Chân DungTác giả
MỘT NGÀY CỦA CHÚ TIỂU
Ở một ngôi làng
nhỏ cách xa thành phố, có một chú tiểu nọ vừa mới xuất gia. Chú đã từng viết
trong nhật ký của mình:
Con muốn lên
chùa ở
Chẳng vì để xa
ai
Chỉ là con thấy
nhớ
Thanh thản của
chính mình.
Nghe tiếng
chuông gió hát
Ngửi mùi trầm
hương tỏa
Xung quanh là
hoa lá
Con có cần gì
hơn?
Và thế là hơn một
năm sau ngày viết những dòng ấy, chú đã phát nguyện xuất gia, đi theo gót chân
“Cha Lành”.
Những ngày đầu
làm tiểu ở chùa, chú thấy mọi thứ thật mới lạ. Chú được dạy những điều mà trước
đây khi còn ở nhà, chú chưa bao giờ thực tập.
Chú bắt đầu ngày
mới bằng một thời công phu sáng, tụng kinh Lăng Nghiêm và lạy Phật. Thầy của
chú dạy: “Thời công phu này có giá trị nuôi dưỡng chánh niệm và thâu góp năng
lượng tỉnh thức cho cả một ngày tu tập”. Do đó chú phải hết sức trân trọng !
Chú háo hức được
phụ các huynh đệ dọn bữa sáng, dù đó đôi khi chỉ là củ khoai, cái bánh hay bát
cơm trắng ăn cùng với muối đậu. Trước khi ăn chú phải quán niệm: Bữa ăn này từ
đâu mà có? Một người tu hành luôn luôn ý thức về sự thọ nhận của đàn na tín thí
để từ đó học cách biết ơn và sống sao cho xứng đáng với sự thọ nhận này.
Chú trân trọng cả
những khoảng thời gian được Sư phụ ưu tiên dành cho chú ngồi học. Chú nghĩ dù
10 tuổi, 20 tuổi hay 40, 50 tuổi đi chăng nữa, được ngồi trên bàn học như lúc
này vẫn là một niềm hạnh phúc. Kho tàng tri thức của nhân loại bao la là thế,
còn sự học của bản thân thì có giới hạn. Tích lũy được chút kiến thức nào, dù
nhiều hay ít thì với chú cũng rất cần trân quý.
Giấc ngủ ngắn ngủi
buổi trưa là khoảng thời gian lý tưởng cho chú thực tập “thiền buông thư”. Mắt
nhắm khẽ, hai tay buông xuôi theo thân thể trong tư thế thoải mái nhất. Chú thả
lỏng toàn thân và tâm trí, chỉ theo dõi hơi thở một cách tự nhiên:
Thở vào tâm tĩnh
lặng
Thở ra miệng mỉm
cười
Và như thế chú
đã được nghỉ ngơi, thư giãn cả thân và tâm theo đúng nghĩa nhất.
Buổi chiều lại
là khoảng thời gian quý giá trong ngày để chú và huynh đệ được làm chấp tác. Tu
tập không phải là “dời non lấp biển” hay làm gì cao siêu huyền bí, mà ngay
trong chính những công việc nhỏ nhặt ngày thường, chú biết đặt tâm mình vào đó,
chỉn chu hơn, tinh tiến hơn mỗi ngày, ấy thế là tu. Mỗi lần tưới cây, chú lại
thích thú khi tưởng tượng những cành hoa kia như đang vươn mình tận hưởng dòng
nước cam lồ tươi mát mà đất trời ban tặng. Dẫu biết mỗi buổi chiều chúng đều được
tắm mình trong làn nước mát rượi ấy, nhưng hình như chúng chẳng cần bận tâm, cứ
vui thích đùa giỡn và tận hưởng trọn vẹn giây phút hiện tại. Có lẽ nào hoa cỏ chốn
già lam cũng thấm nhuần hương vị Thiền hay chăng?
Kế đến chú được
giao cho một cây chổi với nhiệm vụ cao cả mà không phải ai cũng được làm, đó là
quét sạch sân chùa, trang nghiêm cõi thanh tịnh. Chú được học từ những chi tiết
nhỏ như quét lá phải khom lưng một chút cho “ra dáng” thành tâm với công việc,
học cách đưa chổi thật dứt khoát mà không quá ghì mạnh hay hốt rác sao không để
chừa đất cát nào ở sân,… tất cả những điều đó gọi chung là “nghệ thuật quét
rác”. Ngoài ra, chú còn được học cách cắm hoa, rửa chén tách, làm hương đăng để
thị giả Chư Phật và Bồ Tát. Mỗi công việc đều có giá trị và ý nghĩa thiêng
liêng, nếu chú cứ làm với cái tâm hoan hỉ, ý nguyện trong sáng thì cứ hoàn
thành một việc là chú đã vun bồi thêm một phần công đức.
Chú đã nghe ai
đó từng nói: Nếu muốn đi nhanh thì hãy đi một mình, còn muốn đi xa thì hãy đi
cùng bạn. Tu hành là một chặng đường mà hạnh phúc không nằm ở cuối đích đến, hạnh
phúc nằm ngay trên từng bước chân trên hành trình đó. Chú không chọn cách đi
nhanh, chú muốn đi xa, và thế là chú thấy hạnh phúc khi mỗi tối được đồng hành
tu tập với những người “bạn già” trong thôn xóm. Bên gốc đa cổ thụ từ bao đời
xưa nay không ai rõ năm tuổi, dưới mái ngói hiên chùa bé nhỏ, tối tối có các
bà, các mẹ tới ê a tụng kinh, nhịp nhàng tiếng mõ. Thỉnh thoảng ngân nga tiếng
xướng tụng của vị thầy trụ trì hay lạc giọng tiếng chú tiểu đang tập tành bắt
chước tụng kinh. Tất cả tạo nên bản giao hưởng linh thiêng kì diệu, theo khói
hương trầm quyện tỏa trong không gian thanh tịnh thiền môn. Chú thấy xúc động lắm,
vì mỗi lần như thế, chú như thấy mình đang sống trong chánh pháp nhiệm màu của
Như Lai, được ôn tụng lời dạy của Người, liên hệ với Người qua từng trang kinh
nhỏ.
Một ngày tu tập
của chú tiểu sẽ kết thúc trọn vẹn trong khoảng thời gian “im lặng hùng tráng”,
nghĩa là chú được an trú thảnh thơi ngay cả trong giấc ngủ. Khi đặt lưng xuống
giường, nhắm mắt lại, hình ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát lại hiện ra mỉm cười khen chú
ngoan. Thầm niệm danh hiệu Ngài một cách tự nhiên, chú từ từ chìm vào giấc ngủ
lúc nào không hay biết.
Chú thấy mình hạnh
phúc biết bao khi được làm con của Phật, bước những bước đầu chập chững trên
con đường sống đời tỉnh thức. Chặng đường tu tập của chú còn nhiều điều đang
đón chờ phía trước, hành trang chú mang theo nhất định phải có một trái tim bao
dung và thương yêu, một ý chí quyết tâm vững tiến, một tinh thần lạc quan, cầu
học và hơn hết, tâm bồ đề phải luôn kiên cố. Chú cầm bút lên và lại viết tiếp
vào trang nhật kí còn dang dở:
Con muốn là con
của lúc này
Tự tại an nhàn với
cỏ cây
Chẳng còn bận
lòng chi thế sự
Hiện tại bây giờ
và ở đây !
Nguyện Pháp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
* Các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ*