THÔI TA GIÃ PHỐ TÌM QUÊ,THỎNG TAY BUÔNG BỎ NHIÊU KHÊ LỤY PHIỀN.THÀ VỀ GỐI GIẤC CÔ MIÊN ,TIÊU DAO ĐÙA GIỠN CÕI MIỀN NGUYÊN SƠ!CÁM ƠN CÁC BẠN GHÉ THĂM VÀ GHI CẢM NHẬN!

Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

MỘT SỐ CĂN BỆNH CẦN PHẢI TRÁNH KHI SÁNG TÁC THƠ ĐƯỜNG LUẬT



alt

MỘT SỐ CĂN BỆNH CẦN PHẢI TRÁNH
KHI SÁNG TÁC THƠ ĐƯỜNG LUẬT

                                             HƯƠNG THU



Vừa qua có nhiều độc giả gửi thư hỏi về những căn bệnh trong thơ Đường luật với mục đích muốn nắm rõ để có những tác phẩm hay. Thế giới thơ Đường luật một lần nữa xin bàn về Những căn bệnh cần phải tránh khi sáng tác thơ Đường luật, bài viết này trước đây đã có đăng trên Thế giới thơ Đường luật bộ cũ. TGTĐL

Đến với thơ Đường luật, không phải chỉ cần thông qua niêm luật, đối ngẫu… là có thể xem như đã biết về thơ Đường luật. Để biết về thơ Đường luật, người làm thơ phải có một quá trình dài rèn luyện và làm quen thường xuyên với thể thơ khó tính này. Qua được ngưỡng niêm luật, đối ngẫu, chúng ta chỉ mới qua được bước thử thách thứ nhất, gọi là sạch nước cản – nói theo những người chơi cờ.
Thế giới thơ Đường luật là thế giới mênh mông đầy sự khám phá thú vị đối với những ai tìm đến nó. Ngoài niêm luật, đối ngẫu, chúng ta cần biết đến các thể loại thơ của Đường luật, từ chính thể đến biến thể… tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ! Để có một bài thơ hoàn hảo, người làm thơ Đường luật cần phải biết phòng ngừa một số căn bệnh thông thường của thơ Đường luật. Tại sao gọi là một số căn bệnh thông thường? vì thật ra có rất nhiều căn bệnh cần phải tránh để có một bài thơ hoàn hảo về kỹ thuật, song chúng ta chỉ bàn đến một số căn bệnh cần thiết phải tránh khi sáng tác, vì nếu mắc phải những lỗi này, bài thơ của chúng ta sẽ mất nhạc điệu, lặp ý, lặp từ gây nhàm chán cho người đọc.
Sau đây là một số căn bệnh thường gặp:
1.    ĐIỆP TỰ:
Hay còn gọi điệp từ. Thơ Đường luật Thất ngôn bát cú chỉ có 56 từ, người xưa cho đó là 56 viên ngọc quý. Mỗi viên ngọc có giá trị riêng của nó. Do đó người làm thơ phải biết trân trọng, không thể cẩu thả tiêu hoang từ ngữ trong bài thơ Đường luật, uổng phí từ ngữ vốn phải được chắt lọc của thể thơ này.
Vậy điệp tự là gì? Là tác giả đã dùng lại hai hay nhiều lần một từ nào đó trong một bài thơ Đường luật.
Thí dụ:
Bài Khóc Thúy Kiều trang 83 thi tập Thắp sáng Đường thi 2, bốn câu cuối của bài thơ có hai từ “mệnh”:
Hồng nhan bạc mệnh thôi đành nhẽ
Sắc nước nghiêng thành liệu đến đâu?
Mới biết mệnh trời mà trói buộc
Đố ai lường trước được mai sau!
Như vậy là tác giả đã tiêu hoang mất một viên ngọc rồi, thật đáng tiếc lắm thay!
Trong trường hợp này ta có thể thay từ “mệnh” trong chữ “bạc mệnh” thành “ bạc phận” vẫn giữ được nguyên ý câu thơ, lại tránh được bệnh điệp tự.
2. ĐIỆP THANH:
Trước khi tìm hiểu điệp thanh là gì, chúng ta phải tìm hiểu thanh là gì?
Thanh: là cách phát âm cao hoặc thấp, bổng hay trầm. tiếng Việt là tiếng đơn âm, nghĩa là mỗi tiếng chỉ có một âm, nhưng mỗi âm có nhiều thanh.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng tiếng Việt có 6 thanh, dựa vào các dấu: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng và không dấu. Thật ra tiếng Việt có những tiếng có 6  Thanh, nhưng cũng có những tiếng có đến 8 thanh. Vậy làm sao để phân biệt tiếng nào có 6 thanh và tiếng nào có 8 thanh?
Những tiếng có 6 thanh là những tiếng khi viết có một hay nhiều nguyên âm (voyelles) ở phía sau.
Ví dụ : tiếng “ ha”: có một nguyên âm a ở phía sau, do đó có 6 thanh: ha, há, hà, hả, hã và hạ
Những tiếng có 8 thanh là những tiếng khi viết có một hay nhiều phụ âm ( consonnes) ở phía sau.
Ví dụ: Tiếng “ hiên ” có một phụ âm n ở phía sau, do đó có 8 thanh: hiên, hiến, hiền, hiển, hiện, hiết và hiệt.
Có lẽ chúng ta cũng nên liệt kê 8 thanh trong tiếng Việt để cùng nhau nghiên cứu, ứng dụng khi sáng tác thơ Đường luật, hầu tránh được bệnh điệp thanh.
Tám thanh đó là:
1.    Phù bình thanh: những tiếng không có dấu
2.    Trầm bình thanh: những tiếng có dấu huyền
3.    Phù thượng thanh: những tiếng có dấu ngã
4.    Trầm thượng thanh: những tiếng có dấu hỏi
5.    Phù khứ thanh: những tiếng có dấu sắc
6.    Trầm khứ thanh: những tiếng có dấu nặng
7.    Phù nhập thanh: những tiếng có dấu sắc mà đằng sau có: c, ch, p, và t.
8.    Trầm nhập thanh: những tiếng có dấu nặng, mà đằng sau có: c, ch, p và t.
Bệnh điệp thanh: là bệnh trong một câu có hai tiếng cùng thanh với nhau.
Đối với bài thơ Thất ngôn: những tiếng thứ 4 và thứ 7 trong các câu có vần ( câu 1, 2, 4, 6 và 8) không được trùng thanh với nhau. Nghĩa là nếu chữ thứ 7 không dấu, thì chữ thứ 4 phải có dấu và ngược lại.
Thí dụ: Hoa nở xuân tươi ý mộng mơ
             Mai khoe xuân thắm những mong chờ
                          ( trích: Xuân thơ của Ng.M )
Trong hai câu thơ trên, câu đầu có chữ tươi và chữ mơ cùng không dấu, tức là cùng một thanh phù bình, làm câu thơ mất nhạc.
Nếu ta sửa lại: Hoa nở xuân cười ý mộng mơ. 
Câu thơ sẽ có nhạc vì không mắc bệnh điệp thanh
Cũng như vậy trong bài thơ ngũ ngôn, chữ thứ 5 và thứ 2 trong các câu có vần không được trùng thanh với nhau. Nghĩa là: nếu chữ thứ 5 không dấu, thì chữ thứ 2 phải có dấu hoặc ngược lại.
Thí dụ: Chia tay dạ thoáng đau
        ( trích : Lời cuối của HH)
Trong câu thơ trên, chữ thứ 2 (tay) và thứ 5 (đau) cùng không dấu, nghĩa là bị bệnh điệp thanh, do đó câu thơ không nhạc.
Nếu ta sửa lại: Chia tay dạ thoáng sầu
Câu thơ sẽ có nhạc và dễ đọc hơn nhiều.
Thường thì người sáng tác hay dễ mắc bệnh điệp thanh ở những trường hợp chữ thứ tư là thanh bằng, ( bài thất ngôn bát cú) song đối với những bài chữ thứ tư là thanh trắc, thì các bạn hãy chú ý chữ thứ 2 trong câu không nên trùng thanh với chữ thứ 7.
Ví dụ: Trăng nằm đáy nước, ánh trăng buồn. Chữ thứ 2 (nằm) và chữ thứ 7 (buồn) trong câu cùng dấu huyền do đó câu thơ đọc lên nghe âm nằng nặng, không nhẹ nhàng thanh thoát. song đây chỉ là một lỗi nhẹ, có thể bỏ qua.
3. ĐIỆP ÂM:
Âm là gì? Như trên đã nói, tiếng Việt là tiếng đơn âm,, nghĩa là mỗi tiếng chỉ có một âm, nhưng mỗi âm lại có nhiều thanh.
Ví dụ: Mai và khai : có cùng một âm ai
           Tranh và danh : có cùng một âm anh.  
Nhưng âm “ai ” lại có nhiều thanh: ai, ái, ài, ải, ãi, ại
Bệnh điệp âm: là bệnh trong một câu thơ chữ thứ 4 và thứ 7 ( thất ngôn), chữ thứ 2 và chữ thứ 5 (ngũ ngôn) có cùng một âm.
Ví dụ: mưa gởi niềm đau giữa mắt nhau
Câu thơ trên có hai từ đau và nhau cùng âm au. Như vậy là mắc bệnh điệp âm.
4. ĐIỆP VẬN:
Vận hay vần của một bài thơ Đường luật thường nằm ở những chữ cuối của các câu:1,2,4,6 và 8. Như vậy mỗi bài thơ Đường luật thường có 5 vần.
Bệnh điệp vần ( chữ Hán gọi là vận): là khi trong một bài thơ có hai vần trùng nhau.
Thí dụ: bài NÚI CÔ TIÊN của H.P
Cô tiên nằm xoãi ngắm mây trời
Mái tóc bồng bềnh lướt biển khơi
Cặp mắt mơ màng chan ánh sáng
Đôi chân mềm mại duỗi song đôi
Hai gò bồng đảo chờ trăng mộng
Nguồn suối đào nguyên đợi gió trời
Đời đã bao người dù gối mỏi
Thân gần run rẩy vẫn rong chơi.
Trong bài thơ trên có nhiều bệnh khác, song chúng ta chỉ xét đến bệnh điệp vần. Câu 1 và câu 6 cùng một vần Trời, như vậy là đã mắc bệnh điệp vận ( hay vần).
5. ĐIỆP Ý:
Thường những người khi mới tập làm thơ Đường luật, do cố cấu trúc hai cặp trang, luận sao cho có đối ngẫu, nên thường chẻ đôi ý tưởng, làm thành cặp câu, ví dụ: trai thanh / gái lịch, trong họ/ ngoài làng, Sớm trông/ chiều đợi … thay vì triển khai thành một câu, một số tác giả đã chẻ đôi ý tưởng thành hai câu:
Sớm trông vời vợi đầu phai sắc
Chiều đợi xa xăm tóc ngã màu.
Hai câu thơ trên chỉ một ý: chờ đợi ai đó đến bạc đầu. nghĩa gom lại chỉ cần một câu là đủ: sớm trông, chiều đợi đầu phai sắc… và câu thứ hai phải tìm một ý tưởng khác để hoàn thành cặp đối, như vậy mới không mắc bệnh điệp ý, hay người ta còn gọi là bệnh nứa bổ, chẻ tre …
6. ĐIỆP THANH VẬN:
Tiết tấu của một bài thơ Đường luật vốn đã được nghiên cứu từ sự bỗng trầm của âm nhạc, có thăng, có trầm. Một câu cao, một câu thấp … lên xuống nhịp nhàng, do vậy nếu người sáng tác chịu khó vận dụng đúng tiết tấu qui định, bài thơ Đường luật đọc lên sẽ rất êm ái, nhẹ nhàng.
Thế nào là điệp thanh vận? bài thơ đường luật có 5 vần. Theo qui luật tiết tấu người sáng tác nên gieo một vần phù bình thanh, tiếp một vần trầm bình thanh, nghĩa là một vần không dấu và một vần dấu huyền, cứ như thế chen kẻ đến hết 5 vần, nếu người sáng tác gieo liên tiếp hai, ba thậm chí cả năm vần đều một thanh ( cùng không dấu hay cùng dấu huyền) sẽ mắc bệnh điệp thanh vận.   
7. PHẠM ĐỀ HAY MẠ ĐỀ:
Theo sách của Lạc Nam thì lỗi Mạ đề hay Phạm đề được qui định: Từ câu 3 đến câu 8 của bài thơ không được dùng lại từ đã dùng ở đầu đề. Ví dụ : đầu đề bài thơ là NHỚ NHÀ, thì từ câu 3 đến câu 8 của bài thơ không được dùng lại hai từ “Nhớ nhà” nữa.
Theo một số tài liệu khác và nhiều người sáng tác lâu năm, cặp trạng, luận vốn được xem là xương sống của bài thơ, do đó để tránh lỗi Mạ đề hay Phạm đề, chỉ cần không lập lại từ đã dùng ở đầu đề trong bốn câu trạng luận, nghĩa là từ câu 3 đến câu 6 là đủ.
Bệnh thì nhiều, song số trang có hạn, vã lại cũng chỉ nên chú ý đến một số căn bệnh chủ yếu có thể làm mất đi giá trị của bài thơ về tính thẩm mỹ thôi.
Điều cuối cùng người viết muốn bày tỏ cùng các bạn, đó là: luật là luật, song ý tình bài thơ vẫn là điều quan trọng nhất. Nếu chỉ vì tránh lỗi mà làm cho bài thơ khô cứng, nghèo nàn ý tình thì cũng không nên, chẳng hạn như: để tránh lỗi điệp tự, người sáng tác cố tìm một từ khác để thay thế: ví dụ: tổ quốc thế cho non sông, như thế chẳng phải tránh một lỗi này lại sa vào một lỗi khác là nghèo ý hay sao?
Một bài thơ Đường luật hoàn hảo, phải là một bài thơ giàu ý, khéo lời, và không mắc bệnh.
Chúc các bạn sáng tác thành công.
                                                                     HT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

* Các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ*