HƯỚNG VỀ PHẬT ĐẢN
Qua Kính Thánh Cầu (K. Trung Bộ I, 26)
Đức Phật hay Đạo
Phật, mặc nhiên đã đóng góp sự lành mạnh, và hiện hóa vào trong mọi tầng lớp xã
hội loài người, và muôn loài một cách đích thực hơn bao giờ hết, cho dù từ ngàn
xưa hay cả đến ngàn sau.
Hằng năm, giao
thời Xuân-Hạ, mùa Phật Đản đang tới gần khắp nơi trên hành tinh nhân loại, đối
với những ai có phát khởi lòng kính tin hướng tâm đến tinh thần giáo lý của Đức
Phật, đều có những giây phút tư duy nghĩ về ngày Đức Phật Đản Sinh.
Một Đức Phật lịch
sử, đã thật sự có mặt, và tận mắt thấy biết trong cuộc sống lạc thú nơi thế đời,
nhưng lại có sự tu tập từ bỏ các dục, có sự thành tựu chứng đắc vô thượng an ổn,
không còn bị chi phối các khổ nạn triền ách thế gian, có hành đạo giáo hóa
chúng sanh, và cuối cùng có tịch diệt niết bàn viên mãn.
Đức Phật Đản
Sinh và tịch diệt cách đây đã hơn 25 thế kỷ. Thế nhưng, toàn bộ tinh thần nội
dung giáo lý thâm diệu của Ngài vẫn luôn khẳng định sự tồn tại một cách hùng hồn
bất tuyệt, trong sáng và hòa nhập qua từng dòng chảy an bình vào cuộc sống xã hội
con người, muôn vật trong mỗi thời đại từ ngàn xưa, và mãi cho đến tận ngàn
sau.
Chúng ta nghĩ rằng;
nếu một xã hội phát triển tốt, thì cũng chính do sự nhận thức đúng đắn lành mạnh
từ phía của con người phát triển. Song song với sự phát triển ấy, Tâm Từ, Vô
Tham cùng với Giới-Định-Tuệ cũng phải được phát triển trong hàng ngũ người đệ tử
Phật có thể hiện qua sự tu tập nhu nhuyễn, thuần tịnh để dẫn đến một trạng thái
;
“Tâm giải thoát
và Tuệ giải thoát”.
Do đó, sự xuất
hiện của Đức Phật có hai mục đích là ; giữ sự im lặng của bậc Thánh (tu thiền)
và trình bày sự Khổ, Khổ Tập cũng như con đường đưa đến Diệt Khổ. Phật dạy :
“ Nầy các tỷ
kheo, có hai sự tầm cầu nầy, Thánh cầu và phi Thánh cầu”. Với tuệ quán thanh tịnh
siêu nhân, Đức Phật đã thấy rõ “Những gì tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị
sanh, tự mình bị già…, tự mình bị bệnh…, tự mình bị chết…, sầu…, ô nhiễm… lại
đi tìm cầu cái bị ô nhiễm.”
Sự thâm sâu qua
lời dạy trên, tất nhiên không phải vượt ra ngoài cuộc sống nầy mà có được, mà
chính nơi sự sâu kính trong lòng cuộc sống mới hiển bày diệu lý thâm sâu. Nếu
như ngày nào sự chấp thủ còn có mặt “Đây là tôi, đây là của tôi…” thì mọi vấn đề
vẫn còn là sự nắm giữ cái bị sanh, già…ô nhiễm. Bởi vì nguồn gốc của đau khổ là
tham và chấp thủ (ngã và ngã sở). Cường độ giao động trong dòng tâm thức con
người nói riêng và nói chung là cả một cộng đồng xã hội nhân quần, khuynh hướng
phát triển như thế nào về Thiện hay Bất Thiện, Đạo đức hay phi Đạo đức, Giáo dục,
Nhân- Nghĩa hay phi Giáo Dục và Nhân Nghĩa. v.v…
Sự lành mạnh hóa
sẽ đem lại hưng thịnh sung mãn hạnh phúc và bình an, còn như thấp kém, nghèo
nàn bởi do biến chất tha hóa trong tư duy Dục thủ, Kiến thủ… thì mọi biến động
bất an sẽ phát sinh cho chính mình và kẻ khác. Đồng thời, mọi việc sẽ manh nha
nhiều ác xấu hơn trong cuộc sống con người. Thấy rõ nguyên nhân ấy, Đức Phật đã
xác chứng qua lời dạy:
“Có người tự
mình bị sanh…già…bệnh…chết, sầu bi, ô nhiễm…Nầy các tỳ kheo, những chấp thủ ấy,
Người ấy lại nắm giữ tham đắm, mê say chúng…Như vậy gọi là phi Thánh cầu.” Vì
những sự việc trên có liên hệ tích cực đến thế giới ngũ thủ uẩn. Như vậy, đồng
nghĩa với đau khổ, sinh diệt. trầm luân.
Chúng ta thấy, từ
một tâm thức náo động và não hại, lại cộng thêm vào những nhân tố giao động và
não hại khác, từng khoảnh khắc ý niệm vô thường lại thêm vào trong khoảnh khác
vô thường kế tiếp, sự đấu tranh tàn hại do tham đắm, chấp thủ và ô nhiễm gây
ra, lại cộng thêm vào những ý niệm đồng tình với những đấu tranh, phẫn hận và
những tư duy tàn hại khác… Chính vì vậy, đã tạo nên dòng biến động cường độ cho
đau khổ và luân chuyển trong biển sanh tử.
Từ nhận thức
trên, Đức Phật đã mở ra một sinh lộ để đến thế giới an bình, đó là một hành động
có ý thức giác ngộ ngang qua hiện tượng các pháp rằng :
“Nầy các tỳ
kheo, thế nào là Thánh cầu ? Ở đây, có người tự mình bị sanh, già, bệnh, chết,
sầu bi, ô nhiễm. Sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, già, bệnh, chết… Tìm
cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn. Nầy các tỳ kheo,
như vậy gọi là Thánh cầu.
Đức Phật hay Đạo
Phật mặc nhiên đã đóng góp sự lành mạnh hóa vào trong mọi tầng lớp xã hội loài
người và muôn loài một cách đích thực hơn bao giờ hết, cho dù từ ngàn xưa hay cả
đến ngàn sau. Nếu như sự “bị sanh…đến ô nhiễm” tác hại do các chất độc khí tạo
ra từ không gian hay từ dòng nước, thì môi trường sống sẽ bị dẫn đến tàn hại,
nhiệt não, bệnh tật cho cả một vùng sinh thái.
Nhưng ở đây, sự
biến động tàn hại nói trên, nó chỉ là hệ quả của ngọn ngành. Điều mà chúng ta
muốn nói đến là phải thấy từ nguồn, từ buổi ban đầu, đó là sự nhiễm hại tàn phá
manh nha do những ý niệm tà kiến, những kiến chấp do dục tham cuồng nhiệt, những
ác tư duy khát vọng mơ hồ, những tư kiến ích kỷ thấp kém đã bị chìm sâu vào lạc
thú thường tình… Thì đây, sẽ tạo thành một vòng xoáy, một trục quay có sức công
phá cực kỳ nguy hiểm cho thế giới loài người. Đã có biết bao sự bất ổn, mất
thăng bằng từ môi trường cho đến tâm sinh lý, cảm tính, nhân tính, đạo đức từ
phía con người.
Tất cả đều do đắm
đuối mê lầm mãi miết của sự đi tìm cầu cái “bị sanh… bị ô nhiễm”. Trái lại, tự
trong mỗi con người chúng ta ý thức được giá trị sự sống hay cuộc sống một cách
đúng đắn cũng như về mọi sự vật hiện tượng (nội giới và ngoại giới), thấy rằng;
bản chất của nó không ngừng biến động, luôn chuyển động từ một trạng thái nầy đến
một trạng thái khác. Thời như vậy, sẽ dẫn đến ý niệm vô tranh, không nhiệt não,
định tĩnh, tâm hiền thiện tươi mát. Chính đây là sự mạch nguồn cho đạo lộ an ổn
khỏi các khổ ách.
Có ba giai đoạn
của Tâm:
-. Sanh Tâm:
giai đoạn nầy là thời điểm giao tiếp giữa Căn và Trần.
-. Trụ Tâm : Giai đoạn nầy là hệ quả qua quá trình giao
tiếp để xuất hiện một dòng lực tham ái, chấp thủ, hữu.
-. Diệt Tâm : Đến
giai đoạn nầy, nói lên công năng vận dụng ý thức trong quá trình có tư duy tu tập để được hữu phần đoạn diệt,
sanh nhàm chán, ly tham.
Trải qua ba giai
đoạn trên, chúng ta thấy cái nhìn đặc biệt của bậc đạo sư về thiền tư, thiền
quán, giúp cho chúng ta có dịp nhìn lại sự dong ruổi của tâm theo dòng luân
chuyển bất định trong cõi tử sanh. Trong một bài kinh khác, Đức Phật đề cập đến
một trạng thái trói buộc do dục hỷ sinh ra, và cũng chính đoạn trừ mọi dục hỷ
mà một hành giả mới được thong dong tịnh lạc, Phật dạy :
“Chính HỶ trói
buộc đời
Tầm cầu dẫn hành
đời
Do đoạn trừ KHÁT
ÁI
Mới được gọi NIẾT
BÀN”
(Kinh Tương Ưng
I. 39).
Điều mà chúng ta
thấy ở giáo lý duyên khởi (12 nhân duyên), đó là lý do vì sao Đức Phật giải
thích về con người lại phải có mặt trong cuộc đời nầy. Và vì sao Đức Phật lại
do dự không muốn trình bày “Pháp” mà Ngài đã trải nghiệm và sau khi thực chứng
vô thượng bồ đề, Phật dạy:
“Đối với quần
chúng ưa ái dục, khoái lạc ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định
lý (y tánh duyên khởi pháp), thật khó mà thấy được tất cả hành là tịch tịnh, tất
cả sanh y đều được từ bỏ, ái được đoạn tận, ly dục, ái diệt, Niết bàn”.
Theo lý duyên khởi,
tương quan tương duyên với nhau mà các pháp khởi lên, chuyển biến và đoạn diệt.
Do đó, thiền tư thiền quán lại đóng một vai trò quan trọng trong việc tu tập để
chuyển hóa. Nếu như không nhận thức được rằng: “Tự mình bị sanh… lại đi tìm cầu
cái bị sanh…” chính ở đây, vị ấy không thấy lý duyên khởi của vạn hữu. Và trái
lại là đoạn trừ mọi kiết sử, thấy được định lý y tánh duyên khởi pháp, thực tập,
dẫn đến một trạng thái tịch tịnh Niết bàn. Do sự chứng ngộ và thành tựu trên, bậc
đạo sư đã nói lên lời kệ:
“Hết thảy pháp
không nhiễm
Hết thảy pháp xả
ly
Ta sống chân giải
thoát
Đoạn tận mọi
khát ái…”
Đến đây, Đức Phật
cho biết thêm về sự cột trói đối với vị đang tu tập, chính là năm dục tăng trưởng
(sắc, thinh, hương vị, xúc) khi được khởi lên “ khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý,
kích thích lòng dục hấp dẫn… không thấy sự nguy hại của chúng, không rõ sự xuất
ly khỏi chúng mà thọ dụng chúng… Các người đã rơi vào bất hạnh, đã rơi vào tai
họa. Thời như vậy, vị ấy đã bị ác ma xử như ý muốn, không vượt khỏi tầm mắt của
ác ma”. Một điều nữa, mà chúng ta cần phải thấy ở lời dạy qua bài kinh nầy là:
-. Nếu như vị có
tu tập, không sanh tâm tham đắm, không bị sự cấu nhiễm là vấn đề cần thiết,
không để lại những vết tích trên con đường giải thoát, như cánh chim bay vào hư
không, đó là kết quả của người tu theo Phật.
Cho nên năm chi
thiền Sắc giới (Tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm) và Tứ thiền Vô Sắc giới, trú và Diệt
Thọ Tưởng, thấy với trí tuệ, các lậu hoặc không còn. Chính ở đây là cứ địa, là
nơi trú ẩn an ổn, bấy giờ hành giả thật sự vượt khỏi tầm mắt của ác ma, vượt
thoát khỏi những ý lực của ác ma, vị ấy đã làm cho ác ma mù mắt.
Với những ý
nghĩa trên, chúng ta có thể hiểu nôm na rằng: Do nhiếp tâm chánh niệm tĩnh
giác, rõ biết được Khổ và nguyên nhân của Khổ. Đồng thời, tìm cầu đạo lộ an ổn
vô thượng, vượt thoát khỏi các triền ách, chấm dứt mọi khổ pháp, thành tựu vô
thượng thiện pháp, giải thoát ( Diệt và Đạo).
Với kinh nghiệm
bản thân của Đức Phật, từ khi còn là một đạo sĩ lang thang tầm đạo khắp núi rừng
hang đọng, đến khi chứng đạt vô thượng bồ
đề là một quá trình tu tập thể nghiệm chơn lý. Sau đó, Đức Phật đã thật sự công
bố chánh pháp vào đời
“Giống lên trống
bất tử
Trong thế giới
mù lòa…”
Ta thấy, Đức Phật
không dấu lại những gì trong bàn tay của một người thầy, Ngài chỉ dạy sự tu tập
như chính Ngài đã trải nghiệm.
Hôm nay, với một
nghĩa cử mà tất cả chúng ta cùng nghĩ về ngày Đức Phật Đản sinh. Và qua lời dạy
của Ngài, trong tinh thần giác ngộ tu tập và giải thoát, với sự hướng tâm chánh
niệm ấy, Đức Phật luôn đản sinh trong cuộc đời, và Đức Phật hằng đản sinh từng
ý niệm tĩnh thức trong mỗi chúng ta ngay giây phút hiện tại.
MẶC PHƯƠNG TỬ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
* Các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ*