THÔI TA GIÃ PHỐ TÌM QUÊ,THỎNG TAY BUÔNG BỎ NHIÊU KHÊ LỤY PHIỀN.THÀ VỀ GỐI GIẤC CÔ MIÊN ,TIÊU DAO ĐÙA GIỠN CÕI MIỀN NGUYÊN SƠ!CÁM ƠN CÁC BẠN GHÉ THĂM VÀ GHI CẢM NHẬN!

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2019

ĐOAN NGỌ


THƠ XƯỚNG HỌA
Như Thị & Thi Hữu
ĐOAN NGỌ*
Tục truyền mùa Hạ tết Đoan Dương
Giờ ngọ muôn nhà tỏa khói hương
Hối hả nhà nông cùng xuống ruộng
Hân hoan trâu nghé lại ra vườn
Cầu mong dịch bệnh thôi ngoen ngoẻn
Nguyện ước rầy sâu bớt bạo cường
Bách Việt cội nguồn từ thuở trước
Mồng năm thiết lễ rạng Từ Đường
Như Thị
(*)Đoan ngọ : Tết Đoan ngọ còn được gọi là Tết Đoan dương. Theo triết lý y học Đông phương thì hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan ngọ đều lên đến tột bậc
Thực ra Tết Đoan Ngọ có từ trước khi xảy ra câu chuyện của Khuất Nguyên, và xuất phát từ văn hóa của cộng đồng người Bách Việt cổ mà người Lạc Việt, tổ tiên của chúng ta là một bộ phận cấu thành của cộng đồng đó. Chúng ta có thể thấy được điều này từ chính tên gọi của Tết Đoan Ngọ. “Đoan” nghĩa là “nhất”, “Ngọ” được hiểu giữa trưa vì thế Tết Đoan Ngọ thường được cử hành vào giữa trưa. Nếu theo thuyết âm dương ngũ hành thì nước ta nằm ở phương Nam, vùng đất nóng nên “Ngọ” được xếp vào quẻ Ly, thuộc hành Hỏa và trong một ngày thì dương khí cao nhất là giờ Ngọ (thời điểm giữa ngày); trong một tháng, dương khí cao nhất vào những ngày Ngọ, nhất là ngày Ngọ thượng tuần (đầu tháng). Trong một năm, dương khí cao nhất vào tháng Ngọ (tháng giữa năm, tức tháng 5). Như vậy, dương khí đạt cực điểm vào giờ Ngọ của ngày Ngọ đầu tiên trong tháng Ngọ, đây chính là thời điểm giữa năm vì thế trong dân gian nó còn được gọi là Tết giữa năm.
Ở Việt Nam, Tết Đoan ngọ được "Việt hóa" thành ngày Tết diệt sâu bọ và thờ cúng tổ tiên. Người Việt Nam còn gọi Tết Đoàn Ngọ là "Tết giết sâu bọ" vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này, dân gian có nhiều tục trừ trùng phòng bệnh.
Hiện ở một số làng quê Việt Nam vẫn còn giữ nếp xưa, rất coi trọng ngày Tết này. Sau Tết Nguyên Đán, có lẽ "Tết giết sâu bọ" là cái Tết sum họp đầm ấm nhất và có nhiều tục lệ gắn kết với đời sống của người dân... vì vậy con cháu dù làm ăn xa xôi mấy cũng cố thu xếp để về.
BÀI HỌA
TẾT ĐOAN NGỌ
Bách Việt lưu truyền giữa ngọ dương
Ra đồng thả giống đep làng hương
Trừ sâu khử bọ gìn cây lúa…
Thả nước khơi nguồn giữ ruộng vườn
Ước vọng hoa màu tươi vạn nẻo
Chờ mong đất Mẹ thắm muôn đường
Quê nhà hạnh phúc đời vui vẻ
Phấn khởi mùa Xuân mãi thịnh cường…
Đức Hạnh 07 06 2019
TRUYỀN THỐNG
Trưa ngày Đoan Ngọ khí thuần dương
Lễ bạc tâm thành khói tỏa hương
Ơn nghĩa đói no nhờ rẫy ruộng
Buồn vui sau trước cậy ao vườn
Mồ hôi hạt giống gieo bền bỉ
Xương máu phù sa gặt thịnh cường
Truyền thống kết tinh gìn giữ cội
Văn minh hiện đại mở mang đường…
Lý Đức Quỳnh
TẾT ĐOAN NGỌ
Giữa tháng năm về rực ánh dương
Nén trầm thoang thoảng ngát nồng hương
Lao xao cả xóm trừ sâu bọ
Tấp nập đầu thôn tưới mảnh vườn
Lo lắng nhiều phen nào mỏi mệt
Suy tư lắm chuyện vẫn kiên cường
Gần xa mãi nhớ ngày Đoan Ngọ
Giữ trọn niềm tin khắp nẻo đường!
Như Thu
Tết Đoan ngọ
Mùa chiêm mới hết,tiết đang dương
“Diệt bọ trừ sâu,”cúng Tổ đường
Rượu nếp,chè trôi theo tập tục
Trái cây,bánh ú kiểu miền vườn
Ông bà phù hộ người thêm sức
Trời Phật gia trì lúa ngát hương
Tươi tốt mùa màng,không hạn hán
Nông dân sung túc,mãi khang,cường
Thanh Hoà
TRÙNG NGŨ ĐOAN NGỌ
Đoan Ngọ , ngũ trùng thịnh phía dương
Bọ sâu Tết giết ấm gia đường.
Ăn tươi trài lạnh thư mong thái
Dùng thỏa canh hàn nhiễu tránh nhương.
Giảm nhẹ ngày công xa nóng lửa
Bày ngon lễ quả đặt ngay vườn.
Âm quan thầm lặng đi tuần thú
Hoan hỉ nhà nhà biện nến hương .
Trần Như Tùng
ĐOAN NGỌ
Hạ nắng như thiêu dưới thái dương
Trưa nay đứng bóng đốt trầm hương
Tháng năm giữa Hạ nông tang ruộng
Ngày tết đúng thời Đoan Ngọ vườn
Trai tráng cày sâu dai sức mạnh
Trung niên cuốc bẫm dẽo sung cường
Ăn ngon bánh ú tro no bụng
Mặc đẹp cháu con bái lễ đường
Mai Xuân Thanh
“Ngày Mùng Năm Tháng Năm, năm Kỷ Hợi”
KHẤN NGUYỆN
Cảm ơn Ông Tạo thắp vầng dương
Đem sắc xanh tươi khắp ruộng vườn
Mưa rải đầu mùa làm đất ẩm
Mạ gieo xuống liếp đợi triều cường
Diệt trừ sâu bọ, cây đâm nhánh
Chăm sóc hoa màu, lúa ngát hương
Thắp nén nhang thơm, xin khấn nguyện
Năm nay thời tiết thuận muôn đường,
Sông Thu
( Tết Đoan Ngọ 05/05 ÂL 2019 )
LỄ ĐOAN NGỌ
Lâu rồi quên tục lệ quê hương
Ngày Tết tháng Năm rạng ánh dương
Cày đất bừa nương châm thửa ruộng
Trồng cây nhổ cỏ bón phân vườn
Trông chờ nụ nẩy cây xanh tốt
Gặt hái mùa thu lúa mạnh cường
Xin cảm ơn trời vừa đúng Ngọ
Diệt mầm dịch bệnh mọi gia đường
NS-CANADA
LỆ GIA ĐƯỜNG
Giết trừ sâu bọ tốt âm dương
Hừng sáng nhang trầm đã đậm hương
Diệt khuẩn chung tay cời ,xới đất
Tiêu trùng góp sức bón vun vườn
Người xưa cố gắng noi tiên tổ
Lớp trẻ vươn lên quét ác cường
Lạc Việt trải qua bao thế hệ
Xa xôi vẫn giữ lệ gia đường !
PHƯỢNG HỒNG
TẾT ĐOAN NGỌ
Tháng năm Đoan Ngọ gọi Đoan Dương,*
Đông Á khắp nơi khói tỏa hương.
Khu độc trừ tà phòng ác tật,
Tẩy ô tiêu bệnh giữ ao vườn.
Giữa năm ăn Tết phòng ôn dịch,
Vào hạ gieo trồng sợ bọ cường.
Truyền thống ngàn năm gìn giữ lấy,
Cháu con canh tác cứ theo đường ...
Đỗ Chiêu Đức
* ĐOAN 端 là Đầu mối, là Bắt đầu. NGỌ 午 là Tháng thứ 5 trong năm. Nên Tiết ĐOAN NGỌ 端午 còn gọi là ĐOAN NGŨ 端五. Theo Âm dương Dịch lý thì số 5 thuộc Dương, nên còn gọi là ĐOAN DƯƠNG 端陽.
ĐOAN NGỌ là lễ tiết truyền thống quan trọng của các nước thuộc vùng Đông Á từ hơn bốn ngàn năm qua. Thời Chiến Quốc, nhà thơ yêu nước của nước Sở là Khuất Nguyên nhảy xuống sông Mịch La tự trầm vào ngày nầy, nên dân nước Sở lấy ngày nầy kỷ niệm Khuất Nguyên. Nhưng người nước Ngô thì lại lấy ngày nầy để kỷ niệm Ngũ Tử Tư trung thần của Ngô Vương Phù Sai lúc bấy giờ. Mỗi nơi mỗi khác, nhưng nói chung đây là một trong bốn ngày lễ tết lớn nhất trong năm : Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu và Tết Trùng Cửu.
Mùng năm tháng năm, là những ngày đầu của tháng năm, tiết trời nóng bức, sâu bọ sanh sôi nẩy nở mạnh, mưa nắng vô chừng .... phát sinh nhiều bệnh dịch, nhất là ở các vùng đông nam châu Á như ViệtNam ta, nên Tết Đoan Ngọ ông bà ta gọi là "Sát Trùng Tiết 殺蟲節", là ngày lễ tiết để diệt sâu bọ, bảo vệ mùa màng.
Tết Đoan Ngọ hiện còn thịnh hành ở các nước Trung Hoa, Đại Hàn, Nhựt Bổn và Việt Nam như là một ngày lễ tiết truyền thống trong năm.
Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

* Các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ*