THÔI TA GIÃ PHỐ TÌM QUÊ,THỎNG TAY BUÔNG BỎ NHIÊU KHÊ LỤY PHIỀN.THÀ VỀ GỐI GIẤC CÔ MIÊN ,TIÊU DAO ĐÙA GIỠN CÕI MIỀN NGUYÊN SƠ!CÁM ƠN CÁC BẠN GHÉ THĂM VÀ GHI CẢM NHẬN!

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

ĐỌC TẬP THƠ “CHẠM NGUỒN KÝ ỨC”

Lời bình  Châu Thạch

ĐỌC TẬP THƠ “CHẠM NGUỒN KÝ ỨC” của LÊ ĐĂNG MÀNH
Ký ức là gì? Đó là toàn bộ thông tin tiếp nhận được trong cuộc sống mà bộ não con người lưu trữ được. Dòng sông ký ức là gì? Đó là những hoài niệm về một con sông gắn bó với cuộc đời mình. Hiểu theo nghĩa bóng, dòng sông ký ức còn là những kỷ niệm dài theo năm tháng, tuần tự hiện về trong tâm trí của ta. Đọc tựa đề tập thơ “Chạm Nguồn Ký Úc” của Lê Đăng Mành, ta hiểu ngay nhà thơ đã quay về quá khứ, đi trên dòng sông ký ức của mình, để linh hồn chạm vào những kỷ niệm xưa, để tơ lòng rung dộng phát tiết thành thơ.
Mỗi con sông có một nguồn phát xuất khác nhau và mỗi con người cũng sinh ra, lớn lên khác nhau nên có một dòng  tâm tình  và một nguồn ký ức riêng biệt. Vậy hãy xem nguồn ký ức của Lê Đăng Mành :
Huơ gậy về chống cửa thềm thơ dại
Ký ức đầu làng thường trụ trong tim
Góc chợ lều tranh hình dung trở lại
Lối cũ thay rồi thờ thẫn lặng im…
(Nguồn Ký Ức)
Nhà thơ viết về những kỷ niệm nơi quê hương yêu dấu của mình.  Hình ảnh ngày xưa “thường trụ” nghĩa là ở ngay trong con tim, không di dịch, không phai mờ. Nhà thơ trở về với những kỷ niệm thân yêu đó như để tâm hồn trôi ngược dòng sông ký ức về đến cội nguồn của nó, là nơi của những tháng ngày sinh ra và lớn lên ở đó, có đầu làng, có góc chợ, có lều tranh, không còn nguyên như cũ, nhưng hình ảnh ấy của năm xưa thì vẫn còn nguyên như cũ ở tâm hồn.
Lê Đăng Mành đang ở trên chính quê hương mình, tất nhiên nhà thơ phải quay về chốn xưa bằng những hoài niệm trong tâm trí. Cái tâm trí đó phải gánh chịu trầm luân, hệ luy của cuộc đời qua năm tháng. Vì vậy nhà thơ quay về quá khứ  bằng con tim như còn phiêu dạt của mình:

Tìm tôi giữa bó rong rêu
Nửa còn phiêu dạt cứ lều bều trôi
Nửa trầm luân thở đứt hơi
Gộp hai nửa lại thành ngoi ngóp mình
(Khai Lời)
Chính sự trở về cội nguồn với con tim còn phiêu dạt đó đã làm cho thơ chất chưá đầy tình yêu quá khứ,  đầy nỗi nhớ thương, đầy kỷ niệm thân thương, êm đềm  ở chốn cội nguồn của một thời gian dĩ vãng trong đời.
Tất nhiên kỷ niệm của một đời người không gì khác hơn là quê hương,là Cha Mẹ, Anh Em và những biến động thời cuộc. Vấn đề là những điều ấy đã biến thành thơ và tiếng thơ có gây nhiều cảm xúc hay không?
Thơ Lê Đăng Mành thật là tha thiết, cái tha thiết của một người có tâm hồn và có cả tấm lòng. Tâm hồn của tác giả dâng trọn cho thơ và tấm lòng của tác giả dâng trọn cho quê hương. Với Lê Đăng Mành, quê hương không chỉ là “chùm khế ngọt” mà còn những quả đắng, kể cả quả đau thương :
Nặn ký ức giọt điêu tàn
Hạ nức nở đệm khúc bàng hoàng đau
Thu bòn chi vũng bể dâu
Dận đông nhầy nhụa quệt màu tang thương!
(Mùa Đau)
Cái “Mùa Đau” trong ký ức của tác giả đã đẩy đưa cuộc đời như chiếc lá trôi theo dòng phù sa ra sông lớn:

Phù sa ngơ ngẩn chạy ra đồng
Tội lá buông tay níu cội nguồn
Mây ước ao về làm sóng quẫy
Đâu ngờ khi chết cũng thành sông
(Về Nguồn)
Thơ Lê Đăng Mành là thế, ta tìm trong “Chạm Nguồn Ký Ức” tiếng thơ êm đềm  không chỉ để mộng mơ về quá khứ, mà từ thơ ta cảm nhận được những điều huyền nhiệm  của suy tư chất chứa trong ẩn dụ  thơ. Chiếc lá buông tay vẫn rụng về cội ,mây cũng vậy luôn ao ước về làm “sóng quẫy”, nhưng đâu hay mình và nước là một ,bởi khi hóa thân cũng là sông.
Chạm vào nguồn ký ức là chạm vào con sông đang chảy với biết bao ghềnh thác. Lê Đăng Mành cũng vậy, nhà thơ phải đi ngược về nguồn của đời mình, và ta thấy con thuyền trôi trên dòng sông ký ức của nhà thơ có biết bao nhiêu là chòng chành. Sinh ra và lớn lên tại một miền quê, phải chứng kiến sự đói nghèo, phải chịu sự khắc nghiệt của thiên tai, phải đội bom đạn trên đầu để sống, nhà thơ đã lột tả hết trong “Chạm Nguồn Ký Ức” để ai đi vào đó, được cảm nhận sâu xa những dòng đời của một thế hệ hứng chịu gian lao.
Thế nhưng trong “Chạm Nguồn Ký Ức” ta tìm thấy một niềm tin chân lý trong tâm hồn tác giả. Nhà thơ đã hòa nhập mình vào trong nẻo đi, về của Phật pháp. Cái tâm vô ưu không những chỉ thường trụ trong linh hồn nhà thơ, mà từ đó loan ra “giữa biền bãi quê”, “giữa hương lúa bờ đê”, để nhà thơ an trú trên chính quê hương, ngày tu thân, đêm làm thơ dưới “Hiên Lãm Nguyệt” của mình:

Sương mai lấp lánh hương Thiền
Pháp thân hiển hiện giữa biền bãi quê
Lừng thơm hương lúa bờ đê
Sen thuần khiết nở buông mê nhẹ hều
(Phật Về)
Đọc “Chạm Nguồn Ký Ức” của Lê Đăng Mành, chắc chắn mỗi chúng ta cũng sẽ chạm nguồn ký ức của chính mình. Bởi vì thơ Lê Đăng Mành là tâm tư của ông nhưng chất chứa trong đó, thú vui và cả thú đau thương hứng chịu một đời mà không ai trong ta không từng trải nghiệm.
Kết lại, đọc thơ “Chạm Nguồn Ký Ức” của Lê Đăng Mành giống như uống rượu giữa đồng, đầy nhạc, đầy thơ, ngạo nghễ, suy tư và lãng mạn đến vô cùng:
Uống giữa đồng nghêu ngao vài khúc nhạc
Mặc kệ đời tráo trở hoặc gian tham
Nghễu nghện ca ngâm giữa trời bát ngát
Vỗ thau mà hát cuộc rượu chưa tàn!
(Cuộc rượu chưa tàn)
***
Lời bình  Châu Thạch

2 nhận xét:

  1. Chúc mừng anh sẽ có tập thơ chào mừng năm mới Kỷ Hợi 2019 - Như là món quà Xuân cho bạn hữu - . Đừng tìm cách gửi đi Mỹ, tốn kém. Nếu được, anh để dành tôi một cuốn. Khi nào về Huế, tôi liên lạc thăm anh và lấy luôn. Kính TLS

    Trả lờiXóa
  2. Anh cho địa chỉ người Thân ở Quê nhà
    Tôi sẽ chuyển đến gởi tặng Anh
    Kính Chúc Anh năm mới bình an
    Trân kính LĐM

    Trả lờiXóa

* Các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ*