Phiếm
về
THIÊN là TRỜI
Thiên
天 là Trời, Thiên 千 là Một Ngàn, Thiên 偏 là
Thiên Lệch, Thiên 遷 là Di Dời ... Ở đây, ta chỉ
nói đến chữ Thiên 天 là Trời, là phần không gian ở
trên đầu của ta mà thôi. Theo "Chữ Nho ...Dễ Học", ta có chữ Nhân là
người được viết như thế nầy 人. Đây
là chữ Tượng Hình đơn giản nhất, cơ bản nhất và cũng ... Tượng hình nhất : Hình
người đứng xoạt 2 chân hiên ngang giữa trời đất đúng như sách Tam Tự Kinh ngày
xưa dạy : Tam tài giả, THIÊN ĐỊA NHÂN 三才者,天地人。( TAM
TÀI là TRỜI, ĐẤT và NGƯỜI ). Con Người là một thành viên của vũ trụ, hợp với Trời
và Đất tạo nên cái thế giới nầy !
Nên ...
Khi cần diễn tả sự to lớn
thì chữ nhân 人 dang thêm hai tay ra theo lối
CHỈ SỰ 指事 ( Mượn việc dang hai ta
ra để chỉ sự to lớn gọi là Chỉ Sự ) thành chữ ĐẠI 大 , theo diễn tiến của chữ viết sau đây :
Nên...
ĐẠI là To, là Lớn, cả
nghĩa đen lẫn nghĩa bóng phát sinh : là Vĩ Đại, là Trưởng thành ... Nhưng ...
Con người dù cho có cao
lớn đến đâu cũng không thể cao lớn bằng Trời được, cho nên thêm một nét ngang
tượng trưng cho bầu trời lên phía trên chữ Đại 大, thì
ta có chữ THIÊN 天 là TRỜI, được hình thành theo lối
HỘI Ý 會意 , theo diễn tiến của chữ viết
như sau đây :
Theo
như Giáp cốt văn và Đại Triện ở trên, ta thấy rõ ràng hình người có
cái đầu to tượng trưng cho Đầu Đội Trời, Chân Đạp Đất, gọi là " Đỉnh thiên
lập địa 頂天立地 " như Từ Hải trong Truyện
Kiều vậy :
ĐỘI
TRỜI đạp đất ở đời,
Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông.
Nên ...
Chữ Thiên 天 chỉ phần cao nhất của cơ thể con người, vượt lên trên
đĩnh đầu cao vòi vọi, đó là Trời.
Về mặt
thể chất, thì con người không thể cao bằng Trời, lớn bằngTrời được, nhưng về
chí khí thì cũng có những người có chí lớn muốn CHỌC TRỜI Quấy Nước làm nên những
chuyện Kinh Thiên Động Địa. Cho nên, chữ Thiên 天 mà
nhô đầu lên theo chiều dọc để CHỌC thủng Trời thì sẽ thành chữ
PHU 夫 là người đàn ông cao lớn mạnh
khỏe hiên ngang đứng giữa trời đất, theo diễn tiến của chữ viết như sau :
Nên
...
PHU 夫 : là Người đàn ông trưởng thành, mạnh mẽ, hiên ngang mà các
bà các cô ai cũng ước mong trở thành người hôn phối của mình, nên ...
PHU 夫 còn có nghĩa là CHỒNG với các từ ghép nghe cho êm tai và âu
yếm là : Phu Tế 夫婿, Phu Lang 夫郎, Phu Tướng 夫相, Trượng
Phu 丈夫 ... Như trong Truyện Kiều tả
lúc Từ Hải chia tay với Kiều để lên đường lập nghiệp ....
Nửa năm hương lửa đang nồng,
TRƯỢNG
PHU thoát đã động lòng bốn phương.
Chữ PHU 夫 lại làm cho ta ....
... Nhớ lại 2 câu thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài "Không Chồng Mà Chửa"
là :
Duyên THIÊN chưa thấy nhô đầu dọc,
Phận LIỄU sao đà nẩy nét ngang ?!
Nữ sĩ đã
chơi chữ bằng cách chiết tự rất lý thú và lí lắt như sau :
Duyên THIÊN
天 là duyên trời run rủi, chưa thấy
nhô đầu dọc, là chưa thành chữ PHU 夫,
nghĩa là chưa có chồng.
Phận LIỄU 了 (là Liễu bồ, là Phận gái) sao đà nẩy nét ngang ?
Chữ LIỄU 了 mà " nẩy " nét
ngang thì sẽ thành chữ TỬ 子 là
CON. Nên 2 câu thơ trên có nghĩa :
Duyên
trời nào thấy đâu run rủi,
Phận gái sao đà đã có con ?
Trong dân gian
Nam Kỳ Lục Tỉnh, ở Cái Răng Ba Láng quê tôi, lúc nhỏ tôi cũng thường
nghe bà con lối xóm hát rằng :
Không
chồng có chửa mới ngoan,
Có chồng có chửa thế gian sự thường !
Về chữ LIỄU 了 là Kết thúc, kết liễu, đồng âm với chữ LIỄU 柳 là Dương Liễu chỉ phái nữ mềm yếu dịu dàng ẻo lả như nhánh
liễu. Ở đây, Hồ Xuân Hương đã chơi chữ bằng cách sử dụng từ Đồng Âm để đánh đồng
2 chữ Liễu theo âm Hán Việt. Chớ chữ Liễu là Dương Liễu thì làm sao có được nét
ngang mà "nẩy" ?!
Thiên 天 là Trời, chữ đầu tiên trong sách Tam Thiên Tự 三千字 của soạn giả Đoàn Trung Còn khi mới bắt đầu học chữ Nho hồi
xưa :
天 Thiên trời, 地 Địa đất,
舉 Cử cất, 存 Tồn còn, 子 Tử
con, 孫 Tôn cháu, 六 Lục sáu, 三 Tam
ba, 家 Gia nhà, 國 Quốc nước, 前 Tiền
trước, 後 Hậu sau...
Thiên 天 là Trời, là phần không gian cao ngất ở trên đầu ta, nhưng
trong dân gian theo tín ngưỡng của người dân Đông Á chịu ảnh hưởng của Nho
Thích Đạo, thì Trời là thế giới của cỏi trên, có đủ các thành phần Tiên Phật Thần
Thánh của thượng giới, và có đời sống giống như ở dân gian, đứng đầu là Ngọc
Hoàng Thượng Đế mà ta quen gọi là Ông Trời, và ông Trời hiện diện đầy đủ trong
các mặt vui buồn của cuộc sống con người, ta vẫn thường nghe các câu :
- Vui qúa Trời !
- Buồn qúa Trời !
- Sướng qúa Trời
!
- Khổ qúa Trời
!....
Vui
buồn sướng khổ gì đều kêu Trời cả ! Nên theo truyện cổ tích dân gian thì ...
Ngày xửa ngày xưa, ông Trời ở rất gần ta, chỉ cao khỏi ba xào một
chút mà thôi, nhưng vì hễ động một chút là người ta kêu Trời : Hôm nay ăn no
qúa Trời; Con đói qúa Trời ơi ! Cái con nhỏ đó đẹp qúa Trời ! Nhỏng nhẻo qúa Trời;
Thấy "ghét" qúa Trời đi !... Nhất nhất cái gì cũng kêu Trời, kể cả
"Con mắc ... qúa Trời ơi !". Nên ... Ông Trời nghe thét rồi
chán qúa mới "vọt" tuốt lên 9 từng mây mà ở trển luôn cho yên thân !
Chẳng những giới bình dân kêu trời, mà trong văn chương trí thức cũng kêu trời,
như Vương Viên Ngoại trong Truyện Kiều, khi biết cô Kiều đã bán mình, ông cũng
đã kêu lên :
Trời
làm chi cực bấy Trời,
Này ai vu thác cho người hợp tan !?
hay lúc cô Kiều kể cho Vương Bà nghe về nhân cách của Mã
Giám Sinh "Gẫm ra cho kỹ như hình con buôn" thì :
Vương
Bà nghe bấy nhiêu lời,
Nỗi
oan đã muốn vạch Trời kêu lên.
hay khi bị Sở Khanh gạt, rồi còn muốn hành hung nữa,
thì cô Kiều cũng đã kêu trời
Nàng
rằng : Trời nhé có hay !
Quyến
anh rủ yến sự này tại ai ?
Đem
người đẩy xuống giếng khơi,
Nói
lời rồi lại ăn lời được ngay !
Thiên 天 là Trời, là phần đầu của con người như chữ Tượng
Hình Hội Ý đã nói ở phần trên, nên trong sách tướng số gọi cái trán
là Thiên Đình 天庭, phần giữa trán gọi là Thiên
Môn 天門 và phần xương phía trên trán gọi
là Thiên Linh 天靈, nên ta mới có từ Thiên Linh
Cái 天靈蓋 là cái Mỏ Ác. Lúc còn bé
thì phần Mỏ Ác nầy chỉ là một lớp sụn rất mềm, nên người lớn bắt nạt con
nít hay nói câu : " Coi chừng tao cú cho một cái lủng Mỏ Ác bây giờ
!". Khi lớn, Mỏ Ác đã cứng khó mà "cú" cho lủng, thì lại trở
thành "cứng đầu cứng cổ"!.
Từ Thiên Linh Cái
天靈蓋 còn tượng trưng cho cả
Cái Đầu, cái Xương Sọ hoặc cái Đầu Lâu, như các thầy Pháp, thầy
Phù Thủy luyện Thiên Linh Cái là chuyên sưu tập đầu lâu và xương sọ của các cô
gái đã chết và như trong truyện "Trang Tử Cổ Bồn Ca 莊子鼓盆歌", mà ta quen gọi là truyện
"Trang Tử Thử Vợ", thì Thiên Linh Cái tượng trưng cho cái đầu với
nội dung câu truyện như sau :
Trang
Tử tên Chu 周 ( Châu ), tự là Tử
Hưu 子休, người nước Tống 宋 thời Chiến Quốc (690-286 TCN), cùng vợ là Điền Thị ẩn cư ở
phía nam núi Hoa Sơn. Một hôm, trên đường về nhà, trông thấy một thiếu phụ dùng
quạt để quạt một nấm mộ bên đường. Trang Tử thấy lạ bèn hỏi, thiếu phụ cho biết
là mộ của chồng mình, vì khi còn sống hai vợ chồng rất thương yêu nhau, nên có
hẹn nhau là khi chồng chết, thì sau tang lễ, phải đợi cho mộ khô rồi mới tái
giá, nhưng gần đây mưa gió cứ dập dìu, mộ không khô được, nên phải quạt cho mộ
mau khô ! Trang Tử nghe nói, thầm cười cho thế thái nhân tình nhưng cũng thi
triển pháp lực giúp thiếu phụ quạt khô mộ chồng. Khi về nhà, đem truyện kể lại
với vợ là Điền Thị, Điền Thị vô cùng phẫn nộ, chê trách thiếu phụ và bảo rằng :
" Trung thần bất sự nhị quân, Liệt nữ bất sự nhị phu 忠臣不事二君,烈女不事二夫 ". Có nghĩa " Tôi trung
không thờ hai chúa, gái tiết liệt chẳng lấy hai chồng ". Mấy tháng sau,
Trang Tử bệnh chết, có một thiếu niên anh tuấn dắt theo một lão bộc, tự xưng là
Vương tôn của nước Sở, vì mộ tiếng của Trang Tử mà tìm đến để theo học đạo. Nay
tuy Trang Tử đã mất, nhưng cũng nguyện thủ tang theo lễ thầy trò, ở lại cư tang
một trăm ngày và để đọc Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Điền Thị rất vui dạ vì cảm
cái vẻ cao sang tuấn tú của Vương tôn, mới nhờ lão bộc làm người mai mối, rồi
xuất tiền lo cho hôn sự của hai người. Đêm động phòng hoa chúc, Vương tôn bỗng
phát bệnh đau tim, thoi thóp sắp đứt hơi. Lão bộc cho biết là nếu có óc của người
sống hoặc của người chết chưa quá bốn mươi chín ngày hòa với rượu uống vào thì
khỏi bệnh. Điền Thị bèn xách búa bổ quan tài của Trang Tử định lấy óc ra làm
thuốc cứu mạng Vương Tôn.. Không ngờ khi quan tài vừa vỡ ra thì Trang Tử cũng vừa
sống lại. Điền Thị cả thẹn, biết mọi việc đều do Trang Tử biến hóa an bày, nên
treo cổ mà chết. Trang Tử gỏ bồn làm nhịp ca bài điếu tang rồi cảm khái ngâm rằng
:
從茲了卻冤家債, Tòng tư liễu khước oan gia
trái,
你愛之時我不愛。 Nhĩ ái chi thời ngã bất ái.
若重與你做夫妻, Nhược trùng dữ nhĩ tố phu thê,
怕你斧劈天靈蓋。 Phạ nhĩ phủ phách Thiên Linh Cái.
Có nghĩa :
Từ
nay đã hết nợ oan gia,
Nàng bảo yêu, ta hết thiết tha.
Tiếp tục vợ chồng như thuở trước,
Có ngày búa bổ vỡ đầu ta.
Ngâm xong, nổi
lửa đốt sạch nhà cửa quan tài ở dưới núi Hoa Sơn rồi đi mất. Dân chúng quanh
vùng chỉ nhặt lại được hai quyển Đạo Đức Kinh và Nam Hoa Kinh chưa bị thiêu rụi
mà thôi.
"Phủ phách
Thiên Linh Cái" là búa bổ cho vỡ sọ đầu ra ! Đây là chuyện "Trang Tử
Thử Vợ" thường tình của " cải lương ", của phim ảnh theo như
truyện kể của dân gian đời Tống (960-1279), những người theo Tống
Nho dùng để khuyến thế răn đời, chớ con người cao khiết siêu thoát với tư
tưởng của Lão Trang như Trang Tử sao lại có thể dùng tiểu xảo gài bẫy để thử vợ
một cách không quang minh chính đại như thế !?
Trở lại với Thiên 天 là Trời, trong Nho Giáo THIÊN 天 không phải là Ông Trời, mà là Thiên Lý 天理 là cái Lẽ Trời, nói theo bình dân, là Cái Lý Lẽ tự nhiên
công bằng chính trực, chí công vô tư, chí cao vô thượng của Trời, nên cái gì hợp
với tự nhiên của nhân tình thế thái thì cái đó là ... Thiên. Ví dụ như
:
-Thiên Lương 天良: là Tấm lòng lương thiện ngay thẳng bẩm sinh của trời ban,
là cái Lương Tâm vốn có của con người, mà cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã
gán cho mình cái nghĩa vụ thiêng liêng là phải phổ biến, gợi mở, khơi dậy cái
thiên Lương ở trong lòng mỗi người, nên ông mới mượn bài thơ " Hầu Trời
" để nói thác
Trời rằng : " Không phải là Trời đày,
Trời định sai con một việc này
Là việc "thiên lương" của nhân loại,
Cho con xuống thuật cùng đời hay"...
- Thiên Bình 天平: là Sự
cân bằng thẳng hàng không thiên lệch về bên nào cả, là biểu tượng của Cán Cân
Công Lý ở các tòa án, pháp đình, và là cái cân có 2 dĩa cân của các tiểu thương
buôn bán ở ngoài chợ, một bên để trái cân một bên để hàng hóa lên đến khi nào
cân bằng thì thôi. Nên... Thiên Bình là sự bình đẵng tự nhiên của trời, sự
công bằng không thiên lệch cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Biểu tượng cái cân của
tòa án ngầm bảo rằng mọi người đều bình đẵng trước pháp luật và trước... Trời !
- Thiên Võng 天網: là Cái Lưới của Trời, nó không phải là cái lưới có thật,
mà nó là biểu tượng của cái công cụ bảo vệ công lý của trời. Ai làm trái cái lý
trời thì sẽ bị cái lưới nầy tóm lấy để trừng trị, như câu nói sau đây :
Chủng qua đắc qua, 種瓜得瓜,
Chủng đậu đắc đậu. 種豆得豆,
Thiên võng khôi khôi, 天網恢恢,
Sơ nhi bất lậu !
疏而不漏。
Có nghĩa :
Trồng dưa thì được dưa,
Trồng đậu thì được đậu.
Lưới trời lồng lộng,
Tuy thưa nhưng không lọt !
Ý muốn nói, gieo nhân nào sẽ gặt qủa nấy,
làm lành sẽ gặp lành, làm ác sẽ gặp ác, không sai chạy bao giờ, chỉ sớm hay muộn
mà thôi !
Thiên võng khôi khôi, 天網恢恢,
Ông trời luôn luôn đứng
về phía người hiền, người lương thiện, nên Tăng Quảng Hiền Văn cũng có câu :
Nhân
hữu thiện nguyện, 人有善願,
Thiên
tất hựu chi !
天必祐之!
Có nghĩa :
Người mà có
những ước nguyện tốt lành, thì...
Trời sẽ
phù trợ ủng hộ cho người đó !
- Thiên Chức 天職 : Không phải là cái chức tước do trời ban, mà là trách nhiệm
vốn có mà trời đặt để cho mỗi con người trong xã hội. Như Thiên Chức của Cha Mẹ
là phải nuôi dạy con cái cho nên người, và con cái thì phải biết hiếu thảo phụng
dưỡng cha mẹ...
- Thiên Bẩm 天禀,
Thiên Tài 天才, Thiên Phú 天賦, Thiên Tư 天資 : đều
là những cái sanh ra đã có sẵn mà trời ban riêng cho người nào đó mà người khác
không thể có được. Như cụ Nguyễn Du đã khen cô Kiều :
Thông
minh vốn sẵn Tư Trời,
Pha
nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Tư Trời
là Thiên Tư của trời ban cho đó !
Cái gì thuộc về tự nhiên thì
đều gán hết cho Trời, và được gọi là Thiên Nhiên 天然, ví dụ như Trời Mưa, Trời Nắng, Trời Gió... và Tai họa
do những thứ đó gây ra như Mưa lũ, Hạn hán, Gió bão...đều được gọi là Thiên Tai
天災, là tai họa chết chóc, đổ
vỡ do trời gây ra cho con người. Song song với Thiên Tai thì Trời cũng
set-up sẵn một chỗ để tưởng thưởng cho những người lương thiện, mà tôn giáo nào
cũng có, đó chính là Thiên Đàng 天堂, nơi
yên vui sung sướng nhất mà mọi người đều mong ước. Tất cả những hiện tượng thời
tiết mùa màng xảy ra chung quanh cuộc sống con người đều là những thứ sỡ hữu của
trời như câu nói :
Thiên hữu tứ thời xuân
tại thủ, 天有四時春在首,
Nhân sanh bách hạnh
hiếu vi tiên. 人生百行孝為先。
Có nghĩa :
Trời có bốn mùa thì mùa
xuân là mùa đứng đầu, còn...
Người thì có cả
trăm phẫm hạnh, hiếu là phẩm hạnh trước tiên.
Ông
Trời làm nên tất cả, cả thân phận của con người cũng do trời đặt để, như cụ
Nguyễn Du đã nói :
Trời kia đã bắt làm người có thân,
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Bỉ sắc 彼嗇 thì
tư phong 茲豐, có nghĩa Cái kia cạn thì cái nầy
đầy, hết cơn bỉ cực thì đến ngày thái lai. Ông trời luôn bắt người ta phải
" phong trần " trước, rồi mới cho " thanh cao " sau. Bắt cô
Kiều phong trần mười lăm năm rồi mới cho gặp lại Kim Trọng. Thế mà khi đoàn
viên lại phải cảm kích cái lòng tốt của ông trời :
Trời
còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời.
Hoa tàn mà lại thêm tươi,
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa !
Khéo mà nói sạo để... nịnh
ông trời !
Còn giới bình dân thì không
khách sáo gì cả, vợ chồng cứ đẻ sòn sọt năm một, mỗi năm một đứa, nhà trên mười
anh chị em là chuyện " thường tình " ở quê tôi, đời sống nheo nhóc
nhưng lại rất lạc quan mà... đổ thừa cho ông trời :
- Trời sanh trời
nuôi.
- Trời sanh
voi sanh cỏ !
Tội nghiệp cho ông trời, cứ đẻ cho đã rồi đổ thừa
cho ông trời là xong ngay ! Nhưng... nói cũng lạ, " nhờ Trời " rồi tất
cả cũng đều khôn lớn nên người, lắm gia đình lại còn trở nên khá giả giàu có nữa
là đằng khác ! Các Thầy Đồ ta ngày xưa thường nói :
Hữu nhi bần bất cửu, 有兒貧不久,
Vô
tử phú bất trường. 無子富不長。
Có nghĩa :
Có con thì nghèo không lâu, vì khi lớn lên con sẽ làm ra thêm của cải..
Còn ... Không có con thì giàu không bền, vì không có ai làm
thêm của cải cho mình. Nên các Cụ cứ... đẻ thả giàn !
Thiên 天 là Trời, nên Thiên Hạ 天下 là dưới
gầm trời nầy, là núi non sông nước, là đất đai ruộng vườn mầu mở của dân cư, là
lãnh thổ, là cương thổ mà theo quan niệm phong kiến ngày xưa thì ai có tài thao
lược giỏi giang, ai có đức trị dân thì sẽ là chúa tể của cái Thiên Hạ nầy, nên
mới có thành ngữ Trục Lộc Thiên Hạ 逐鹿天下, có
nghĩa là Đuổi bắt con nai trong thiên hạ nầy theo xuất xứ sau đây :
Trục Lộc Thiên Hạ 逐鹿天下
Theo "Sử Ký. Hoài Âm Hầu
Liệt Truyện 史記˙淮陰侯列傳":
Tần chi cương tuyệt nhi duy thỉ, sơn đông đại nhiễu, dị tính tịnh khởi, anh tuấn
ô tập. Tần thất kỳ lộc, thiên hạ cộng trục chi, ư thị cao tài tật túc giả tiên
đắc yên.秦之綱絕而維弛,山東大擾,異姓並起,英俊烏集。秦失其鹿,天下共逐之,於是高材疾足者先得焉。Có
nghĩa :
" Giềng mối của nhà Tần đã hết nên lỏng lẻo, đất
Sơn Đông đại loạn, các họ khác đều nổi lên, anh hùng các nơi tập hợp. Tần như
làm sổng mất con nai, nên thiên hạ đều cùng đuổi bắt, vì thế, ai tài giỏi và
nhanh chân thì sẽ bắt đựơc." Và...
Các lộ anh hùng lại tiêu diệt lẫn nhau, cuối
cùng đưa đến thế Hán Sở Tranh Hùng, như World-cup vào đến vòng chung kết vậy !
Nên...
Thiên Hạ là của chung, ai giỏi thì giành được.
Ngày xưa, quan niệm Thiên Hạ là đất Trung Nguyên mầu mở với dân cư đông đúc,
nên thành ngữ trên còn được nói là Trục Lộc Trung Nguyên 逐鹿中原, và tại sao phải là Lộc mà không phải
là con vật khác ? Vì chữ Lộc 鹿 là
con Nai đồng âm với chữ Lộc 祿 là
Thiên Lôc 天祿, có nghĩa là " Lộc của trời
ban", chính là cái ngôi vua của Thiên Tử 天子 là
con trời, vì Thiên Tử mới là người xứng đáng hưởng Thiên Lộc mà thôi !
Còn "Thiên Hạ"
trong tiếng Việt Nam ta là Phiếm Chỉ Đại Từ, có nghĩa là : Người ta, Người Khác
hay chỉ chung Quảng Đại Quần Chúng...như :
- "Thiên hạ" đồn rằng...
- Đó là chuyện của "thiên hạ", đâu phải
chuyện của mình.
- Hơi sức đâu mà lo chuyện của "thiên
hạ" !...
Ông tú Vị Xuyên Trần Tế
Xương trong bài tứ tuyệt "Chợt Giấc" cũng đã buồn cho thời cuộc mà lẫy
rằng :
Nằm
nghe tiếng trống, trống canh ba,
Vừa giấc chiêm bao chợt tỉnh ra.
Thiên Hạ dễ thường đang ngủ cả,
Việc gì mà thức một mình ta ?!
Còn Thiên Hạ trong đạo
Phật là cỏi Ta-Bà, là bể khổ trầm luân, nên khi Bổn sư Thích Ca Mâu Ni thác
sinh làm Thái Tử Tất Đạt Đa, sau khi đi bảy bước nở ra bảy đóa hoa sen thì một
tay chỉ Trời, một tay chỉ đất và nói câu : Thiên Thượng Thiên Hạ Duy Ngã Độc
Tôn 天上天下唯我獨尊, có nghĩa : " Trên trời dưới
trời duy chỉ có TA là tôn qúy ". Cái TA hay cái NGÃ đó chính là Chân
Ngã 真我, là Pháp Thân 法身thường trụ, không bao giờ hoại, bao trùm khắp không gian và
thời gian mà chúng sinh đều có. TA đó chính là Phật Tánh 佛性, là Chân Tâm 真心 để
giải thoát cho tất cả mọi loài khỏi trầm luân trong bể khổ của cái Thiên Hạ
Ta-Bà nầy ! Chính cái Phật Tánh đó là Thiên Hạ độc tôn, chớ không phải Đức
Như Lai tự cho mình là độc tôn trong Thiên Hạ.
Trong quyển
tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng của Kim Dung là " Thiên Long Bát Bộ "
có một nhân vật nữ theo Đạo Gia là Thiên Sơn Đồng Mỗ, nhưng lại tu tập
môn võ công của Phật Gia là " Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn Công
" rất lợi hại, bà ta cầm đầu và khống chế cả 81 Động và 72 Đảo võ
lâm bàng môn tả đạo đều phải nghe theo lệnh của bà ta răm rắp .
Còn Thiên Hạ của Đạo
Giáo 道教 ( Lão Giáo ) là Cỏi Hồng Trần 紅塵, nơi bụi bặm mịt mù mà con người chỉ là những cái hình chiếu
từ cuộc sống thực tế ở trên trời, như Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã viết trong
Cung Oán Ngâm Khúc là :
Cái
quay búng sẵn trên trời,
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm !
nên con người phải biết tu tập theo đạo pháp để trở về với cuộc sống thực ở
trên trời, tức là thành Tiên để về nơi Thượng Giới !
Thiên Hạ của ngày
nay là Năm Châu Bốn Bể, là bề mặt của qủa địa cầu nầy, là cả thế giới như bài học
thuộc lòng ngày xưa của lớp Đồng Ấu :
... Người bốn giống : đen, vàng, đỏ, trắng,
Trời bốn phương : nam, bắc, đông, tây.
Đi cho biết đó biết đây,
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn ?!
Thiên 天 là Trời, khi nào thì ta thấy được trời : Ban Ngày, nên
Thiên 天 là Ban Ngày, như Tam Thiên Tam
Dạ 三天三夜 là Ba ngày ba đêm. Thiên còn có
nghĩa là Ngày, nên Kim Thiên 今天 là
ngày hôm nay; Khi trời sáng trở lại là ngày hôm sau, nên Minh Thiên 明天 là ngày mai...
Thiên còn có
nghĩa là Thời Tiết, Mùa Màng, như : Thiên Vũ 天雨 là Trời
mưa, nhưng Vũ Thiên 雨天 là Mùa Mưa. Tương tự, Thiên
Tình 天晴 là Trời nắng, Tình Thiên 晴天 là Mùa nắng. Như thời tiết ở Miền Nam nước ta, mỗi năm chỉ
có 2 mùa Mưa và Nắng, theo như câu nói :
Tứ thời vô xuân hạ, 四時無春夏,
Nhất vũ tiện thành thu. 一雨便成秋。
Có nghĩa :
Bốn
mùa không có xuân hạ gì cả, hễ...
Mưa xuống
một cái thì thành mùa thu ngay !
Thiên còn là cái
gì cao quý nhất, cần thiết nhất, như câu nói trong sách Hán Thư 漢書 : Vương giả dĩ dân vi thiên, nhi dân dĩ thực vi thiên 王者以民為天,而民以食為天. Có nghĩa : " Bậc vương
giả lấy dân làm cao nhất, còn dân thì lấy cái ăn làm cao nhất."
Ý nói : Vua thì coi dân là cần thiết
nhất, vì không có dân thì làm vua với ai đây ? Còn dân thì coi cái ăn là cần
thiết nhất, vì không có cái ăn thì làm sao mà sống ?! Câu nói nầy thường hay bị
nói sai thành : Dân dĩ thực vi TIÊN 民以食為先, có
nghĩa : Dân thì lấy cái ăn làm trước hết. Sai mà không Sai, chỉ là một cách nói
khác đi mà thôi, nhưng ý của chữ TIÊN 先 không
mạnh bằng ý của chữ THIÊN 天 là
Cao nhất, là Cần thiết nhất.
Thiên 天 là Trời, Thăng Thiên 升天 là Lên trời, Phi Thiên 飛天 là Bay lên trời, còn Quy Thiên 歸天 là Về trời, là chết. Nhưng không phải ai chết cũng được
về trời, vì trời chỉ có 9 tầng mà thôi, ta hay nghe nói Cửu Trùng Thiên 九重天, còn địa ngục thì có tới 18 tầng lận, gấp đôi số tầng của
trời. Điều nầy cho thấy là ở trên đời người xấu nhiều gấp đôi người tốt, nên Địa
Ngục phải xây 18 tầng mới đủ chỗ chứa !
Về từ Cửu Trùng Thiên 九重天, ngoài nghĩa là 9 tầng trời ra, Cửu Trùng Thiên còn được
dùng để chỉ ông vua thời phong kiến ngày xưa, như 2 câu thơ mở đầu trong bài
thơ Tả Thuyên chí Lam Quan thị điệt tôn Tương 左遷至藍關示侄孫湘 của Hàn Dũ đời Đường :
Nhất
phong triêu tấu Cửu Trùng Thiên, 一封朝奏九重天,
Tịch
biếm Triều Dương lộ bát
thiên. 夕貶潮陽路八千 .
Có nghĩa :
Buổi
sáng trình lên nhà vua một phong tấu sớ,
Buổi
chiều bị đày đi Triều Dương xa tám ngàn dặm đường.
Cửu Trùng Thiên 九重天 là Vua, còn được gọi là Đấng Cửu Trùng, hay Cửu Trùng mà
trong tiếng Nôm ta gọi là Chín Tầng, như câu thơ trong đoạn mở đầu của Chinh Phụ
Ngâm do Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm diễn Nôm :
Trống
Trường Thành lung lay bóng nguyệt,
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây.
CHÍN TẦNG gươm báu trao tay,
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.
Thiên còn là Thiên Thời
天時, ngoài nghĩa chỉ Thời tiết mùa
màng ra, Thiên Thời còn có nghĩa là Thời Cơ của Trời, là cái cơ trời vận hành đến
một lúc nào đó, như Thúy Vân đã phân bua :
Cơ
Trời dâu bể đa đoan,
Một nhà để chị riêng oan một mình !
Ta thường nghe câu nói trong sách Mạnh
Tử là "Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa 天時不如地利,地利不如人和".
Có nghĩa : Thời cơ của trời không bằng lợi thế của đất, cái lợi thế của đất
không bằng cái hòa đồng hòa hợp của con người. Ví dụ như
:
Fifa World-cup
2018 kỳ rồi tổ chức ở Russia, nên đội bóng Nga có lợi thế về THIÊN THỜI là đã
quen với thời tiết giá lạnh của xứ mình; ĐỊA LỢI vì được đá ở sân nhà; NHÂN HÒA
vì có cổ động viên đông nhất so với các đội bóng khác. Nên đội Nga đã thắng đậm
ngay trận đầu 5-0 trước Saudi Arabia và đi một lèo đến Tứ Kết, trở
thành 8 đội bóng mạnh nhất hành tinh !
Thiên thời 天時, Địa lợi 地利, Nhân
hòa 人和 còn được nói thành Thiên Tường 天祥, Địa Nghi 地宜, Nhân
Thuận 人顺. Có
nghĩa :
* Thiên Tường 天祥 : là
cái Điềm lành của trời, là cái mặt tốt về thời cơ, thời vận, là Thiên Thời
đó.
* Địa Nghi 地宜 : là
cái Tiện nghi của đất, của cái nơi mà ta định làm hay cái chỗ mà sự việc xảy
ra, là Địa Lợi đó.
* Nhân Thuận 人顺 : là Nhân sự được suông sẻ, mọi người đều đồng ý, không ai
chống đối, là Nhân Hòa đó.
Nhưng đối với bà con lối
xóm ở quê tôi thì THIÊN TƯỜNG là " Thương Tiền ", từ dùng để chỉ những
người keo kiệt hà tiện mà tham lam chỉ biết có TIỀN, cả câu như thế nầy :
" Thiên tường tác biệt hựu thu sương ".
Có nghĩa là : " Thương tiền, Tiếc bạc lại Thương
xu ".
Có một câu chuyện
vui kể rằng : Có ông trưởng giả nhà quê nọ mời bạn ăn mừng thọ lục tuần. Thiệp
mời có kèm theo môt câu như thế nầy : Sách có câu chữ rằng "
Xuân đình hiền tạ tống mặt khơi ". Câu sách đó có nghĩa là : "
Xin đừng hà tiện tới mặt không !".
Cái Thời Cơ của Trời,
chính là cái Thiên Lý đã được đề cập ở phần đầu bài viết nầy, nói lên cái
lý lẽ công bằng tự nhiên của Trời, như câu :
Tử sinh hữu mệnh, 死生有命,
Phú
quý tại thiên. 富貴在天.
Có nghĩa :
Chết sống đều có số mạng,
Giàu sang là do trời ban.
... và không phải ai cũng được trời ban, phải đúng với cái lẽ
trời thì mới được, như trong Minh Tâm Bửu Giám ghi lại câu nói nổi tiếng của
Khổng Minh Gia Cát Lượng là :
Mưu sự tại
nhân,
謀事在人,
Thành sự tại
thiên.
成事在天,
Nhân nguyện như thử như thử, 人願如此,如此,
Thiên lý vị nhiên vị nhiên !
天理未然,未然!
Có nghĩa :
Mưu tính công việc là ở người, còn...
Thành công hay thất bại là do trời,
Người muốn như thế nầy, như thế nầy đây, nhưng...
Cái lẽ trời cho biết là còn chưa được, còn chưa được !
Gia Cát Khổng Minh
là người giỏi cả binh thư thao lược, trên thông thiên văn dưới thông địa lý,
mang chí lớn muốn khôi phục lại nhà Hán, lập rất nhiều công lớn trong việc giúp
Lưu Bị tam phân thiên hạ, lập nên nhà Thục Hán, nhưng lục xuất Kỳ Sơn đều thất
bại, cuối cùng đành ôm hận mà chết với câu than bất hủ là " Mưu sự tại
nhân, thành sự tại thiên " như đã nêu trên.
Con người khi còn nằm
trong bụng mẹ, chưa được sanh ra, chưa thấy trời, thì gọi là Tiên Thiên 先天. Được sanh ra rồi, mở mắt đã thấy trời rồi, thì gọi là
Hậu Thiên 後天. Hằng ngày phải đầu tắt mặt
tối đội trời để làm việc kiếm sống, thì gọi là Thiên Thiên 天天. Vui vẻ trong cuộc sống thì gọi là Lạc Thiên 樂天. Buồn thảm trong cuộc sống thì gọi là Bi Thiên 悲天. Khi nhắm mắt xuôi tay rồi thì gọi là Quy Thiên 歸天. Tuổi thọ và những năm tháng mà ta có được gọi là
Thiên Niên 天年.
Mong rằng tất cả đều quy thiên 歸天 trong cái tâm tình lạc thiên 樂天 để đều được vui hưởng những thiên niên 天年 tuyệt vời có được trong cuộc sống !
Đỗ
Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
* Các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ*