THÔI TA GIÃ PHỐ TÌM QUÊ,THỎNG TAY BUÔNG BỎ NHIÊU KHÊ LỤY PHIỀN.THÀ VỀ GỐI GIẤC CÔ MIÊN ,TIÊU DAO ĐÙA GIỠN CÕI MIỀN NGUYÊN SƠ!CÁM ƠN CÁC BẠN GHÉ THĂM VÀ GHI CẢM NHẬN!

Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

MỘT SỐ CĂN BỆNH CẦN PHẢI TRÁNH KHI SÁNG TÁC THƠ ĐƯỜNG LUẬT



alt

MỘT SỐ CĂN BỆNH CẦN PHẢI TRÁNH
KHI SÁNG TÁC THƠ ĐƯỜNG LUẬT

                                             HƯƠNG THU



Vừa qua có nhiều độc giả gửi thư hỏi về những căn bệnh trong thơ Đường luật với mục đích muốn nắm rõ để có những tác phẩm hay. Thế giới thơ Đường luật một lần nữa xin bàn về Những căn bệnh cần phải tránh khi sáng tác thơ Đường luật, bài viết này trước đây đã có đăng trên Thế giới thơ Đường luật bộ cũ. TGTĐL

Đến với thơ Đường luật, không phải chỉ cần thông qua niêm luật, đối ngẫu… là có thể xem như đã biết về thơ Đường luật. Để biết về thơ Đường luật, người làm thơ phải có một quá trình dài rèn luyện và làm quen thường xuyên với thể thơ khó tính này. Qua được ngưỡng niêm luật, đối ngẫu, chúng ta chỉ mới qua được bước thử thách thứ nhất, gọi là sạch nước cản – nói theo những người chơi cờ.
Thế giới thơ Đường luật là thế giới mênh mông đầy sự khám phá thú vị đối với những ai tìm đến nó. Ngoài niêm luật, đối ngẫu, chúng ta cần biết đến các thể loại thơ của Đường luật, từ chính thể đến biến thể… tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ! Để có một bài thơ hoàn hảo, người làm thơ Đường luật cần phải biết phòng ngừa một số căn bệnh thông thường của thơ Đường luật. Tại sao gọi là một số căn bệnh thông thường? vì thật ra có rất nhiều căn bệnh cần phải tránh để có một bài thơ hoàn hảo về kỹ thuật, song chúng ta chỉ bàn đến một số căn bệnh cần thiết phải tránh khi sáng tác, vì nếu mắc phải những lỗi này, bài thơ của chúng ta sẽ mất nhạc điệu, lặp ý, lặp từ gây nhàm chán cho người đọc.
Sau đây là một số căn bệnh thường gặp:
1.    ĐIỆP TỰ:
Hay còn gọi điệp từ. Thơ Đường luật Thất ngôn bát cú chỉ có 56 từ, người xưa cho đó là 56 viên ngọc quý. Mỗi viên ngọc có giá trị riêng của nó. Do đó người làm thơ phải biết trân trọng, không thể cẩu thả tiêu hoang từ ngữ trong bài thơ Đường luật, uổng phí từ ngữ vốn phải được chắt lọc của thể thơ này.
Vậy điệp tự là gì? Là tác giả đã dùng lại hai hay nhiều lần một từ nào đó trong một bài thơ Đường luật.
Thí dụ:
Bài Khóc Thúy Kiều trang 83 thi tập Thắp sáng Đường thi 2, bốn câu cuối của bài thơ có hai từ “mệnh”:
Hồng nhan bạc mệnh thôi đành nhẽ
Sắc nước nghiêng thành liệu đến đâu?
Mới biết mệnh trời mà trói buộc
Đố ai lường trước được mai sau!
Như vậy là tác giả đã tiêu hoang mất một viên ngọc rồi, thật đáng tiếc lắm thay!
Trong trường hợp này ta có thể thay từ “mệnh” trong chữ “bạc mệnh” thành “ bạc phận” vẫn giữ được nguyên ý câu thơ, lại tránh được bệnh điệp tự.
2. ĐIỆP THANH:
Trước khi tìm hiểu điệp thanh là gì, chúng ta phải tìm hiểu thanh là gì?
Thanh: là cách phát âm cao hoặc thấp, bổng hay trầm. tiếng Việt là tiếng đơn âm, nghĩa là mỗi tiếng chỉ có một âm, nhưng mỗi âm có nhiều thanh.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng tiếng Việt có 6 thanh, dựa vào các dấu: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng và không dấu. Thật ra tiếng Việt có những tiếng có 6  Thanh, nhưng cũng có những tiếng có đến 8 thanh. Vậy làm sao để phân biệt tiếng nào có 6 thanh và tiếng nào có 8 thanh?
Những tiếng có 6 thanh là những tiếng khi viết có một hay nhiều nguyên âm (voyelles) ở phía sau.
Ví dụ : tiếng “ ha”: có một nguyên âm a ở phía sau, do đó có 6 thanh: ha, há, hà, hả, hã và hạ
Những tiếng có 8 thanh là những tiếng khi viết có một hay nhiều phụ âm ( consonnes) ở phía sau.
Ví dụ: Tiếng “ hiên ” có một phụ âm n ở phía sau, do đó có 8 thanh: hiên, hiến, hiền, hiển, hiện, hiết và hiệt.
Có lẽ chúng ta cũng nên liệt kê 8 thanh trong tiếng Việt để cùng nhau nghiên cứu, ứng dụng khi sáng tác thơ Đường luật, hầu tránh được bệnh điệp thanh.
Tám thanh đó là:
1.    Phù bình thanh: những tiếng không có dấu
2.    Trầm bình thanh: những tiếng có dấu huyền
3.    Phù thượng thanh: những tiếng có dấu ngã
4.    Trầm thượng thanh: những tiếng có dấu hỏi
5.    Phù khứ thanh: những tiếng có dấu sắc
6.    Trầm khứ thanh: những tiếng có dấu nặng
7.    Phù nhập thanh: những tiếng có dấu sắc mà đằng sau có: c, ch, p, và t.
8.    Trầm nhập thanh: những tiếng có dấu nặng, mà đằng sau có: c, ch, p và t.
Bệnh điệp thanh: là bệnh trong một câu có hai tiếng cùng thanh với nhau.
Đối với bài thơ Thất ngôn: những tiếng thứ 4 và thứ 7 trong các câu có vần ( câu 1, 2, 4, 6 và 8) không được trùng thanh với nhau. Nghĩa là nếu chữ thứ 7 không dấu, thì chữ thứ 4 phải có dấu và ngược lại.
Thí dụ: Hoa nở xuân tươi ý mộng mơ
             Mai khoe xuân thắm những mong chờ
                          ( trích: Xuân thơ của Ng.M )
Trong hai câu thơ trên, câu đầu có chữ tươi và chữ mơ cùng không dấu, tức là cùng một thanh phù bình, làm câu thơ mất nhạc.
Nếu ta sửa lại: Hoa nở xuân cười ý mộng mơ. 
Câu thơ sẽ có nhạc vì không mắc bệnh điệp thanh
Cũng như vậy trong bài thơ ngũ ngôn, chữ thứ 5 và thứ 2 trong các câu có vần không được trùng thanh với nhau. Nghĩa là: nếu chữ thứ 5 không dấu, thì chữ thứ 2 phải có dấu hoặc ngược lại.
Thí dụ: Chia tay dạ thoáng đau
        ( trích : Lời cuối của HH)
Trong câu thơ trên, chữ thứ 2 (tay) và thứ 5 (đau) cùng không dấu, nghĩa là bị bệnh điệp thanh, do đó câu thơ không nhạc.
Nếu ta sửa lại: Chia tay dạ thoáng sầu
Câu thơ sẽ có nhạc và dễ đọc hơn nhiều.
Thường thì người sáng tác hay dễ mắc bệnh điệp thanh ở những trường hợp chữ thứ tư là thanh bằng, ( bài thất ngôn bát cú) song đối với những bài chữ thứ tư là thanh trắc, thì các bạn hãy chú ý chữ thứ 2 trong câu không nên trùng thanh với chữ thứ 7.
Ví dụ: Trăng nằm đáy nước, ánh trăng buồn. Chữ thứ 2 (nằm) và chữ thứ 7 (buồn) trong câu cùng dấu huyền do đó câu thơ đọc lên nghe âm nằng nặng, không nhẹ nhàng thanh thoát. song đây chỉ là một lỗi nhẹ, có thể bỏ qua.
3. ĐIỆP ÂM:
Âm là gì? Như trên đã nói, tiếng Việt là tiếng đơn âm,, nghĩa là mỗi tiếng chỉ có một âm, nhưng mỗi âm lại có nhiều thanh.
Ví dụ: Mai và khai : có cùng một âm ai
           Tranh và danh : có cùng một âm anh.  
Nhưng âm “ai ” lại có nhiều thanh: ai, ái, ài, ải, ãi, ại
Bệnh điệp âm: là bệnh trong một câu thơ chữ thứ 4 và thứ 7 ( thất ngôn), chữ thứ 2 và chữ thứ 5 (ngũ ngôn) có cùng một âm.
Ví dụ: mưa gởi niềm đau giữa mắt nhau
Câu thơ trên có hai từ đau và nhau cùng âm au. Như vậy là mắc bệnh điệp âm.
4. ĐIỆP VẬN:
Vận hay vần của một bài thơ Đường luật thường nằm ở những chữ cuối của các câu:1,2,4,6 và 8. Như vậy mỗi bài thơ Đường luật thường có 5 vần.
Bệnh điệp vần ( chữ Hán gọi là vận): là khi trong một bài thơ có hai vần trùng nhau.
Thí dụ: bài NÚI CÔ TIÊN của H.P
Cô tiên nằm xoãi ngắm mây trời
Mái tóc bồng bềnh lướt biển khơi
Cặp mắt mơ màng chan ánh sáng
Đôi chân mềm mại duỗi song đôi
Hai gò bồng đảo chờ trăng mộng
Nguồn suối đào nguyên đợi gió trời
Đời đã bao người dù gối mỏi
Thân gần run rẩy vẫn rong chơi.
Trong bài thơ trên có nhiều bệnh khác, song chúng ta chỉ xét đến bệnh điệp vần. Câu 1 và câu 6 cùng một vần Trời, như vậy là đã mắc bệnh điệp vận ( hay vần).
5. ĐIỆP Ý:
Thường những người khi mới tập làm thơ Đường luật, do cố cấu trúc hai cặp trang, luận sao cho có đối ngẫu, nên thường chẻ đôi ý tưởng, làm thành cặp câu, ví dụ: trai thanh / gái lịch, trong họ/ ngoài làng, Sớm trông/ chiều đợi … thay vì triển khai thành một câu, một số tác giả đã chẻ đôi ý tưởng thành hai câu:
Sớm trông vời vợi đầu phai sắc
Chiều đợi xa xăm tóc ngã màu.
Hai câu thơ trên chỉ một ý: chờ đợi ai đó đến bạc đầu. nghĩa gom lại chỉ cần một câu là đủ: sớm trông, chiều đợi đầu phai sắc… và câu thứ hai phải tìm một ý tưởng khác để hoàn thành cặp đối, như vậy mới không mắc bệnh điệp ý, hay người ta còn gọi là bệnh nứa bổ, chẻ tre …
6. ĐIỆP THANH VẬN:
Tiết tấu của một bài thơ Đường luật vốn đã được nghiên cứu từ sự bỗng trầm của âm nhạc, có thăng, có trầm. Một câu cao, một câu thấp … lên xuống nhịp nhàng, do vậy nếu người sáng tác chịu khó vận dụng đúng tiết tấu qui định, bài thơ Đường luật đọc lên sẽ rất êm ái, nhẹ nhàng.
Thế nào là điệp thanh vận? bài thơ đường luật có 5 vần. Theo qui luật tiết tấu người sáng tác nên gieo một vần phù bình thanh, tiếp một vần trầm bình thanh, nghĩa là một vần không dấu và một vần dấu huyền, cứ như thế chen kẻ đến hết 5 vần, nếu người sáng tác gieo liên tiếp hai, ba thậm chí cả năm vần đều một thanh ( cùng không dấu hay cùng dấu huyền) sẽ mắc bệnh điệp thanh vận.   
7. PHẠM ĐỀ HAY MẠ ĐỀ:
Theo sách của Lạc Nam thì lỗi Mạ đề hay Phạm đề được qui định: Từ câu 3 đến câu 8 của bài thơ không được dùng lại từ đã dùng ở đầu đề. Ví dụ : đầu đề bài thơ là NHỚ NHÀ, thì từ câu 3 đến câu 8 của bài thơ không được dùng lại hai từ “Nhớ nhà” nữa.
Theo một số tài liệu khác và nhiều người sáng tác lâu năm, cặp trạng, luận vốn được xem là xương sống của bài thơ, do đó để tránh lỗi Mạ đề hay Phạm đề, chỉ cần không lập lại từ đã dùng ở đầu đề trong bốn câu trạng luận, nghĩa là từ câu 3 đến câu 6 là đủ.
Bệnh thì nhiều, song số trang có hạn, vã lại cũng chỉ nên chú ý đến một số căn bệnh chủ yếu có thể làm mất đi giá trị của bài thơ về tính thẩm mỹ thôi.
Điều cuối cùng người viết muốn bày tỏ cùng các bạn, đó là: luật là luật, song ý tình bài thơ vẫn là điều quan trọng nhất. Nếu chỉ vì tránh lỗi mà làm cho bài thơ khô cứng, nghèo nàn ý tình thì cũng không nên, chẳng hạn như: để tránh lỗi điệp tự, người sáng tác cố tìm một từ khác để thay thế: ví dụ: tổ quốc thế cho non sông, như thế chẳng phải tránh một lỗi này lại sa vào một lỗi khác là nghèo ý hay sao?
Một bài thơ Đường luật hoàn hảo, phải là một bài thơ giàu ý, khéo lời, và không mắc bệnh.
Chúc các bạn sáng tác thành công.
                                                                     HT

LÊ ĐĂNG MÀNH -THU BUỒN !


BÀI XƯỚNG:
THU BUỒN !
              Thỉnh họa

Ve theo gót hạ bỏ đi rồi
Tam hữu * lay tùng dậy lả lơi
Quạnh quẽ cuốc gom lời khắc khoải
Cô liêu nước dợn sóng xa vời
Phù sa còn bện đường tan tác
Tang hải sẽ dầm lối tả tơi
Trời đất ném thu phần ảm đạm
Thêm mùa li biệt tội tình ơi !...! 

                                Lê Đăng Mành
*Tuế hàn tam hữu (Ba bạn hữu trong gió rét)

BÀI HỌA:
TÌNH THU

Theo hạ mà đi - mấy chục rồi!
Tình thu dào dạt có nào lơi  
Sông đây gợn sóng xanh sâu thẳm
Trời ấy giăng mây biếc vợi vời
Gió vẫn lanh quanh hàng phượng vĩ
Mưa còn thấm tháp dậu mồng tơi
Nhìn qua nhớ cảnh xuân xanh ấy
Mình đã già mau ới hỡi ơi!

                       Trương Văn Lũy
ĐÓN THU

Thu đến Hạ tàn  Bướm lả lơi
Hoa tàn Phượng vĩ  cánh rơi  rồi
Trời xanh gió nhẹ  tâm thanh thản
Bạn mến  thơ hay   trí tuyệt vời
Xướng họa  giao lưu  vui bản nhạc
Chuyện trò  trao đổi   giảm buồn tơi
Sum vầy múa hát chưa từng thấy
Rộn rã một vùng tiếng ý ơi !

                          Hồ Hắc Hải -P4-Q8

THÊM XUÂN MỚI

Đã lại mùa xuân mới nữa rồi
Bảy mươi xướng họa chửa nào  Lơi
Hương nồng, cỏ thắm thêm dào dạt
Tóc bạc, đầu xanh chẳng cách vời
Huyết nóng không màng cây kẹo ngọt
Răng mềm những chuộng khóm mồng tơi
Dầu khi bận rộn hay mưa nắng
Thoảng gọi thưa liền bạn hữu ơi

 
    31-7-2014
Phạm Duy Lương Hà Tĩnh

TUẾ HÀN TAM HỮU
(Tùng, Trúc, Mai)
              
Cuốc đã hao hơi vãn hạ rồi
MAI đà xuống tóc hết buông lơi
Hồ loang vỗ sóng nên kỳ diệu
Trời nặng vần mây cũng tuyệt vời
Gió rớt thu buồn TÙNG chẳng áo
Mưa dầm đông buốt TRÚC nào tơi
Nhân duyên linh mộc từ thiên cổ
Cốt cách tinh thần bạn hữu ơi .
               Phan Tự Trí Biên Hòa
SỐNG VAY!
Mê vọng bao năm nay tỉnh rồi
Đời bao lăm nữa để buông lơi
Tấm thân vô ngã đang hư hoại
Hình tướng hảo huyền cũng rụng rơi
Mai biệt dương trần trơ trụi nút
Mốt về âm phủ có chi tơi
Khi ra tay trắng vào tay trắng
Sinh trái tử hoàn* hết bạn ơi

                        Trần Ngộ Lâm Đồng
*sống vay chết trả

THU BUỒN!

Nắng hạ chói chang đã nhạt rồi
Nhạc ve hoà tấu cũng buông lơi
Gió thu se lạnh như mơn trớn
Bông cúc ấm êm tựa muốn vời
Trời vút lên cao còn đắm đuối
Sóng lăn xòe rộng vẫn mê tơi
Không gian nhuộm một màu vàng rực
Gợi buồn man mác tứ thơ ơi!

            Lê Trường Hưởng Hà Nội


VÀO THU

Phượng tàn, ve lặng tiếng kêu rồi
Trời bớt oi nồng, nắng đã lơi
Thổn thức cô nhi lòng luyến nhớ
Bâng khuâng thiếu phụ mắt trông vời
Cúc vàng bên giậu vừa chum chím
Lá úa ngoài hiên đã rách tơi
Rả rích mưa đêm buồn áo não
Nỗi niềm có thấu hỡi người ơi ?!
                          Sông Thu


THU BUỒN!

Bằng lăng tím ngát hết mùa rồi
Ảm đạm thu về bóng ngả lơi.
Lỗi hẹn cùng ai vai sánh bước
Buồn tình lẽ bạn mắt trông vời.
Bờ hồ lối cũ lòng xao xuyến
Ghế đá ngày xưa mộng rã tơi.
Đã mấy mùa sang bao lá rụng
Trăng tròn vẫn sáng, hởi thu ơi!

                            Hải Rừng
                             31/7/2014


       THU CẢM
                          Phụng họa 


          Tiễn hạ ve ngân -Thu liễm rồi !

          Đông tàng dưỡng tánh đón vàng rơi

          Chiều buồn cuốc lẻ sầu than vãn

          Đêm lạnh sương loang gió vẽ vời

          Rặng trúc ngăn phong, chờ bảo táp

          Đồng sâu tiểu mãn, đón bùn tơi

          Âm thầm trời đất ban nguồn sống

          Sinh, trưởng, liễm, tàng. Thế thái ơi !

                                          Lê Văn Thanh

 CẢNH THU ĐÔNG NAM BỘ

Ve thôi réo rắt hạ qua rồi
 Bàng bạc mây trời bay lẳng lơi
Tháng tám vầng trăng soi sáng lạng
Trung thu ánh nguyệt ngóng cao vời
Giai nhân tha thướt nghiêng vành nón
 Mặc khách điệu đàng khoác áo tơi
Thăm thú miền nam nhiều cảnh đẹp
 Mặc cho mưa nắng bạn mình ơi!
                     Hồ Trọng Trí Bà Rịa


THU BUỒN   

Sen tàn dẫn hạ nóng bay rồi
Trông mãi nàng May chẳng phút lơi
Nhớ đến làng xưa lòng trắc ẩn
Dõi về đất cũ mắt trông vời.
Thu ngoài ngõ đó hoa đua thắm
Thu giữa dạ này ruột sắp tơi.
Những muốn phân thân về gốc khế
Bên mồ quỳ gối , phận mình ơi !

                  Trần Như Tùng Phú Thọ


                                                                  Ảnh Quê Nhà
                                                                           Ảnh net

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

PHẠM DUY LƯƠNG

         
BÀI XƯỚNG
                                        ÁNH TRĂNG KHUYA

Trước sảnh trăng lồng , thoảng dạ hương
Tình chan mặc khách giữa vô thường
Đàn khuya thả tiếng trong như ngọc
Gió nhẹ lay cành sáng tựa gương
Chuốt rạng vần thơ trao bạn quý
Ươm nồng nốt nhạc gửi người thương
Trời đêm  tĩnh mịch thanh bình quá
Ngó tới vừng đông đã ửng hường

                              Phạm Duy Lương 
BÀI HỌA:

          Tắm Trăng
                         (Phụng họa)

Trăng ngà bàng bạc. Dạ lan hương
lóng lánh sương khuya đẹp dị thường
Gió thoảng mơn man, thơ lộng tứ
Mắt ai đắm đuối, bóng lồng gương
Thanh trà mượn chén mời thi khách
Tình tứ rót lời dấu ái thương
thời gian - khoảng cách như gần lại
Rạo rực đôi môi ấm rượu hồng (*)

                             Lê Văn Thanh
                                                 (*)- Hồng đào mĩ tửu dạ quang bôi
 
TRĂNG BÁT NHÃ!

Tâm nguyệt chan hòa dịu sắc hương
Giữa vô thường rạng ánh chơn thường
Liễu phi tướng- chẳng cần lưu dấu
Quán bất thân -nào thiết chiếu gương*
Sách tấn đường mê đâu phải ghét
Chỉ bày lối ngộ đúng là thương
Từ bi mạng mạch chăm nguồn đạo
Bát nhã trăng lan tuệ giác hường!

                       Lê Đăng Mành
*Lời Lục Tổ

DƯỚI TRĂNG NON

Thoang thoảng bên hồ thiên lí hương
Trăng chưa đầy đặn chiếu không thường.
Thiên nga thong thả vui lòng trẻ
Sóng nước long lanh gợn mặt gương.
Du khách âm thầm vương nhớ nhớ
Qua lời da diết lý thương thương.
Trong làn sáng ảo mây tinh nghịch
Duy vậy môi em vẫn cứ hường .

                           Trần Như Tùng
                                  Duu Lau- Viet Tri- Phu Tho
 


GIẬN THƯƠNG

Hờn giận nhau rồi mới quý thương
Khi còn bổi hổi mãi làn hương
Tóc xanh ngày ấy chưa phai trắng
Má phấn giờ đây vẫn ửng hường
Nhân nghĩa khôn tìm nên quý trọng
Tình yêu khó dệt chẳng xem thường
Ngược Lường(*) nay hãy về chung lối
Nào thẹn khi mình đứng trước gương.

                                     Phan Tự Trí
(*) Giận thương - Dân ca Nghệ Tĩnh:
“… Bởi thương anh nên em bàn với mẹ:
Phải ngăn anh không đi chuyến ngược Lường.
Giận thì giận, mà thương càng thương…” 


NHỚ CỐ HƯƠNG

Có phải trời ban - chỗ cố hương!
Để ta lưu luyến giữa đời thường
Lắng nghe vô số điều hư thực
Chiêm ngưỡng muôn vàn những tấm gương
Bát ngát mây ngàn tràn nỗi nhớ
Mênh mông sông nước ngập tình thương
Gởi niềm tâm sự ra ngoài ấy
Trăng gió về theo ửng sắc hường!

                                Trương Văn Lũy 


VỌNG NGUYỆT

Gió nhẹ chan hòa dạ lý hương
Tao nhân thưởng nguyệt điêu Nghê thường
Ánh trăng lơi lẳng vờn mây núi
Tấc dạ u hoài biếng lược gương
Tứ lộng vần gieo gom nỗi nhớ
Thơ tuôn dệt khúc dậy niềm thương
Canh trường thaothức hồn ngây dại
Thi hứng thăng hoa lộng dáng hường.
                             Hồ Trọng Trí


                     
                    CÂU TRĂNG

            TRĂNG QUÊ NHÀ        
                                      

























                                 

Ảnh LĐM

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

PHAN TỰ TRÍ !



BÀI XƯỚNG :          

NHỚ ƠN CHA!

Vài trăm cân lúa gán căn nhà*
Hậu thế muôn đời nhớ đức Cha
Đói bụng nuôi con- con hiển đạt
Giàu lòng dạy cháu - cháu tài ba**
Đầy kho vàng***chẳng nên hình Cuội
Một cuốn sách hằng tỏa bóng Nga
Càng thấm trang đời người chỉ bảo
Khó nghèo đừng tối ánh danh gia.

                     Phan Tự Trí Biên Hòa

* Thời đói khổ, cha tôi từng bán cả căn nhà mít 3 gian để nuôi 6 chị em tôi ăn học nên người.

** Câu đối cha tôi viết cho con cháu

*** Cha tôi thường dẫn “tam tự kinh” ( sách 3 chữ ) làm phương châm nuôi dạy con cháu:

              “ …Nhân dưỡng tử

              Kim mãn dinh

Ngã giáo tử

Duy nhất kinh…”

BÀI HỌA

YÊN GIA!

Nhờ ơn giáo dưỡng xứng con nhà
Hiếu tử soi đời nối nghiệp cha
Nhiều lúc chống chèo luồn bão tố
Lắm khi lèo lái vượt phong ba
Tiền nhân khí phách lay Âu Á
Hậu bối tinh thần động Nhật Nga
Nền nếp giống nòi do nguồn cội
Nhớ bài trị Quốc bởi yên gia

                            Lê Đăng Mành 
 
THÊM NHỚ CHA!

Giữ nước tiên phong hiên cửa nhà
Theo đường chiến sỹ,tiếp ông cha
Trung,Nam ải Bắc gìn nên một
 Nhật,Pháp ô Tàu đuổi cả ba
Giữa kiếp nông nghèo tường nếp, tẻ
 Bên dòng chữ đẹp rọi Nho,Nga
Người về đỉnh núi chim bay thỏa
Vững ngọn đèn hồng rạng thế gia

                          Phạm Duy Lương


BỐ EM

Bố em làm việc ở gần nhà
Hạnh phúc biết bao được cạnh cha.
Đưa đón học hành vào loại nhất
Uống ăn giải trí xếp hàng ba.
Vâng lời hướng tới đời long phụng
Quyết chí xua tàn kiếp ngỗng nga.
Đẹp ý Người đi cùng nghi mát
Mỗi lần tắm biển nhộn toàn gia .
                              Trần Như Tùng
                    Viet Tri- Phú Th


              
                         


Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Trần Như Tùng- Phan Tự Trí/TRANG THƠ THI HỮU!


 
                                        TRỰC CHỈ NHÂN TÂM !...

TỔ SƯ BỒ ĐỀ ĐẠT MA

Sừng sững Thiếu Lâm một vách trời

Hồ Tăng bích nhãn quán ngàn nơi.

Công hầu khanh tướng như rơm rác

Danh lợi phồn hoa chẳng lỗ lời

Mặt ngoảnh chín năm vào quạnh vắng

Tình chan muôn kiếp ắp xa khơi.

Cọng lau ném xuống Trường Giang ấy

Đã tải Phật tâm cuộc hoá đời.

                            Phan Tự Trí –
                       Biên Hoà , Đồng Nai
 


ĐẸP TUỔI SÁU BA

Ơi bạn sáu ba đậm sắt son

Tình nhà nghĩa nước sớm vuông tròn.

Một duyên hai phận vào công việc

Năm nắng mười mưa vượt núi non.

Chữ đức từng neo càng rực sáng

Đôi chân còn dẻo dẫu hơi mòn.

Thơ đường vững bước thênh thang lộ

Đã lớn lên từ những cỏn con !

                          Trần Như Tùng
                            Duu Lau- Viet Tri- Phu Tho
              
TỰ TẠI
Lục tổ Huệ Năng đã dạy thiền 

Sự đời buông xả cứ diên nhiên. 

Tào Khê thơm thoảng ly trà tịnh, 

Linh Thứu vô ưu nhóm sự hiền. 

Giác ngộ phong quang đường tu tập, 

U mê tăm tối mối lương duyên 

Pháp tu chứng đắc bao tiền kiếp

Lục tổ Huệ Năng đã dạy thiền .

                                                           Phan Tự Trí –
                                                    Biên Hoà , Đồng Nai