, mỗi hố thể hiện một mảnh tâm trạng của tác giả. Người đọc phải đến từng
hố thơ để cảm nhận từng mảnh vụn tâm tình đó. Tứ thơ vì thế bị phân tán. Bài
thơ Ta Về của Tô Thùy Yên đã vướng phải hạn chế này. Ông viết:
Ta về như tứ thơ xiêu tán
là rất đúng. Bởi bài Ta Về có đến 124
câu, 31 đoạn; tứ thơ
chủ đạo hoàn toàn bị phân tán, manh mún.
Bài
thơ Ông Đồ về hình thức không có những mắt xích nối các đoạn thơ với nhau nhưng
may mắn (lại may mắn), không kể đoạn đầu giới thiệu ông Đồ, 4 đoạn còn lại là
chuỗi hình ảnh nối tiếp nhau theo thứ tự thời gian nên người đọc vẫn có được sự
chú tâm cần thiết thả hồn theo dòng thơ – chính là dòng thời gian – để cảm được tâm tình của tác giả.
Áp
dụng thành công nguyên tắc “bày tỏ, không kể lại” (show, not tell): tác giả
dùng ngôn từ đơn giản của đời thường, tạo ra những hình ảnh gần gũi, quen thuộc
để người đọc có thể cảm nhận trực tiếp, không qua sự biện giải dài dòng của lý
trí.
Cái
hay nữa của bài thơ là “thi hóa thân thành họa”; họa ở đây không phải chỉ khi ẩn,
khi hiện mà mỗi đoạn thơ đã được tác giả vẽ thành một bức tranh sống động.
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua
1/ Bức tranh nhìn từ xa: đám
đông vây quanh một ông già mặc áo chùng
thâm, đội khăn đóng (ông Đồ) đang lúi húi viết; mặt ông Đồ và những người vây
quanh đều lờ mờ, không rõ nét. Đây đó một vài cây đào đang nở hoa, báo hiệu
xuân sang, tết đến.
Bao
nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen
tài
Hoa tay thảo những
nét
Như phượng múa rồng
bay
2/ Bức tranh cận cảnh: cũng đám đông
vây quanh ông Đồ, mặt tươi vui, chú tâm theo dõi nét bút (lông) của ông trên giấy
đỏ.
Thân hình và mặt mọi người đều rõ nét.
Nhưng
mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay
đâu?
Giấy đỏ buồn không
thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
3/ Bức tranh nhìn hơi xa: ông
Đồ ngồi trên chiếu, bên cạnh là xấp giấy màu đỏ (nhạt hơn màu giấy ở bức tranh
2), bút lông và lọ mực chỉ còn một ít mực đọng ở cuối lọ. Chỉ có 1, 2 người thờ
ơ đứng xem, không ai thuê viết.
Ông
đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai
hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi
bay
4/ Bức tranh nhìn gần hơn một
tý: ông Đồ vẫn ngồi trên chiếu dưới mưa phùn lất phất, bên cạnh lờ mờ xấp giấy
đỏ, bó bút lông và lọ mực. Người đi đường qua lại không ai đến gần chiếc chiếu
của ông Đồ. Cảnh thật tiêu điều.
Năm
nay đào lại nở
Không thấy ông đồ
xưa
“Những người muôn
năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
5/ Bức tranh cận cảnh: người
đi chơi xuân qua lại tấp nập trên đường; khoảnh đất ngày xưa ông Đồ thường ngồi,
nay bỏ trống; một người không rõ mặt (tác giả) đứng cách mươi bước, mắt đăm
chiêu nhìn khoảnh đất trống. Thật ra, nếu vẽ đúng ý của đoạn kết thì phải có
thêm dấu chấm hỏi ngay trên khoảnh đất trống ấy.
Sau
đây là vài khuyết điểm nho nhỏ trong bài thơ Ông Đồ mà người viết bài này muốn
đưa ra để bàn luận:
Cách
gieo vần: phải nhìn nhận tác giả rất cố gắng và rất khéo trong việc chọn chữ và
gieo vần để giảm bớt vị ngọt của thơ ca. Trong 10 đôi chữ vần với nhau chỉ có 3
đôi là chính vận (đâu sầu, đấy giấy, hay bay), 7 đôi còn lại là thông vận. Tuy
vậy vị ngọt, mặc dầu chưa đến độ nhàm chán, đối với người đọc khó tính, đã hơi
“đậm đà”. Tại sao ông không bỏ hẳn vần 1/3, chỉ giữ vần 2/4 như Ta Về của Tô
Thùy Yên chẳng hạn? Hỏi tức là đã trả lời. Lúc ấy cách gieo vần của Thơ Mới (ảnh
hưởng Pháp) là như thế. Một nhà thơ cự phách như Tô Thùy Yên mà đến gần 50 năm
sau (1985), trong Ta Về mới áp dụng phép gieo vần ấy, thì làm sao có thể trách
Vũ Đình Liên được. Ông đã chọn thể thơ mà ở thời của ông được coi là mới nhất,
phóng khoáng nhất. Nhưng dẫu sao cái vị ngọt hơi “đậm đà” đã tan vào bài thơ của
ông, và ông, chứ không ai khác, phải nhận
trách nhiệm (một cách oan ức!) về khuyết điểm nho nhỏ đó.
Theo
tôi, 2 câu đóng góp ít nhất và giảm giá trị nghệ thuật của bài thơ nhiều nhất,
là 2 câu cuối:
Những
người muôn năm cũ
Hồn
ở đâu bây giờ?
Nhận
định này rất khác với những bài bình Ông Đồ trên sách báo và internet ở trong
nước; nó cũng khác với nhận định của vài nhà phê bình văn học ở hải ngoại. Sau
đây là lý do khiến tôi đưa ra nhận định ấy.
Khi đọc xong câu 18:
Không thấy ông Đồ
xưa
con
tẩy của ván xì phé đã được lật lên, ẩn dụ đã được giải mã, không cần phải giải
thích thêm nữa. Bằng khả năng liên tưởng của mình người đọc đã có thể nhận ra
chủ ý của tác giả: nền Nho học đang lụi tàn. Cái câu hỏi “Những người muôn năm
cũ, hồn ở đâu bây giờ?” là không cần thiết, là thừa.
Nếu nói tác giả dùng cái câu hỏi “hỏi để mà hỏi
vậy thôi” với mục đích là, qua cái giọng “bàng hoàng, thảng thốt” trong câu hỏi
ấy, truyền cho người đọc cảm giác tiếc
nuối cái nền Nho học kia, thì cũng không hợp tình lắm. “Bàng hoàng, thảng thốt”
dùng cho trường hợp của Tú Xương trong Sông Lấp thì đúng, bởi ông Tú cũng chính
là ông Đồ, là máu, là thịt của nền Nho học; mất (hình ảnh) ông Đồ, đối với ông,
cũng đau đớn như mất một phần thân thể, một phần tâm hồn của mình.
Còn
như Vũ Đình Liên, theo tôi, chỉ bâng khuâng tiếc nuối khi thấy mất đi một nét đẹp
văn hóa của dân tộc, bởi ông – một người theo tân học – đối với ông Đồ, đối với
nền Nho học, chỉ là kẻ bàng quan, là người ngoài cuộc; câu hỏi với cái giọng
tha thiết ấy có vẻ hơi “lạc điệu”. Hơn thế nữa, nó làm bức tranh thứ 5 vẫn cồm
cộm chữ nghĩa; ngôn ngữ chưa hoàn toàn tan biến, chưa thực sự hóa thân vào
trong tranh.
Có
lần cô cháu dâu người miền nam nấu đãi ông bác chồng mới ở Mỹ về thăm, một nồi
chè xôi nước. Con nhỏ nấu ngon thiệt; tôi ăn một lúc hết 4 viên mà vẫn còn thòm
thèm. Nhưng đến viên thứ năm thì kẽ răng tôi bị một miếng gì đó dính vào. Thì
ra nó nấu chè bằng đường chén làm từ mía; người làm đường không để ý nên sót lại
chút bã mía trong chén đường. Dù vậy, chè xôi nước hôm đó vẫn là bữa ăn rất
ngon tôi còn nhớ đến ngày hôm nay.
Vâng!
Hai câu kết của bài thơ chính là miếng bã mía trong nồi chè xôi nước. Người đọc
có cảm giác hơi tiêng tiếc. Chỉ một chút xíu nữa thôi là những bức tranh thơ có
thể hoà nhập trọn vẹn vào tâm hồn người đọc, bài thơ có thể gọi là toàn bích.
Tóm lại, nhờ sự nhạy bén của tác giả
(và một chút may mắn) bài thơ Ông Đồ đã tránh được hai khuyết điểm lớn của thể
thơ trường thiên: hội chứng nhàm chán vần và tứ thơ phân tán. Thêm vào đó, nó lại
có thể thủ đắc một lúc 3 “tuyệt chiêu” của thơ ca là ẩn dụ tài tình, bày tỏ,
không biện giải (show, not tell), và thi hóa thân thành họa. Tôi xin mạnh dạn gọi
nó là một tuyệt tác.
Nó không phải chỉ nổi bật khi so
sánh với những bài thơ cùng thời, không phải chỉ nhận được những lời ngợi khen
từ những nhà phê bình văn học sử dụng
cái thước đo giá trị thơ ca của bối cảnh văn học những năm 1930s, 1940s.
Ngay lúc tôi viết bài này (2013), sau gần 80 năm lăn lóc trên thi đàn, nó vẫn sống
trong lòng người yêu thơ. Những nhà phê bình văn học, dù khó tính, “bới lông
tìm vết” bằng những chuẩn mực giá trị của thời đại mới đi nữa, vẫn phải công nhận
Ông Đồ là bài thơ rất hay.
Ông Đồ không chỉ là hiện tượng, là
cái mốc của một thời điểm lịch sử như Tình Già của Phan Khôi, như mấy bài thơ của
TTKh, mà bằng giá trị nghệ thuật nội tại, bằng cái đẹp chân chất thơ ca, đã biểu
lộ một sức sống mãnh liệt, sẽ còn ngất ngưởng trên thi đàn, làm xao xuyến hàng
triệu trái tim những người yêu thơ …nhiều chục năm nữa.
Phạm Đức Nhì
Tham Khảo:
thivien.net
edunet.com
vn.wikipedia.org
kienthucphothong.edu.vn
blog.zing.vn
kenhtrithuc.edu.vn
autim.net
dantri.com
vnthihuu.net
baomoi.com
luanhoan.net
Bài 3: ÔNG ĐỒ VÀ
ĐẰNG VƯƠNG CÁC TỰ
Nhắc
đến “tuyệt chiêu” thi hóa thân thành họa của Ông Đồ tôi lại nhớ đến hai câu thơ
chữ Hán mà thời còn ở trung học, một vị giáo sư của tôi đã cho là hai câu thơ tả
cảnh tuyệt vời của văn chương Trung Hoa:
Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất
sắc
Trần
Trọng San dịch:
Ráng chiều rơi xuống, với
cánh cò đơn chiếc cùng bay
Làn nước sông thu với bầu trời
kéo dài một sắc.
Sau
này đi tù, có dịp gần gũi với nhiều bậc thức giả, kiến văn rộng, tôi lại nhiều
lần được nghe họ trầm trồ khen ngợi hai câu thơ “độc nhất, vô nhị” đó nữa.
Chính tôi, vừa đọc, vừa thả hồn vào cái cảnh trời mà hai câu thơ ấy vẽ nên,
cũng thấy đẹp và hay thật; chữ nghĩa đã hoàn toàn tan biến, hóa thân thành một
bức tranh thơ tuyệt tác. Và sau đây là hoàn cảnh ra đời của hai câu thơ ấy.
Con
vua Đường Cao Tổ là Nguyên Anh được phong là Đằng Vương, khi nhậm chức thứ sử tại
Tô Châu đã sai đô đốc Hồng Châu xây cất một ngôi gác để làm chỗ ở. Ngôi gác tọa
lạc tại quận Nam Xương, bên sông Tầm Dương, được đặt tên là Đằng Vương các. Năm
Hàm Thuần thứ hai, sau khi hoàn tất công việc trùng tu Đằng Vương các, đô đốc Hồng
Châu lúc ấy là Diêm Bá Tự mở đại yến mời tao nhân mặc khách đến sáng tác thơ
văn để ghi nhớ.
Vương
Bột bấy giờ 19 tuổi, nổi tiếng là văn hay, thơ phú giỏi, đã giong thuyền trên
100 dặm để đến dự bữa đại yến này. Khi được đưa giấy bút mời trổ tài thơ, chàng
trai họ Vương khẳng khái đón nhận và ngay tại buổi tiệc đã sáng tác trọn vẹn
bài Đằng Vương Các Tự.
Bài
tự khá dài (hơn 760 chữ) có thể chia làm 5 phần:
Địa
lý và con người ở quận Nam Xương, nơi xây Đằng Vương các.
Ngợi
ca chủ và khách tham dự bữa tiệc.
Tả
phong cảnh xung quanh (từ Đằng Vương các nhìn ra).
Cảm
tưởng của riêng tác giả.
Đoạn
kết là bài thơ thất ngôn bát cú cổ phong tuyệt bút.
Hai
câu thơ được đời sau nhắc đến và ca tụng hết lời, nằm ở phần tả phong cảnh xung
quanh.
Tôi
hơi dài dòng về nguồn cội, xuất xứ của hai câu thơ là để có thể đưa ra mấy lời
nhận xét như sau:
1/ Không còn nghi ngờ gì nữa, Đằng Vương
Các Tự là một bài tự hay, một áng văn đẹp, được viết bởi một chàng trai trẻ tuổi,
ngay từ thuở thiếu nhi đã nổi tiếng có tài văn thơ. Lời văn trong bài tự rất
văn hoa, bóng bẩy, đẹp một cách hào nhoáng, lộng lẫy, được viết bằng lối văn biền
ngẫu nên đọc lên nghe rất cân đối, nhịp nhàng, trơn tuột như một bài thơ.
2/ Vương Bột lặn lội đường xa đến dự yến
với mục đích biểu diễn, phô trương kiến thức uyên bác, văn tài điêu luyện của
mình nên bài tự chữ dùng nhiều chỗ cầu kỳ, nhiều điển cố khó hiểu.
3/ Ông viết bài tự để tặng người chủ bữa
tiệc nên nhiều chỗ chữ nghĩa không thật sự phát xuất từ lòng mình, từ tấm chân
tình của mình, nhiều câu có tính đãi bôi, đầy cung cách xã giao, nghe rất sáo.
4/ Trong đám rừng hoa chữ nghĩa ấy nổi bật
lên một cụm hoa thật đẹp, thật tươi thắm, đứng lẻ loi như một bức tranh thơ
riêng biệt, có ma lực hớp hồn những người thưởng ngoạn. Đó chính là hai câu:
Lạc
hà dữ cô vụ tề phi
Thu
thủy cộng trường thiên nhất sắc.
5/ Nhưng cây hoa ấy, bức tranh thơ tuyệt
đẹp ấy, lại được đặt ở rất xa, mãi tận góc vườn, lẫn lộn với nhiều đồ vật trang
trí khác, góp một phần rất khiêm tốn, điểm tô cho Đằng Vương các.
Trong khi đó, Ông Đồ của Vũ Đình Liên,
ngôn ngữ bình dị hơn, là cả một bộ truyện bằng tranh thơ sinh động. Người đọc
không phải “đãi cát tìm vàng” như khi đọc Đằng Vương Các Tự, mà, với Ông Đồ, họ
có thể thấy ngay trước mắt mình cả một hàng những thỏi vàng óng ánh.
Phạm Đức Nhì
Bài 4: SÔNG LẤP:
MÔT BÀI THƠ TOÀN BÍCH
Sau buổi nhậu cuối tuần, mấy thằng bạn
ngồi uống trà, cà phê bù khú chuyện văn chương. Được một lúc, câu chuyện lan
man đến thơ: làm thơ nên làm thơ dài hay thơ ngắn? Một ông bạn, sau khi nói một
câu ba phải để vừa an toàn (khỏi sợ sai) vừa hợp lòng mọi người: “Thơ dài hay
ngắn hoàn toàn tùy sở thích của thi sĩ”, rồi có lẽ do thúc đẩy của hơi men, bỗng
nổi hứng tuyên bố thẳng thừng:
“Nhưng
những bài thơ ngắn quá (4 câu hoặc ít hơn) không đủ để tác giả bày tỏ lòng mình;
nó giống như mấy thằng cha mắc chứng sậu tinh, chưa nhập cuộc đã khóc ngoài
quan ải, chưa đi đến chợ đã hết tiền, để người bạn tình nằm tô hô, thất vọng
trên giường.”
Vâng! Tôi nhiều khi đọc thơ, cũng có
cái cảm giác thất vọng như cô gái “nằm tô hô trên giường.” Một bài thơ ngắn
quá, chỉ giống như một màn đá phạt trong bóng đá, một pha phối hợp nhỏ của 2, 3
cầu thủ phe mình để vượt qua một cầu thủ đối phương. Ở đây kỹ thuật cá nhân được
tận dụng tối đa; cầu thủ có thể phô diễn tài đi bóng, che bóng, lừa bóng, hoặc
sút bóng bay theo đường vòng cung vào lưới. Nhưng người ta không thấy được sự
lên xuống nhịp nhàng của cả 11 cầu thủ trên sân, không có cơ hội để thấy được
tài của huấn luyện viên trong việc tổ chức, phối hợp đấu pháp toàn đội.
Trong
một bài thơ ngắn thi sĩ phải chắt lọc từng chữ, từng câu để tự nó tạo được âm
vang, hình ảnh đặc biệt, hầu lưu lại một chút dấu ấn trong lòng người đọc, bởi,
với số chữ giới hạn, ông không có chỗ, không đủ thời gian đào con mương, trút cảm
xúc trong lòng mình xuống để nó cuồn cuộn chảy thành dòng, sóng sau dồn sóng
trước như thác đổ, khuấy động tâm hồn người đọc. Trong một bài thơ quá ngắn người
đọc không có dịp để thấy cái bề thế của trận địa chữ nghĩa. Nó chỉ như một cuộc
phục kích, đột kích cấp tiểu đội, trong đó người chỉ huy không có dịp để nghe
tiếng rít xé trời của phản lực, tiếng gầm của hải pháo và pháo binh diện địa,
tiếng ầm ì của thiết giáp, và đặc biệt, không có dịp để thấy từng đoàn quân, từng
đoàn quân, hàng hàng lớp lớp tiến lên chiếm lĩnh mục tiêu.
Với Sông Lấp của Tú Xương, một bài thơ
rất ngắn, chỉ có 4 câu lục bát 28 chữ, người ta phải xem nó là một ngoại lệ rất
hiếm hoi.
Trước
khi quay lại cái giai đoạn lịch sử cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 để tìm hiểu bối
cảnh văn hóa, xã hội của Việt Nam lúc tác giả viết Sông Lấp rồi phân tích để
tìm cái hay của bài thơ, tôi xin kể một kinh nghiệm đã trải qua để làm thí dụ
so sánh.
Có một dạo tôi bị nhốt xà lim ở A20,
Xuân Phước. Chế độ ăn uống ở xà lim cực kỳ hà khắc. Mỗi ngày 2 bữa. Mỗi bữa chỉ
có 2 muỗng cơm và 2 muỗng nước. Đến ngày thứ 20 trở đi, vì không có chất bổ dưỡng
và mất nước, các tế bào nằm chết xếp lớp trên người tôi, tạo thành những lớp da
cứ bong ra như vẩy cá. Tôi ngồi bóc hết lớp da này đến lớp da khác và nhìn thân
người mình cứ teo tóp đi một cách rõ ràng. Đến ngày thứ 40 thì mông và bắp đùi
đã gần như không còn thịt nữa….Đến ngày thứ 50 thì toàn thân chỉ còn một lớp da
mỏng bọc xương, ngực thì có thể nhìn thấu từng mảnh xương sườn, đầu thì như một
cái sọ dừa khô. Lúc ấy, thỉnh thoảng mê thiếp đi, tôi đã thấy thần chết, tay cầm
lưỡi hái, từng bước đến gần bệ nằm của mình mà chân thì bị cùm, cửa xà lim thì
đóng kín, khóa chặt, không làm sao chạy thoát được. Cái cảm giác ấy thật đáng sợ
đến rùng mình.
Với Tú Xương thì lại khác. Nỗi sợ đến
độ ám ảnh của tôi là sự suy kiệt thể xác. Với ông, là sự mất mát tinh thần. Ông
không có cái vinh dự đỗ đầu cả 3 kỳ thi như Tam Nguyên Yên Đỗ, hoặc khiêm nhường
hơn, đỗ Giải Nguyên (đầu thi Hương) như Nguyễn Công Trứ để được bổ quan, đem
tài sức của mình phục vụ quê hương, đất nước. Ông chỉ đỗ Tú Tài (Tú rốt bảng
trong năm Giáp Ngọ), không được vua ban áo mão, vinh quy bái tổ, sau đó được bổ
quan cửu phẩm, như những ông Nghè, ông Cống. Nhưng ở làng Vị Xuyên quê ông, ông
cũng được tiếp rước long trọng, nở mày, nở mặt với bà con, thôn xóm. Trong những
buổi hội họp, tiệc tùng, đình đám, ông lại còn được vinh dự ngồi chiếu tiên chỉ
(1). Hơn nữa, với sự tự tin vào văn tài của mình, với một tinh thần minh mẫn
trong một thân thể khỏe mạnh của tuổi trung niên, đường thi cử của ông vẫn còn
rộng mở. Ông có lý do để hy vọng. Hy vọng một ngày nào đó đỗ đạt cho bõ công
đèn sách, đền đáp công lao của bà vợ đảm đang, đem tài sức phục vụ đất nước.
Nhưng
thời thế không đứng về phía ông. Những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nước
Việt Nam đã bị người Pháp hầu như nắm toàn quyền cai trị. Triều đình bù nhìn
nhà Nguyễn chỉ có quyền bổ nhiệm một số chức quan “hữu danh vô thực”, còn những
chức vụ có thực quyền lèo lái guồng máy hành chánh của đất nước, đại đa số đều
do người Pháp chỉ định. Ở miền trung và miền bắc, thi Hương chưa bị chính thức
bãi bỏ nhưng số người học chữ Nho đã thưa giảm rất nhiều. Chính Tú Xương đã phải
lên tiếng xác nhận:
Cái
học nhà Nho đã hỏng rồi
Mười
người đi học chín người thôi.
(Cái
Học Nhà Nho)
Ngay cả việc thi cử cũng không còn cái vẻ
nghiêm trang, long trọng như ngày xưa
Lọng
cắm rợp trời, quan Sứ đến,
Váy
lê quét đất, mụ đầm ra.
(Vịnh
Khoa Thi Hương)
Mà
dù có đỗ đạt đi nữa cũng đâu còn cái vinh dự, cái niềm tự hào như thời đất nước
còn độc lập, tự chủ
Một
đàn thằng hỏng đứng mà trông
Nó
đỗ khoa này có sướng không
Trên
ghế bà đầm ngoi đít vịt,
Dưới
sân ông cử ngỏng đầu rồng !
(Giễu Người Thi Đỗ)
Thêm
vào đó, người Pháp cũng đã mở trường huấn luyện và một số kỳ thi riêng của họ để
chọn người làm việc. Và cũng chính Tú Xương đã phải cay đắng than thở:
Nào có ra gì cái chữ Nho
Ông Nghè, ông Cống cũng nằm
co
Chi bằng đi học làm thầy Phán
Tối rượu sâm banh, sáng sữa
bò.
(Chữ Nho)
Từng
ngày, từng tháng trôi đi. Khung cảnh chính trị, văn hóa, xã hội không ngừng đổi
thay trước mắt theo chiều hương xấu. Kho kiến thức sau bao năm đèn sách của ông
– như đồng tiền trong một nền kinh tế lạm phát phi mã – ngày càng giảm giá trị.
Con người sinh học của Tú Xương vẫn còn lây lất sống, nhưng trong tâm hồn ông,
niềm hy vọng, niềm tin vào tương lai, đang đi dần đến cõi chết, không còn
phương cứu vãn. Bài thơ Sông Lấp đã được viết trong hoàn cảnh đó.
SÔNG LẤP
Sông xưa rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng
ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai
gọi đò.
Tứ
: Nghe tiếng ếch vọng lại từ khu nhà, vườn tược được xây dựng ngay trên lòng
sông Vị Hoàng (nay đã bị lấp), tác giả giật mình tưởng tiếng gọi đò vọng lại và
nhớ đến bến đò cũ, con sông xưa.
Ý:
Tác giả nhớ thương, tiếc nuối cái thời Nho học - mà tác giả là một sĩ tử - còn
được coi trọng.
Năm
1832, sau khi triều đình cho đào sông
Đào thay thế vai trò của sông Vị Hoàng, nhằm rút ngắn lộ trình đường thuỷ.
Sông Vị Hoàng trở nên kém tác dụng và bị phù sa lấp dần. Cuối thế kỷ XIX, do cần
đất để xây dựng các công sở, người Pháp đã lấp sông Vị Hoàng, vì thế con sông
này không còn nữa. Nhiều người gọi là sông Lấp, ấy là gọi để nhớ thế thôi, chứ
sông đã lấp rồi thì sao còn sông nữa (2).
Dựa
vào 2 câu cuối của bài thơ tôi có thể suy luận ra mấy điều sau:
Khúc
sông Vị Hoàng chảy qua khu nhà của Tú Xương thuộc làng Vị Xuyên không có cầu bắc
qua sông.
Nhà
ông Tú không ở sát, nhưng cũng không xa bến đò ngang lắm; ở đấy có thể nghe được
tiếng gọi đò vọng lại.
Ông
rất nặng lòng với khúc sông đầy kỷ niệm, với quãng đời lúc con sông chưa bị lấp,
đến nỗi chỉ “vẳng nghe tiếng ếch bên tai” ông cũng giật mình tưởng tiếng gọi đò
từ những năm xưa cũ.
Nhưng
nếu “vẳng nghe tiếng ếch bên tai” mà người đọc chỉ tưởng “tiếng ai gọi đò” để từ
đó nhớ đến bến đò ngang cạnh nhà ông và rồi đến con sông Vị Hoàng ngày xưa (nay
đã bị lấp) thì … bất công với Tú Xương quá. Nếu dòng liên tưởng chỉ dừng ở đấy
thì bài thơ đã bị giảm đi ít nhất 90% giá trị nghệ thuật. Nếu chỉ có thế người
ta đâu có gọi Sông Lấp là “tiếng thở dài thế sự” của Tú Xương. Dĩ nhiên, ông
cũng nhớ đến con sông mà vợ ông đã “quanh năm buôn bán” ở đó để nuôi sống một
gia đình đông đúc “năm con với một chồng”. Nhưng con sông chỉ đóng vai chiếc cầu
để ông trở về cái thời tạm gọi là vàng son của ông, cái thời còn ngồi chiếu
tiên chỉ của làng Vị Xuyên, cái thời mà mọi người gọi ông là Ông Tú với giọng
kính trọng một nhà nho có văn tài, cái thời ông còn tràn trề hy vọng khi nghĩ đến
kỳ thi sắp tới, và trong lòng ông, niềm tin ở quê hương đất nước vẫn còn rực
sáng.
Còn
cái lúc ông viết Sông Lấp, ách cai trị của người Pháp đã lan tỏa, đã xâm nhập
vào mọi ngõ ngách của cuộc sống người dân Việt, nền Nho học đang lụi tàn, con
đường tương lai của ông đang đi vào ngõ cụt. Ông đành quay lại nhìn, nuối tiếc
cái thời xa xưa ấy để rồi buông “tiếng thở dài thế sự”.
Nhận Định Nghệ
Thuật
Dù
bằng con mắt của người đọc thơ khó tính, dù áp dụng cách nhìn nhận, đánh giá thơ
ca của thời đại mới, tôi tin rằng người đọc vẫn khó tìm ra khuyết điểm của bài
thơ. Nhưng cái hay của bài thơ thì lại khá nhiều và độc đáo.
Không có hội chứng nhàm chán vần
Những thể thơ truyền thống, đặc biệt là thơ
lục bát, rất dễ mắc phải hội chứng nhàm chán vần. Sông lấp chỉ có 4 câu, quá ngắn,
nên thoát khỏi chứng bệnh này.
Tứ thơ mạch lạc, thủ pháp “show, not tell” áp
dụng rất thành công, từ liên tưởng này đến liên tưởng khác theo một trình tự hợp
lý, người đọc rất dễ cảm nhận.
Câu chữ đắc địa, khó thay đổi hoặc thay thế
Chúng
ta thử đọc bài thơ Không Đề, đã được nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc khen
là “một trong những bài thơ hay nhất, hoàn chỉnh nhất của Nguyễn Bính” (3)
Hôm nao dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò tìm nhau
Anh đi đấy, anh về đâu?
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…
Câu
thứ 4 của bài thơ thật tuyệt vời. Đúng như Nguyễn Hưng Quốc nhận định:
Người
con gái vẫn còn đứng đó, bên thành cửa sổ, vời vợi nhìn theo. Câu thơ cắt thành
ba nhịp, tưởng như mỗi nhịp ngắt là một làn sóng đột nhiên trào lên, che khuất
cánh buồm. Bao nhiêu lần khuất rồi hiện. Lần cuối cùng, đã xa lơ xa lắc, người
con gái chỉ còn nhìn thấy, mờ thật mờ, hình ảnh cánh buồm thấp thoáng, nhòa đi
trong khói sóng bập bềnh. Không còn thấy màu sắc nữa: chữ “nâu” ở nhịp cuối biến
mất (3).
Câu
thứ 4 của bài thơ hay như thế, nhưng còn 3 câu đầu thì sao? Theo tôi, không đắt
lắm. Một thi sĩ nào đó có thể khá dễ dàng thay thế 3 câu đầu bằng 3 câu khác để
có những hoàn cảnh chia tay khác nhau; mẹ chia tay con, bà chia tay cháu, vợ
chia tay chồng, hai người bạn chia tay nhau…
miễn sao chữ cuối của câu 3 có vần au hay âu để vần với “cánh buồm nâu” ở
câu cuối.
Trong
Sông Lấp mỗi chữ, mỗi câu, mỗi ý tưởng, mỗi hình ảnh đều được xếp đặt, nối kết
như một thế trận. Thật khó có thể thay chữ này bằng chữ kia hoặc câu này bằng
câu khác mà không làm giảm giá trị nghệ thuật của bài thơ. Riêng chữ “vẳng” và
2 chữ “giật mình” thì phải nói là đắt như kim cương. Không phải là tiếng sấm,
tiếng sét, tiếng súng nổ, tiếng cãi nhau to tiếng mà chỉ là “vẳng” nghe tiếng ếch
từ xa vọng lại, cũng đủ làm ông Tú “giật mình” nhớ đến một chuỗi những hình ảnh
của quá khứ xa xưa. Tâm hồn ông chắc phải thẳng căng như sợi dây đờn nên chỉ một
chạm nhẹ cũng rung lên bần bật, tạo nên “tiếng kêu khắc khoải” làm tái tê lòng
biết bao nhiêu người đọc thơ ông.
Hơn
nữa, cái hay của Không Đề chỉ ở câu thứ 4, giống như đội bóng có một cầu thủ
siêu sao. Cái hay của Sông Lấp là cái hay tổng thể, cái hay toàn bài; ở đây, đội bóng có một huấn luyện
viên tài ba, xếp đặt 11 cầu thủ vào từng vị trí phù hợp với sở trường và lối
chơi riêng của họ, tạo được sự phối hợp gắn bó, nhịp nhàng của toàn đội. (Nếu
hoán chuyển vị trí của các cầu thủ hoặc thay thế một cầu thủ trong đội bằng một
cầu thủ khác thì hiệu quả của đấu pháp toàn đội sẽ giảm sút)
Có lẽ cái hay nhất của Sông Lấp, có thể tôn
giá trị nghệ thuật của bài thơ lên nhiều nhất, là phép ẩn dụ, đúng hơn phải nói
là sự kết hợp tài tình giữa thủ pháp “show, not tell” và phép ẩn dụ để diễn đạt
ý của tác giả.
Cái
thú khi đọc một bài thơ có phép ẩn dụ - tác giả nói về cái này mà ngụ ý cái kia
- là lần theo tứ thơ để tìm, để khám phá ý của tác giả. Phép ẩn dụ càng kín
thì, khi người đọc, bằng khả năng liên tưởng của mình, hiểu được, cảm thông được
tâm tình mà tác giả muốn chia sẻ, sự ngạc nhiên và thích thú càng gia tăng, bài
thơ càng được đánh giá cao.
Phép
ẩn dụ trong Sông Lấp rất kín, kín đến nỗi ngay cả có người bình bài thơ ấy cũng
không thấy được, cảm được ẩn ý của tác giả. (4) Có thể nói Sông Lấp không phải
là một đoàn quân trùng trùng, điệp điệp, nhưng lại có bề thế của một mặt trận,
một điệp vụ tình báo siêu đẳng, đưa được những điệp viên thượng thặng, bí mật nằm
giữa bộ chỉ huy của quân địch. Phép ẩn dụ ấy được kết hợp một cách tài tình với
thủ pháp “show, not tell”, tạo ra một chuỗi những chiếc cầu liên tưởng, dẫn người
đọc đi từ hình tượng này đến hình tượng khác.
Từ
tiếng ếch kêu, trong hoàn cảnh riêng của mình, trong tâm tình riêng của mình,
nhà thơ “tưởng tiếng ai gọi đò”. Đây là một liên tưởng rất riêng tư; nếu ông
không bộc bạch, bày tỏ thì người đọc khó có thể đoán ra được. Biết thế nên ông
đã đưa tay dắt chúng ta bước lên chiếc cầu đầu tiên. Đến 2 chiếc cầu liên tưởng
kế tiếp thì người đọc đã có thể tự mình qua được; từ tiếng gọi đò nhớ bến đò
ngang, từ bến đò ngang nhớ con sông Vị Hoàng ngày xưa, nay đã bị lấp.
Khi
từ con Sông Lấp đặt chân lên chiếc cầu sau cùng, bằng vốn kiến thức về lịch sử,
văn học sử, cộng với một chút trực giác thi ca, người đọc sẽ bắt gặp nỗi lòng
sâu kín của nhà thơ: nhớ thương, tiếc nuối cái thời tạm gọi là vàng son của
mình, cái thời Nho học vẫn còn chỗ đứng khá trang trọng trong đời sống người
dân Việt. Và người đọc sẽ tròn xoe mắt “À” lên một tiếng khoái trá.
Với
Trương Kế, tiếng chuông chùa Hàn San chính là chữ Duyên của đạo Phật, là chiếc
phao giúp ông bơi vào bờ bến thi ca, để lại cho đời một bài thơ bất hủ: Phong
Kiều Dạ Bạc. Với Trần Tế Xương, tiếng ếch giữa đêm khuya đã khiến ông giật mình
thảng thốt nhớ đến bến đò cũ, con sông xưa, và rồi từ con sông ấy đã quay lại để
thương, để nhớ, để tiếc một quãng thời gian đầy kỷ niệm của đời mình. Nhờ tiếng
ếch ấy, nhờ nỗi nhớ thương, tiếc nuối ấy, ông đã đóng góp vào kho tàng văn
chương của Việt Nam và của thế giới một tuyệt tác thi ca, một bài thơ toàn
bích: Sông Lấp.
Chú thích:
Người
đứng đầu hội đồng kỳ dịch trong làng.
- Nếu làng xét ngôi thứ trong hội đồng theo
“thiên tước” thì ai cao tuổi nhất là tiên chỉ.
- Nếu làng xét ngôi thứ trong hội đồng theo
“nhân tước” thì ai đỗ cao nhất hoặc có phẩm hàm cao nhất thì ngồi chiếu tiên chỉ.
(Wikipedia Tiếng Việt)
Tú
Xương tuy chỉ đỗ Tú Tài nhưng có lẽ làng Vị Xuyên xét ngôi thứ trong hội đồng
theo “nhân tước” và lúc ấy chưa có người đỗ đạt nên ông được trọng vọng mời ngồi
chiếu tiên chỉ.
mobile.vietgle.vn
Tứ
Thơ, Tìm Hiểu Nghệ Thuật Thơ Việt Nam, Nguyễn Hưng Quốc
Về
Bài Thơ Sông Lấp Của Trần Tế Xương, Vũ Bình Lục, lethieunhon.com
Bài 5: CŨNG CHỈ
LÀ LỜI ĐỒN
(Trao đổi với Lưu Na về bài thơ Sông
Lấp)
Khi
bài viết Sông Lấp - Một Bài Thơ Toàn
Bích phóng đi được ít hôm tôi nhận được vài emails – khen có, và chê cũng có.
Tôi đã trả lời độc giả bằng thư riêng. Người khen thì dĩ nhiên không có ý kiến
gì thêm, còn người chê có hài lòng với câu trả lời của tôi hay không, thú thật
là tôi không biết. Đặc biệt có một nữ độc giả, Lưu Na trẻ hơn tôi mấy tuổi, là
một cây viết kỳ cựu (ít nhất cũng hơn tôi) trên trang web văn học T- Vấn &
Bạn Hữu, đã có hẳn một bài viết (ngắn) trên trang web ấy liên quan đế bài Sông
Lấp - Một Bài Thơ Toàn Bích của tôi.
Sau
đây là nguyên văn bài viết:
Lưu
Na : Đồn
Đại
khái là Tú Xương có giao tình với Phan Bội Châu lúc đó đang trong phong trào chống
Pháp. Chỗ bến đò mà Tú Xương cảm hoài chính là chỗ ban đêm nghĩa quân lén
qua sông nên giả tiếng ếch kêu để làm hiệu. Khi đã xảy đàn tan nghé, ông
tú Vị Xương mới đêm nằm nghe ếch bên tai mà nhớ lúc xưa, và giật mình còn ngỡ
(tưởng) tiếng ai gọi đò.
Không
biết điều ấy thật bao nhiêu vì Tú Xương không bao giờ nói cho chúng ta biết,
nhưng cái lời đồn đó làm cho bài thơ càng thêm nỗi ngậm ngùi, vì tang thương của
đất trời chồng lên thêm với cái dâu bể của thời cuộc. Cái buồn trong hơi
thơ của Tú Xương càng sâu lắng.
Cũng trong cái khoảng thời gian chống Pháp ấy thì nghĩa quân phải sinh hoạt như
một hội kín, lúc hội họp gặp nhau hân hoan tình đồng chí đệ huynh, mà ra khỏi
chốn bí mật ấy thì buồn bã phải coi nhau như người dưng nước lã, nên thành câu
sao đang vui vẻ ra buồn bã _ vừa mới quen thân đã lạ lùng.
Đó
là bài thơ Nhớ Bạn Phương Trời của Trần Tế Xương:
Ta
nhớ người xa cách núi sông
Người
xa xa có nhớ ta không
Sao
đang vui vẻ ra buồn bã
Vừa
mới quen thân đã lạ lùng
Khi
thấy thấy gì trong mộng tưởng
Nỗi
riêng riêng đến cả tình chung
Tương
tư lọ phải là trai gái
Một
ngọn đèn xanh trống điểm thùng
Bài
thơ được cho là lời nhắn gửi âm thầm đến Phan Bội Châu, một tâm tình nhớ bạn _
ta nhớ người xa cách núi sông, người xa, xa có nhớ ta không. Những câu sau nói
lên hoàn cảnh tâm tình của lớp người chống Pháp. Sinh hoạt trốn lánh kiểu
hội kín (mượn chữ của Tạ Chí Đại Trường), nỗi niềm riêng phải sống để dạ chết
mang theo chứ không thể thổ lộ ngay cả với người đồng tịch đồng sàng _ nỗi
riêng riêng đến cả tình chung.
Trong
đêm vắng nỗi buồn thật mênh mang _ một ngọn đèn một tiếng trống, lại nhuốm chút
đắng cay chua chát, đó chính một trademark trong hơi thơ của Tú Xương, trong những
lời kiêu bạc mà chứa đầy nỗi cô đơn:
Tương
tư lọ phải là trai gái
Một
ngọn đèn xanh trống điểm thùng
Nói
cho ngay tình, cả cái tựa của bài bài thơ nhớ bạn tôi cũng không dám chắc là
đúng, và những gì đọc được cũng chỉ là đồn đoán (bàn đề!!!!) khi còn đang học
trung học, nhưng lúc đó đọc được 2 câu đầu thôi mà nỗi buồn man mác không nói
ra lời vương mãi vào lòng.
Phải
chăng lời đồn cũng có lời thi vị làm mình muốn nhớ hoài?
Lưu
Na
01/09/2014
nguồn:
t-van.net
Và
đây là bài viết trả lời của Phạm Đức Nhì:
CŨNG CHỈ
LÀ LỜI ĐỒN
“Mẩu
viết ngắn” với cái tựa chỉ có một chữ Đồn nhưng đã thổi một luồng gió mát vào
bài viết khá khô khan của tôi. Trong số những phản hồi về bài viết Sông Lấp -Một
Bài Thơ Toàn Bích, tôi thích nhất là “mẩu viết ngắn” ấy. Nó đã cho người đọc một
góc nhìn mới về bài thơ Sông Lấp và đưa dẫn tứ, ý của bài thơ về một chân trời
mới. Theo Lưu Na, tác giả của “luồng gió mát”, thì có lời đồn như sau:
Đại
khái là Tú Xương có giao tình với Phan Bội Châu lúc đó đang trong phong trào chống
Pháp. Chỗ bến đò mà Tú Xương cảm hoài chính là chỗ ban đêm nghĩa quân lén
qua sông nên giả tiếng ếch kêu để làm hiệu. Khi đã xảy đàn tan nghé, ông
Tú Vị Xương mới đêm nằm nghe tiếng ếch bên tai mà nhớ lúc xưa, và giật mình còn
ngỡ (tưởng) tiếng ai gọi đò…
Lời đồn ấy có thể tin được lắm chứ! Phan Bội
Châu sinh năm 1867, lớn hơn Tú Xương 3 tuổi, đỗ Giải Nguyên năm 1900.
Trong
vòng 5 năm sau khi đỗ Giải nguyên, Phan Bội Châu bôn ba khắp nước Việt Nam
kết giao với các nhà yêu nước như Phan Chu Trinh,Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Hàm (tức Tiểu La Nguyễn Thành), Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Đặng Thái Thân, Hồ Sĩ Kiện, Lê Huân, Nguyễn Quyền, Võ Hoành, Lê
Đại,...(1)
Tuy
Tú Xương không nằm trong danh sách những nhà yêu nước - cùng với Phan Bội Châu
- có những hoạt động tích cực chống Pháp, nhưng với văn tài, với những bài thơ
thấm đẫm lòng yêu nước của ông, việc Phan Bội Châu có giao tình với ông là việc
có thể xảy ra lắm. Thêm vào đó lại còn bài thơ Nhớ Bạn Phương Trời (2)
Ta nhớ người xa cách núi sông
Người
xa, xa lắm, nhớ ta không?
Sao
đang vui vẻ ra buồn bã?
Vừa
mới quen nhau đã lạ lùng
Lúc
nhớ nhớ cùng trong mộng tưởng
Nỗi
riêng riêng cả đến tình chung
Tương
tư lọ phải là trai gái
Một
ngọn đèn khuya trống điểm thùng
thì
tra cứu trong tập Thơ Việt Nam Thế Kỷ XX, Thơ Trữ Tình, tôi thấy ở phần chú
thích đã được ghi rõ ràng là: “Bài này tác giả viết tặng Phan Bội Châu”. Như vậy,
phần đầu của lời đồn về mối giao tình đã trở thành sự thật. Riêng phần còn lại
của lời đồn:
Chỗ
bến đò mà Tú Xương cảm hoài chính là chỗ ban đêm nghĩa quân lén qua sông nên giả
tiếng ếch kêu để làm hiệu. Khi đã xảy đàn tan nghé, ông Tú Vị Xương mới
đêm nằm nghe tiếng ếch bên tai mà nhớ lúc xưa, và giật mình còn ngỡ (tưởng) tiếng
ai gọi đò…
thì
chưa thể kiểm chứng được.
Thôi
thì cứ cho toàn bộ lời đồn ấy là thật và xem lại bài Sông Lấp của Tú Xương:
Sông xưa rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
trong
đó tiếng ai gọi đò (chữ nghiêng) ám chỉ tiếng ếch kêu làm hiệu của nghĩa quân để
gọi đò qua sông. Bốn chữ tiếng ai gọi đò được viết nghiêng là để phân biệt với
tiếng gọi đò bình thường của khách trong cuộc sống hàng ngày ở bến đò. Để người
đọc có thể hiểu được cái ẩn ý ấy người làm thơ phải có một đoạn chú thích.
Nhưng
có những bài thơ sử dụng phép ẩn dụ mà lại ở vào thế “tấn thối lưỡng nan”,
nghĩa là có hai đặc tính mâu thuẫn: bất khả chú thích và bất khả liên tưởng.
Tác giả không thể chú thích rõ ràng để người đọc dễ hiểu, thường là vì ba lý
do:
1/
An ninh: có thể bị tù tội, có khi mất đầu.
2/
Tế nhị: không muốn công khai xúc phạm đối tượng của phép ẩn dụ; như thế sỗ sàng
quá.
3/
Kỹ thuật thơ: chú thích sẽ “bật mí” ẩn ý, sẽ giết chết phép ẩn dụ.
Còn
người đọc thì không thể dùng khả năng liên tưởng để hiểu ý được vì khoảng cách
giữa tứ và ý quá xa, không thể bắc cầu.
Bài
thơ Sông Lấp (nếu chấp nhận toàn bộ lời đồn là thật) ở vào trường hợp này.
Nhà
thơ ở vào thế “bị triệt buộc”: bất khả chú thích , bất khả liên tưởng. Nếu chú
thích sẽ vô hiệu hóa phép ẩn dụ; nếu không chú thích thì người đọc sẽ không thể
lần ra ẩn ý của mình. Trường hợp chấp nhận hy sinh phép ẩn dụ để đi về hướng lời
đồn, đưa đoạn chú thích vào bài bình thơ thì, bài thơ, dù vẫn còn nguyên 4 câu,
28 chữ (không thay đổi chữ nào) nhưng cấu tứ đã trở nên rời rạc, lỏng lẻo.
Hồn cốt của bài thơ hoàn toàn nằm trong tiếng ếch
và tiếng gọi đò. Con sông còn đấy hay đã bị lấp cũng không quan trọng. Giả sử
gia đình ông Tú dời nhà xa hẳn con sông Vị Hoàng. Cơn mưa đêm vừa tạnh; tiếng ếch
kêu từ ruộng mạ nhà ai vọng lại; ông giật thót mình rồi cao hứng viết bài thơ.
Lúc ấy chỉ tiếng ếch kêu cũng đủ gợi nhớ đến tiếng gọi đò của nghĩa quân. Hai
câu đầu và cả cái tựa Sông Lấp của bài thơ cũng có thể vứt đi để thay bằng hai
câu khác, cái tựa khác, mà vẫn không ảnh hưởng gì đến tứ thơ.
Mất
đi phép ẩn dụ tài tình, mất đi tính chất đắc địa của câu chữ, Sông Lấp, với
cách hiểu ấy, đã mất hẳn bản sắc của nó, chắc không thể có chỗ đứng trang trọng
trong lòng người yêu thơ như ngày hôm nay.
Để
viết những bài bình thơ tác giả thường dựa vào văn bản, lịch sử, văn học sử, sự
hiểu biết về thơ, kinh nghiệm làm thơ và một chút trực giác trong việc cảm nhận
thơ ca của mình. Những giai thoại, những lời đồn trong làng thơ, theo tôi, chỉ
nên được xem như những chiếc lá, những bông hoa trang điểm chứ không nên đưa
vào làm thân, làm gốc cho một bài bình thơ.
Nhưng
dù sao đi nữa cũng xin thành thật cám ơn Lưu Na. “Mẩu viết ngắn” của Lưu Na đã
làm bài viết của tôi tươi mát hơn. Tôi đã có dịp nhìn lại bài thơ Sông Lấp một
lần nữa, kỹ càng hơn, cẩn trọng hơn. Và đã nhận ra rằng: “Lời đồn, dù có căn cứ,
dù đầy tính thuyết phục, cũng chỉ là …lời đồn.”
Chú
thích:
Wikipedia.org
Thơ
Việt Nam Thế Kỷ XX, Thơ Trữ Tình, NXB Giáo Dục, 2004 (tr.914)
Phạm Đức Nhì
Bài 6: AI HOÀI CỔ
HƠN AI?
Khoảng
cuối năm 2011, một người bạn văn chương ở trong nước gởi cho tôi 4 bài thơ kèm
theo một câu hỏi như kiểu đánh đố: “Ai hoài cổ hơn ai?” Tôi hiểu ý anh bạn,
nhưng theo tôi, cách đặt vấn đề của anh không được chính xác lắm. Với một người
thích đọc thơ và thỉnh thoảng cũng làm thơ như tôi, câu hỏi đó phải là: “Trong
4 bài thơ thể hiện tâm tình hoài cổ, bài thơ nào hay hơn? Hoặc tài thơ của tác
giả nào cao hơn?”
Đến
khi tra cứu để bình bài thơ Sông Lấp tôi lại đọc được bài Về Bài Thơ Sông Lấp Của
Tú Xương (1) của Vũ Bình Lục, trong đó tác giả cho rằng: “… Tú Xương và Nguyễn
Khuyến, căn cốt vẫn là những nhà thơ trữ tình đặc sắc của dân tộc. Phải nói
thêm là cả hai cụ, đều trữ tình ngay cả trong trào phúng và ngược lại. Riêng về
thơ, về tài thơ thì tôi cũng muốn xếp cụ Tú Xương cao hơn một tí. Cụ Nguyễn
Khuyến kinh điển hơn, uyên bác hơn, nhưng đó lại chính là chỗ gây khó cho nhà
thơ nổi tiếng này.”
Với tôi, thi sĩ, ngay cả trong cùng một
loại thơ, như thơ trữ tình chẳng hạn, không phải lúc nào cũng sáng tác đều tay
như một cỗ máy sản xuất một món hàng công nghệ. Có khi cao hứng, chữ nghĩa, ý tứ
từ trên trời rơi xuống, viết được bài thơ rất hay. Nhưng cũng có khi, bài thơ
viết ra chỉ muốn vứt vào sọt rác, hoặc giả đem trình làng, thì chỉ như viên sỏi
vứt xuống biển, chẳng thấy tăm hơi gì cả.
Có
thi sĩ chỉ viết có vài bài mà nổi danh, nhưng cũng có người in hết tập này đến
tập khác mà khi xưng tên thì chả ai biết ngài là ai cả. Bởi vậy, tôi không dám
dùng phương cách đem “gia tài thơ” của cả hai thi sĩ đặt lên bàn cân rồi kết luận
ai tài hơn ai. Công việc ấy không phải là không làm được, nhưng phải cần một
ê-kíp những nhà phê bình văn học có tài, phải ra công tra cứu ngọn ngành, phân
tích chi li, kỹ lưỡng, phải có óc tổng hợp, phải cân nhắc đủ chiều, đủ mặt. Mà
dù có làm được việc ấy, kết luận đưa ra vẫn còn đầy tính chủ quan, còn gây nhiều
tranh cãi.
Thôi
thì “mèo bé bắt chuột con”, thỉnh thoảng tôi chỉ dám đem bài thơ này so sánh với
bài thơ kia (nhưng chỉ giới hạn scope của việc so sánh vào một đặc điểm nào đó
thôi). Theo tôi, nếu chọn hai bài thơ thuộc loại “những con tương cận”, nghĩa
là có chung một đặc điểm nào đó (chung một đề tài, chung một thủ pháp nghệ thuật…)
thì việc so sánh sẽ dễ hơn. Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác và Cảm Hoài của Đặng
Dung là “những con tương cận” vì có chung một đề tài, một tâm sự; đó là hào khí
của một sĩ phu trước cảnh nước nhà nguy biến.
Dĩ
nhiên, khi so sánh, có người coi trọng cách dùng chữ, có người coi trọng cái
thâm trầm, sâu sắc, người khác lại thích cái hào sảng, phóng khoáng, hơi thơ
nóng bỏng, dòng chảy cuồn cuộn như thác đổ. Và từ đó họ có sự đánh giá cao thấp
khác nhau.
Trong
tinh thần đó tôi thấy việc tìm câu trả lời cho câu hỏi của anh bạn về 4 bài thơ
là khả thi, là tương đối dễ dàng. Bốn bài thơ đó là:
Nhớ Quy Nhơn của Vương Linh.
Thăng Long Thành Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh
Quan.
Ông Đồ của Vũ Đình Liên.
Sông Lấp của Tú Xương.
Hoài
cổ là nhớ thương, tiếc nuối một thời đã qua. Như vậy, Nhớ Quy Nhơn, đúng ra, là
tâm tình hoài hương chứ không hẳn là hoài cổ. Dĩ nhiên, trong hoài hương đã ẩn
chứa hoài cổ (Nhớ Quy Nhơn là nhớ cả cái thời gian mình đã sống ở Quy Nhơn);
tuy nhiên, ở đây khung trời quê hương mới chính là tâm điểm của bài thơ. Ba bài
còn lại thì đúng là hoài cổ; nhớ thương, tiếc nuối đều xoáy vào “một thời đã mất”.
NHỚ QUY
NHƠN (2)
Không đủ ban ngày để nhớ nhau
Tối nằm chợp mắt đã chiêm bao
Nửa đêm trở dậy hương rừng
thoảng
Tương biển Quy Nhơn gió thổi
vào.
(Vương Linh,
1921-1992)
Không rõ trước khi rời quê hương miền
trung, tập kết ra bắc (1954), chàng thanh niên Lê Công Đao (Vương Linh) có được
đọc và học thơ Trần Tế Xương không, chứ đọc Nhớ Quy Nhơn của ông tôi thấy rất đậm
mùi … Sông Lấp. Tuy không sử dụng phép ẩn dụ, Nhớ Quy Nhơn cũng dùng cách bày tỏ,
diễn tả chứ không kể lể, biện giải dài dòng (show, not tell), cũng ngửi cái
này, tưởng cái kia. Riêng mức độ tài năng thì cao thấp rất rõ nét. Thôi thì cứ
cho hoàn toàn là do tình cờ mà hai bài thơ có hơi hướm giống nhau, chỉ riêng thủ
pháp “show, not tell” đã cho người đọc thấy rõ sự “không khéo” của Vương Linh.
Trước hết, thay vì dùng hình ảnh khác để người đọc liên tưởng đến Quy Nhơn thì
Vương Linh lại bí bách đến độ ôm hai chữ Quy Nhơn, rất vụng về, nhét vào câu thứ
tư:
Tưởng biển Quy Nhơn gió thổi
vào
rồi
cái tựa Nhớ Quy Nhơn của bài thơ thì lại “lạy ông tôi ở bụi này”, khiến cái
phương cách “show, not tell” trở thành “half-show, half- tell”, nửa đời, nửa đoạn.
Nhớ
Quy Nhơn đưọc chọn đăng trong tập Thơ Việt Nam Thế Kỷ XX, Thơ Trữ Tình và được
Nguyễn Bùi Vợi khá mạnh miệng ngợi khen. (2)
Với
tôi, giá trị nghệ thuật của Nhớ Quy Nhơn chỉ ở mức trung bình. Không kể cái “tội”
na ná vóc dáng của Sông Lấp, mà chỉ riêng cái thủ pháp “half-show, half-tell” nửa
đời, nửa đoạn cũng đủ xếp bài thơ ở cuối bảng trong số 4 bài thơ mà tôi được
“yêu cầu” bình phẩm.
Với
Nhớ Quy Nhơn của Vương Linh ở hạng tư, vị trí hạng ba sẽ dành cho Thăng Long
Thành Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan. Lý do: TLTHC là một bài thơ Đường luật
hay, ngôn ngữ sang cả, cảm xúc dạt dào nhưng có hai khuyết điểm mang tính thời
đại là hình ảnh khuôn sáo và thể thơ gò bó. Còn Ông Đồ và Sông Lấp đều là tuyệt
tác, đều có những “tuyệt chiêu” trong thơ ca. Việc chọn lựa vị trí hạng nhì và
hạng nhất cũng làm tôi có một chút đắn đo, suy nghĩ. Sau đây là một vài điểm so
sánh, cân nhắc:
Cả
hai đều áp dụng thủ pháp “show, not tell” thành công.
Cả
hai đều có phép ẩn dụ hoàn hảo, kín kẽ (không sơ hở); tuy nhiên, phép ẩn dụ của
Sông Lấp tài tình hơn, sâu kín hơn.
Tứ
thơ của cả hai bài đều mạch lạc; cảm xúc, hình ảnh tuôn chảy theo một trình tự
hợp lý.
Trận
địa chữ nghĩa của Ông Đồ lớn hơn, bề thế hơn; nhưng câu chữ, âm thanh, hình ảnh,
cảm xúc của Sông Lấp được xếp đặt, nối kết như một thế trận chặt chẽ hơn.
Ông
Đồ có “tuyệt chiêu” thơ hóa thân thành họa; Sông Lấp không có.
“Tuyệt
chiêu” thơ hóa thân thành họa của Ông Đồ không hoàn hảo; bức tranh thứ năm vẫn
cồm cộm chữ nghĩa.
Sông
Lấp không có hội chứng nhàm chán vần; vị ngọt thơ ca của Ông Đồ hơi đậm.
Dựa
vào những phân tích trên đây, tôi, với cái nhìn chủ quan của mình, chọn Sông Lấp
vào vị trí hạng nhất. Như vậy, thứ tự (từ cao xuống thấp) của 4 bài như sau:
Sông Lấp.
Ông Đồ
Thăng Long Thành Hoài Cổ
Nhớ Quy Nhơn.
Nếu
có ai trong số người đọc có cái nhìn khác, nhận định khác, cách xếp hạng khác
xin e-mail cho tôi biết. Tôi sẽ thêm vào phần “ý kiến bạn đọc”.
Phạm Đức Nhì
Galveston,
đầu năm 2014
Rất
mong nhận được chỉ điểm, bổ khuyết, phê bình của những người yêu thơ.
(nhidpham@gmail.com)
Chú thích
(1)
lethieunhon.com
(2)
Thơ Việt Nam Thế Kỷ XX, Thơ Trữ Tình, Nhà xuất bản Giáo Dục 2004, trang 418.
(3)
Xin xem thêm Đọc Thăng Long Thành Hoài Cổ Nghĩ Về Vị Trí Của Thơ Đường Luật
(4)
Xin xem thêm Ông Đồ: Những Bức Tranh Thơ.