THÔI TA GIÃ PHỐ TÌM QUÊ,THỎNG TAY BUÔNG BỎ NHIÊU KHÊ LỤY PHIỀN.THÀ VỀ GỐI GIẤC CÔ MIÊN ,TIÊU DAO ĐÙA GIỠN CÕI MIỀN NGUYÊN SƠ!CÁM ƠN CÁC BẠN GHÉ THĂM VÀ GHI CẢM NHẬN!

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2018

Bài Hát “Dùi Chiêng”



“Giai thoại Văn Học Dân Gian Quảng Nam- Đà Nẵng”
                                                    Châu Thạch
Làng Dùi Chiêng là một làng nhỏ trước đây thuộc xã Quế Phước huyện  Quế Sơn, nay vẫn là xã Quế Phước nhưng thuộc huyện Nông Sơn. Tương truyền rằng làng Dùi Chiêng nằm ở thượng nguồn sông Thu Bồn, trước mặt là sông, sau lưng là núi. Vì núi có hình thù giống như cái dùi để đánh chiên nên người ta đặt tên làng là Dùi Chiêng.
Thuở ấy ở làng Bình Yên, nay  thuộc Đại Hòa huyện Đại Lộc có một người tên là Tư lên Dùi Chiêng để làm ăn. Tại Dùi Chiêng có một người giàu có, dân làng gọi là Bá Giảng. Bá Giảng thích thơ văn, hát hò. Một hôm trong cuộc vui Bá Giảng thách ông Tư hát Hò Khoan với các cô gái trong làng. Trong bài hát phải có mấy chữ “Dùi Chiêng”. Hát Hò Khoan là một điệu hát hò dân gian Quảng Nam- Đà Nẵng. Gọi là Hò Khoan vì sau mỗi câu hát thì thính giả đứng hay ngồi chung quanh đồng thanh hò phụ:”Hò khoan, hố khoan hợi là hò khoan”.
Được lời khích lệ  Ông Tư ứng khẩu hát ngay:
Tôi đây khách lạ xa đàng
Lên đây ông Bá bảo hát với các nàng ở làng Dùi Chiêng
Rạng ngày mai tôi đảo cảnh Bình yên
Các cô ở lại có chiêng không dùi
Về nhà, lòng ngại bùi ngùi
Các cô ở lại có dùi không chiêng
Trai anh hung nay gặp gái thuyền quyên
Có ta, có bạn, có chiêng, có dùi…
Bá Giảng và mọi người đều phục tài ông Tư. 
Đọc bài hò của ông Tư làng Bình Yên ta thấm thía ngay với sự đặc sắc của câu hò trong văn học dân gian. Câu hò của ông Tư ứng khẩu vừa mộc mạc vừa dí dỏm, dễ gây tiếng cười cho mọi người, lại bày tỏ sự quyến luyến  của mình với đất khách, sự thân thiên đầy hạnh phúc khi giao lưu cùng nhau “Có ta, có bạn, có chiêng, có dùi”. Câu thơ “Về nhà, lòng lại bùi ngùi/ các cô ở lại có dùi không chiêng” phải hiểu  là ông Tư muốn nói  khi ông về nhà thì lòng lại bùi ngùi nhớ các cô gái ở lại, bởi lúc đó ông có cái “dùi” mà không có cái “chiêng” của các cô. Từ đó chung ta hiểu rằng người dân quê có một trình độ hiểu thơ rất xâu xa, dầu câu hò có bí hiểm họ vẫn hiểu ra ngay cái ý tiềm ẩn trong câu hò ấy. Bởi vậy Truyện Kiều tuy là văn chương bác học mà được người nông dân thuộc lòng và tôn lên thơ thần dùng cho bói toán.
 Câu chuyện nầy tôi đọc được trong sách “Văn Học Dân Gian Quảng Nam- Đà Nẵng” tập 2 trang 188 của nhà nghiên cứu văn học Nguyễn văn Bổn tức nhà thơ Tần Hòai Dạ Vũ. Bài hát Hò Khoan đơn sơ và ngắn gọn của ông Tư làng Bình Yên – Đại Hòa – Đại Lộc  đem đến cho tôi một niềm vui bắt chợt đầy thú vị. Tuy là một niềm vui bắt chợt nhưng nó lại hình thành một tình yêu quê hương, yêu người Quảng Nam rất lớn trong tâm hồn tôi. Tôi xin gởi lời cảm ơn đến tác giả tập sách vì nó đã cho tôi, nhiều người như tôi và con cháu tôi nữa có cơ hội đi vào tâm hồn tuyệt đẹp của dân gian quê hương mình ./.
 Châu Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

* Các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ*