THÔI TA GIÃ PHỐ TÌM QUÊ,THỎNG TAY BUÔNG BỎ NHIÊU KHÊ LỤY PHIỀN.THÀ VỀ GỐI GIẤC CÔ MIÊN ,TIÊU DAO ĐÙA GIỠN CÕI MIỀN NGUYÊN SƠ!CÁM ƠN CÁC BẠN GHÉ THĂM VÀ GHI CẢM NHẬN!

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

CUNG


Inline image
THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH
CUNG
CUNG là Cung Tên, CUNG là Cung Điện, CUNG là Cung Đàn. Ta sẽ lần lượt điểm qua các thứ CUNG nầy trong văn học cổ của Việt Nam ta.
CUNG , chữ Nho còn gọi là HỒ , với từ TANG HỒ 桑弧 là Cây cung làm bằng gỗ cây dâu (Tang là Cây dâu tằm ăn), nên trong văn học cổ ta có từ CUNG DÂU, như hai câu thơ trong truyện Nôm Phan Trần sau đây :
Tới tuần hội cả đua nhau,
Bút nghiên phỉ chí CUNG DÂU hằng nguyền.
CUNG DÂU thường được bắn bằng tên làm bằng đường xương sống của cọng cỏ bồng, gọi là BỒNG THỈ 蓬矢 (THỈ đồng nghĩa với TIỂN là Mũi Tên), nên ta lại có thành ngữ TANG HỒ BỒNG THỈ 桑弧蓬矢 (Cung bằng cành dâu, tên bằng cỏ bồng). Thành ngữ nầy thường bị đọc trại thành HỒ THỈ TANG BỒNG hay TANG BỒNG HỒ THỈ như trong bài hát nói "Nợ Nam Nhi" của cụ Nguyễn Công Trứ :
TANG BỒNG HỒ THỈ nam nhi trái
Cái công danh là cái nợ lần
Theo sách Lễ Ký-Xạ Nghĩa hữu vân :"Cố nam tử sanh, tang hồ bồng thỉ lục, dĩ xạ thiên địa tứ phương giả, nam tử chi sở hữu sự dã.《礼记.射义》有云:故男子生,桑弧蓬矢六,以射天地四方,天地四方者,男子之所有事也。” Có nghĩa : vì thế khi đẻ con trai, thì dùng cung bằng cây dâu, tên bằng cỏ bồng bắn đi bốn phương, bắn lên trời xuống đất nữa là sáu hướng, những nơi mà kẻ làm trai phải tạo dựng nên sự nghiệp". Ý muốn tỏ rõ là Làm trai phải chí ở bốn phương, sau dùng để khuyến khích làm trai phải có chí lớn để tạo dựng nên sự nghiệp.
TANG BỒNG HỒ THỈ còn được gọi tắt là TANG BỒNG như hai câu thơ bảy chữ cũng trong bài hát nói trên là :
Cũng rắp điền viên vui tuế nguyệt
Trót đem thân thế hẹn TANG BỒNG.
Hay như trong bài "Chí Nam Nhi" cũng của cụ Nguyễn Công Trứ :
Đố kị sá chi con Tạo,
Nợ TANG BỒNG quyết trả cho xong.
TANG HỒ BỒNG THỈ 桑弧蓬矢.
Cung tên để tạo dựng nên sự nghiệp, nhưng khi đã công thành danh toại, thì cung tên thường bị xếp xó bỏ quên như thành ngữ ĐIỂU TẬN CUNG TÀNG 鳥盡弓藏,  có nghĩa : Khi chim đã hết thì cung cũng được cất lên. Theo tích sau đây :
Theo Thuyết Lâm Huấn của sách Hoài Nam Tử có câu : "Giaỏ thố đắc nhi lạp khuyển phanh, cao điểu tận nhi cường nỗ tàng 狡兔得而猎犬烹,高鸟尽而强弩藏". Có nghĩa : " Khi những con thỏ khôn lanh đã bị bắt, thì con chó săn bị đem đi nấu thịt cầy; Khi các con chim bay cao bị bắn hạ hết thì cây cung mạnh cũng bị đem đi cất lại". Theo sách Sử Ký, Việt Vương Câu Tiễn Thế Gia《史记·越王勾践世家》thì Phạm Lãi 范蠡 là mưu thần đồng thời cũng là tướng giỏi của Việt Vương Câu Tiễn, ông đã giúp cho Câu Tiễn phục thù và tiêu diệt nước Ngô, xưng bá trung nguyên. Nhưng ông cũng biết rằng Việt Vương Câu Tiễn là người chỉ cùng chung hoạn nạn chứ không thể cùng chung phú qúy được. Để tránh cảnh thỏ hết thì chó săn bị giết, chim hết thì cung bị treo lên, nên ông đã từ quan mà vào đất Ngũ Hồ để kinh thương và đã trở thành một thương gia giàu có, đổi tên là Đào Chu Công. Tương truyền là ông cũng đã dắt theo nàng Tây Thi xinh đẹp để vào đất Ngũ Hồ cùng sống cảnh vinh hoa phú qúy an hưởng tuổi già. Nên...
Câu thành ngữ ĐIỂU TẬN CUNG TÀNG 鳥盡弓藏, ngày xưa dùng để chỉ khi đế nghiệp đã đạt thành thì các vua chúa hay giết hại công thần; Ngày nay cũng dùng để chỉ khi việc gì đó đã thành công rồi, thì quên hết những người trước kia đã từng ra sức giúp đỡ. Trong văn học cổ của ta gọi là CUNG ĐIỂU CA, như trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập của vua Lê Thánh Tông có câu :
Cổ Kỳ vai ấy còn rành rạnh,
CUNG ĐIỂU CA đâu khéo tỏ tường.
CUNG cũng thường đi liền với KIẾM để chỉ về nghề võ hoặc những người theo võ nghiệp như trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều :
Làng CUNG KIẾM rắp ranh bắn sẻ,
Khách công hầu ngắm nghé mong sao.
Còn trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du thì khi Bạc Bà ép Thúy Kiều lấy Bạc Hạnh, nàng đã tỏ lời e ngại dè chừng rằng :
Thiếp như con én lạc đàn,
Phải tên giờ đã sợ làn cây cong.
Hai câu thơ trên lấy ý ở câu KINH CUNG CHI ĐIỂU KIẾN KHÚC MỘC NHI CAO PHI 驚弓之鳥見曲木而高飛. Có nghĩa : Con chim sợ cung (vì bị tên bắn hụt một lần rồi), cho nên thấy làn cây cong (giống như cây cung) bèn sợ mà bay cao lên.
CUNG còn là Cung Điện 宮殿. Cái cung điện nổi tiếng đầu tiên ngày xưa là A PHÒNG CUNG 阿房宮 do Tần Thủy Hoàng sau khi đã gồm thâu lục quốc muốn phô trương thanh thế mà xây nên (212 trước Công nguyên, năm Tần Thủy Hoàng thứ 35). Khi Hạng Võ Sở Bá Vương đem quân đánh chiếm kinh đô Hàm Dương đã cho đốt cung A Phòng. Tương truyền ngọn lửa cháy đến ba tháng mới tắt.
Trong văn học cổ ta gọi cung A Phòng là CUNG A, như trong "Tần Cung Nữ Oán Bái Công Văn" của Đặng Trần Thường ở cuối đời Lê đầu đời Nguyễn là :
Sương tỏa CUNG A,
Mây lồng đồn Bá.
Có nghĩa :
Các cung nữ đương ở trong cung A Phòng vắng  vẻ vì Bái Công đến đóng đô tại đồn Bá Thượng.
Ngoài CUNG A ra, trong bài phú trên cụ Đặng còn đề cập đến tên của một CUNG nữa là CUNG VỊ THỦY là các cung điện nằm dọc theo bờ sông Vị ở Hàm Dương, cũng được xây dựng vào đời Tần :
CUNG VỊ THỦY lúc nỉ non tiếng dế, trướng thu phong lạt bậc quản huyền xưa,
Cửa Hàm Quan khi chói lói ngọn đào, rèm tà nguyệt ố màu la ỷ cũ.
"Thời lai phong tống Đằng Vương Các 時來風送藤王閣" là "Khi thời vận đến thì gió sẽ đưa đến Gác Đằng Vương" theo tích của người đứng đầu Tứ Kiệt đời Sơ Đường là Vương Bột. Cụ Nguyễn Du đã mượn tích nầy để nói về tình duyên thuận lợi của Hoạn Thư và Thúc Sinh trong Truyện Kiều như sau :
DUYÊN ĐẰNG thuận nẽo gió đưa,
Cùng chàng kết tóc se tơ những ngày.
Nhưng, Phạm Thái 範泰 (1777-1813), một danh sĩ ở cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19 của ta, không gọi là GÁC ĐẰNG, cũng không gọi là DUYÊN ĐẰNG, mà gọi là CUNG ĐẰNG trong "Sơ Kính Tân Trang" như  sau đây :
Bây giờ mượn gió CUNG ĐẰNG,
Vì duyên đưa mối xích thằng lại đây.
Trong văn học cổ ta còn gặp rất nhiều CUNG không có thật trên đời như CUNG QUẾ, CUNG QUẢNG, CUNG THIỀM, CUNG NGAO LẦU THẬN ...
-CUNG QUẾ là QUẾ CUNG 桂宮 : Tên cung điện do Hán Vũ Đế năm thứ tư (101 trước Công Nguyên) xây nên, nằm ở tây bắc của thành phố Tây An tỉnh Thiểm Tây hiện nay; cũng là tên của cung điện của Trần Hậu Chúa ở Nam Triều xây cho người đẹp Trương Lệ Hoa ở. Nhưng trong văn học cổ của Việt Nam ta CUNG QUẾ chỉ có nghĩa là CUNG TRĂNG mà thôi, như trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ông Như Hầu Nguyễn Gia Thiều viết về nàng cung nữ thất sủng :
Trong CUNG QUẾ âm thầm chiếc bóng,
Đêm năm canh trông ngóng lần lần.
...hay như trong bài "Muốn làm thằng Cuội" của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu :
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nữa rồi.
CUNG QUẾ đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
- CUNG QUẢNG là QUẢNG HÀN CUNG 廣寒宮 : Theo thần thoại Trung Hoa là tên của một cung điện trên mặt trăng, nơi mà Hằng Nga ở, như trong Truyện Kiều khi tả Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư, Thúy Kiều ở lại một mình đã buồn cho số phân " Sắn bìm chút phận con con" của mình mà than vãn :
Thân sao nhiều nỗi bất bằng,
Liều như CUNG QUẢNG ả Hằng nghĩ nao!
- CUNG THIỀM là THIỀM CUNG 蟾宮 : Cũng như CUNG QUẾ, CUNG QUẢNG, CUNG THIỀM cũng dùng để chỉ NGUYỆT CUNG là Mặt Trăng, vì theo thần thoại Trung Hoa xưa trên mặt trăng có con Cóc ba chân gọi là Thiềm Thừ 蟾蜍. Trong văn học cổ của ta thường dùng để chỉ mặt trăng hay chỗ ở của người đẹp, như trong truyện thơ Nôm Lưu Nữ Tướng :
CUNG THIỀM bóng đã cao giơ,
Mãi vui bẻ quế ngại thưa thớt nhàn.
... hay như trong truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện cũng có câu :
Kêu thương tiếng nhạn lay thềm,
Phong thư gửi đến CUNG THIỀM được không ?!
CUNG NGAO LẦU THẬN là HẢI THỊ THẬN LÂU 海市蜃樓. NGAO là một loại rùa biển lớn có thể đội cả một hòn đảo lớn trên lưng; THẬN là một loại rồng biển như giao long. Theo Sử Ký-Thiên Quan Thư 史记·天官书 : Con thận trên biển thở hơi có thể kết thành những lâu đài thành quách, núi non sông nước, cảnh vật con người hiện lên trên bầu trời của khoảng không mênh mông trên mặt biển. Vì là cảnh ảo nên rất dễ mất đi. Theo khoa khí tượng học hiện nay thì đó là do hiện tượng quang học bức xạ phản chiếu trong thiên nhiên mà tạo nên những ảnh ảo ở những khoảng không trên biển, trên sa mạc hoặc nơi đồng không mông quạnh. Trong văn học cổ ta gọi là CUNG NGAO LẦU THẬN như trong bài "Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh" (1874) của cụ Nguyễn Đình Chiểu có câu :
Người lạc phách theo miền giang hải, CUNG NGAO LẦU THẬN, dành một câu thân thế phù trầm;
Kẻ du hồn ở cõi sơn lâm, lũy kiến đồn ong, còn bốn chữ "âm dung phảng phất".
HẢI THỊ THẬN LÂU 海市蜃樓 : CUNG NGAO LẦU THẬN    
CUNG còn là cung bậc đứng đầu ngũ âm trong âm nhạc cổ điển là CUNG, THƯƠNG, GIỐC, TRỦY, VŨ 宮商角徵羽. Trong văn học cổ ta hay gặp từ kép CUNG THƯƠNG 宮商 là hai âm đầu trong ngũ âm đi liền nhau để chỉ âm nhạc, như trong truyện Tây Sương Ký :
Vườn hoa đợi lúc thiên lương,
Đêm thanh lựa tiếng CUNG THƯƠNG một bài.
Khi diễn tả tài đàn giỏi của Thúy Kiều, cụ Nguyễn Du cũng đã hạ câu :
CUNG THƯƠNG làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một chương.
Ngoài CUNG THƯƠNG ta còn gặp CUNG CẦM là Cung Đàn như khi nàng Kiều ở lầu xanh :
...Đòi phen nét vẽ câu thơ,
CUNG CẦM trong nguyệt nước cờ dưới hoa.
Vui là vui gượng kẻo là,
Tri âm ai đó mặn mà với ai ?!
Inline image
...hay như khi Thúy Kiều phân bua với Hồ Tôn Hiến lúc "Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu" và đã " Hỏi rằng này khúc ở đâu, Nghe ra muôn thảm nghìn sầu lắm thay ?" Thúy Kiều đã đáp :
Thưa rằng : Bạc mệnh khúc này,
Phổ vào đàn ấy từ ngày còn thơ.
CUNG CẦM lựa những ngày xưa,
Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây !
Xin được kết thúc các CUNG ở đây. Hẹn bài viết tới !
Đỗ Chiêu Đức
NGUỒN ĐĂNG TỪ Email: chieuduc15@yahoo.com

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

LẪN TRONG NHAU



LẪN TRONG NHAU
Khổ đau là bạn an vui
An vui đích thực không rời khổ đau
Thong dong ngay giữa cõi sầu
Niết Bàn chung một nhịp cầu thế gian.

Trong mưa có giọt nắng vàng
Nơi bùn thoang thoảng.. mơ màng hương sen
Giữa ngày nghiêng bóng màn đêm
Canh khuya chợp mắt, nắng lên ngập hồn.

Sau niềm vui có nỗi buồn
Trong tù ngục thấy con đường thoát ly .
Nơi dung nhan tuổi xuân thì
Có đôi mắt Mẹ xếp li buổi chiều.

Ghét người, bởi chính vì Yêu
Yêu bao nhiêu Hận bấy nhiêu cũng là..
Trong chùa có cả ta bà
Trong ta bà ẩn một toà Như Lai.

Nơi điều '' nghịch ý trái tai ''
Lặng mà nghe - tỏ một bài Pháp âm.
À ơi, dưới võng con nằm
Cũng là giấc ngủ ngàn năm đi về...

Trong phiền não có Bồ đề
Dạt dào sóng gợn.. bốn bề đại dương.
Ngay tim ta có tình thương
Thương như lưới cá - tơ vương.. nhọc mình!

Trong sinh tử gặp Vô sinh
Bên đời huyên náo lặng thinh Phật ngồi.
Trong ta có cả vạn đời
Lặng yên.. tràn ngập đất trời xưa, sau..
Như Nhiên- ThíchTánhTuệ
KÍNH HỌA
TRONG KHỔ ẨN NIỀM VUI
Lẫn trong đau khổ...có vui
Hết vui rồi cũng đến hồi đớn đau
Chi bằng chen giữa nỗi sầu
Loé chân hạnh phúc bắc cầu nhân gian

Sau mưa trời lại ánh vàng
Trong bùn cũng có...ẩn tàng mùi sen
Giữa ngày nào váng bóng đêm
Giữa khuya an giấc trăng lên ru hồn

Đôi khi vui có lẫn buồn
Sau lần sum hợp tới đường chia ly
Vào Xuân tuổi độ đang thì
Nhìn trong mắt Mẹ xụp mi ráng chiều

Giận người cũng bởi tiếng yêu
Có yêu có giận...bao nhiêu mới là...
cõi người đâu cũng Ta Bà
Không riêng chùa mới có “ toà Như Lai”!

Nghe không hợp lý nghịch tai
Vậy mà thấy...rõ ấy bài thuyết âm
Giảng rao mùng một ngày rằm
Nghe lời Phật pháp trăm năm thì về...

Lần tay niệm chuỗi Bồ Đề
Xua tan lục dục ...vỗ về linh dương
Buồng tim đầy ấp yêu thương
Đem bạn nhân thế ,không vương vấn mình

Con đường sinh tử vô minh
Cửa Thiền ngồi lặng nín thinh suy đời
Trong ta đã có triệu người
Tưởng về Phật đạo thuở trời xa xưa...
songquang
NGUỒN ĐĂNG TỪ Email : thichtanhtue@yahoo.com

PHÁP THOẠI



Khi ai đó bỏ một nhúm muối vào cuộc đời bạn ..
Có một người đau khổ tìm đến tham vấn vị Thiền Sư :
-Kính bạch Ngài, đời con khổ quá, khổ đeo đuổi con như một
kẻ ''chạy trời không khỏi nắng ''? Làm cách để đời con hết
khổ, cuộc đời chỉ có một màu hạnh phúc mà thôi ?
- Này nhé! Bây giờ ông ra chợ mua một trái Thanh Long,
ăn cho hết trái đó, với điều kiện là chỉ ăn phần thịt và
phun hết hạt của nó ra, thì ông sẽ hết khổ.
***
.. Bạn biết không, khổ đau trong cuộc đời này giống như
muối vậy. Số lượng muối luôn giữ nguyên, chẳng hề thay đổi.
Nhưng khối lượng khổ đau chúng ta phải thọ nhận còn
phụ thuộc vào chiếc “bình chứa” của nó. Vậy nên, khi ta
đau khổ, điều duy nhất con nên làm là mở rộng tầm nhìn
của con ra. Đừng an phận làm một ly nước, hãy trở thành
một hồ nước hay một dòng sông hòa tan mọi hết đau đớn
trong cuộc đời này”.
Đúng như lời những vị thiền sư nói, mỗi con người trong
đời đều phải trải qua nhiều khó khăn hay đau đớn nhưng
quan trọng là cách chúng ta nhìn nhận vấn đề. Nhìn xa hơn
một chút, có lẽ chúng ta sẽ nhận thấy được nhiều điều tích
cực và rồi nhận ra đớn đau hay gian khó cũng chẳng hề gì,
ta vẫn có thể vui vẻ, hạnh phúc nếu ta thực sự muốn.
Vấn đề như thế nào không quan trọng, điều tất yếu là
ta chọn cách đối mặt với nó ra sao.
Bạn chọn trở thành một ly nước hay cả một hồ nước?
Mỗi khi bạn cảm thấy buồn phiền hay chán nản, cảm thấy
cuộc sống mình không hạnh phúc, không như mong đợi
thì hãy nhớ lấy điều này: “Một nhúm muối nếu bỏ vào
một cốc nước, cốc nước ấy có thể không còn uống được,
nhưng nếu được bỏ vào một hồ nước thì nguồn nước
ấy vẫn trong ngọt.
Vì thế, vấn đề không chỉ đơn thuần là có hay không có một
ai đó bỏ một nhúm muối vào cuộc đời bạn, mà còn là ở:
trái tim bạn là một hồ nước lớn hay chỉ là một cốc nước
nhỏ bé?”.
'' Cuộc đời khổ 1 phần tư
Ba phần còn lại, khổ từ chính ta.
Ta là Phật, cũng là Ma
Ma nhiều hơn Phật- Đời là khổ đau!!''
Như Nhiên TTT
NGUỒN ĐĂNG TỪ Email : thichtanhtue@yahoo.com

TRĂNG NHỚ VƯỜN XƯA



TRĂNG NHỚ VƯỜN XƯA (*)
Trăng nhớ vườn xưa, ta nhớ người
Một mùa thu cũ lạnh lùng trôi.!
Bút còn đọng mực mơ lòng giấy,
Đàn vẫn so giây vắng phím đời.
Dâu bể đã đành dâu bể vậy,
Hợp tan dù phải hợp tan thôi !
Bao giờ bạn nhỉ, vui tao ngộ ?
Tiếp đoạn thơ đang lở vận rồi !.

Lở vận, còn nhau một hướng trời
Khi mùa thu đến lá thu rơi.
Não nùng tiếng vạc bờ sương lạnh,
Man mác hồn đêm giấc mộng hời.
Ánh mắt thời gian lòng lặng lặng,
Dòng đời năm tháng nước trôi trôi.
Con thuyền bến cũ tình thu ấy...,
Trăng sáng vườn xưa, ta nhớ người.
MẶC PHƯƠNG TỬ.
(*) Thân tặng anh Lộng Chương, Quí thi hữu Lan Đình,
cùng quí thi hữu đã từng gặp gỡ.
KÍNH HỌA
THU NHỚ VƯỜN XƯA
Một bến sông quê nửa kiếp người
Nửa phần chốn lạ tháng ngày trôi
Nương nhờ đất khách mơ đầu suối
Ở đậu xứ xa mộng cuối đời
Cuộc rượu chửa tàn mà bỏ dở
Nụ hoa không nở cũng đành thôi
Nhặt buồn theo những mùa Thu chết
Mới chớm heo may lạnh lắm rồi !

Lạnh lắm cùng nhau sưởi nắng trời
Lá vàng đã chết cứ buồn rơi
Ngấn sầu đất Mẹ còn vang lạnh
Nỗi khổ quê Cha mãi vọng hời
Nghiệt ngã dòng đời mờ mịt mịt
Miệt mài năm tháng lặng trôi trôi
Mấy mùa Thu nữa vương mầm tốt ?
Một bến sông quê...trọn kiếp người
songquang-Cuối tháng 9/2019 
NGUỒN ĐĂNG TỪ Email : tongminh2016@yahoo.com

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

NGƯỜI LÃNH ĐẠO ĂN CHAY TRƯỜNG


NGƯỜI LÃNH ĐẠO ĂN CHAY TRƯỜNG - 
QUỐC VƯƠNG BHUTAN
Ông là một Phật tử thuần thành trường chay và tôn Phật giáo là Quốc giáo của Bhutan. Ông được thần dân vô cùng yêu mến vì sự tận tụy chăm lo cho đời sống của dân chúng...
Quốc Vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck của xứ Bhutan. Ông sinh năm 1980, là vị Vua trẻ nhất trên thế giới hiện nay. Người được thế giới nhìn nhận như một trong những nhà lãnh đạo đương đại ấn tượng nhất, dưới sự dẩn dắt của ông, Bhutan đã trở thành biểu tượng của một quốc gia hạnh phúc và trong lành bậc nhất trên thế giới.
Vương Quốc Bhutan là quốc gia được báo chí quốc tế gọi là "Vương quốc hạnh phúc", đất nước này là quốc gia nằm hàng đầu trong danh sách thống kê quốc tế - Những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Bhutan là một Vương quốc thật đặc biệt. Dân chúng không sát sanh, không giết gà, heo, bò, hay câu cá để ăn thịt. Trong nước không có trộm cướp và bạo động. Đi ra khỏi nhà không cần khóa cửa. Rau trái thì được trồng 100% theo lối hữu cơ.
Quốc Vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck mới được truyền ngôi năm 2008, nhưng đã ban hành chế độ dân chủ lập hiến, và làm việc tận tụy ngày đêm để phục vụ cho dân. Có khi Vua phải đi bộ cả trăm cây số đường núi để thăm viếng và ủy lạo những gia đình đang gặp khó khăn. Vua thương dân cũng như thương con, đúng theo mô thức của một vị Vua hiền ngày trước, biết sống đơn giản và làm việc tận tụy. Do đó, Vua được dân chúng trong nước thương yêu hết mực.
Ai cũng có mơ ước được sống trong một môi trường trong lành và hạnh phúc. Và một quốc gia kiểu Utopia có lẽ chưa chắc đã là không tưởng và quá xa vời. Dưới sự dẫn dắt của “Long Vương” Jigme Khesar Namgyel Wangchuck người được thế giới nhìn nhận như một trong những nhà lãnh đạo đương đại ấn tượng nhất – Bhutan đã trở thành biểu tượng của một quốc gia hạnh phúc và trong lành bậc nhất trên thế giới.
Báo chí nước ngoài đặt cho Quốc Vương Bhutan biệt hiệu "Ông hoàng quyến rũ nhất của vùng Hy Mã Lạp Sơn" hay "Long Vương xứ Bhutan" (Dragon King of Bhutan). Quốc vương Bhutan rất tôn kính Phật giáo và là một Phật tử thuần thành. Đạo Phật là Quốc giáo chính thức của Vương Quốc này.
Hôn nhân đa thê được coi là hợp pháp ở đất nước Bhutan nhưng Quốc Vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck nói rằng, ngài sẽ không cưới người phụ nữ nào khác ngoài Jetsun Pema. Cô là người vợ đầu tiên và cũng là duy nhất của ngài. Cũng vì câu nói đó mà mọi thần dân ở Bhutan thường ca ngợi chuyện tình giữa hai người là truyện cổ tích thời hiện đại.
Quốc vương xứ Bhutan vốn nổi tiếng là người tài hoa, có gương mặt đẹp và hút hồn nhiều cô gái. Hoàng hậu xứ Bhutan là một người rất đôn hậu, yêu thương dân chúng hết mực
Cô sinh viên học giỏi Jetsun Pema, mối tình đầu và cũng là người thương suốt đời của chàng Quốc Vương trẻ tuổi. Tình yêu 6 năm bền chặt của cặp đôi khiến nhiều người ngưỡng mộ. Cô cũng được coi là một trong những hoàng hậu có phong cách ăn mặc trang nhã, thanh lịch nhất thế giới, không thua kém công nương Kate Middeton của Anh.
Jetsun Pema thật may mắn, nhưng để có được may mắn này, cô đã không ngừng cải thiện bản thân và tự chuẩn bị cho mình tâm thế trở thành Hoàng hậu của Bhutan và cô thật sự xứng đáng với những gì cô đang có.

20  SỰ THẬT THÚ VỊ VỀ ĐẤT NƯỚC BHUTAN
1. Đất nước Bhutan chỉ có một sân bay quốc tế duy nhất là Paro. Nó nằm ở độ cao trên 6000 mét, được bao quanh bởi những ngọn núi của dãy Himalaya. Đây được mệnh danh là sân bay nguy hiểm nhất thế giới và chỉ dành cho những phi công lão luyện nhất. Thực tế trên thế giới chỉ có 8 phi công được cấp chứng chỉ đủ khả năng hạ cánh tại sân bay này.
2. Kể từ ngày 17/12/2004, Bhutan là nước đầu tiên trên thế giới cấm hút và bán thuốc lá một cách triệt để. Mục đích chính là để bảo vệ sức khỏe của người dân.
3. Điều đặc biệt ở đây đó là người dân không có điện thoại, gần như đến tận năm 1980.
4. Ở Bhutan, người dân bắt buộc phải mặc quốc phục khi đi làm, hoặc đến những nơi tôn nghiêm. Bình thường, họ mặc quốc phục như một thói quen, như để minh chứng cho sự trung thành và tôn kính.
5. Quốc phục cho nam giới thì được gọi là “Gho” - một bộ trang phục gồm chiếc áo khoác rộng tay, dài đến gối, buộc thắt ngang hông, bên trong mặc quần sọt, chân mang giày với vớ cao đến gối. Còn quốc phục của nữ giới được gọi là “kira” gồm áo dài tay và váy dài đến gót chân.
Bhutan là đất nước Phật giáo với hơn 2/3 dân số theo đạo Phật.
6. Thimphu là thủ đô duy nhất trên thế giới không sử dụng đèn giao thông.
7. Ở Bhutan nhà nào cũng có cửa, nhưng điều kì lạ là không mấy nhà cửa được khóa.
8. Không có tội phạm ở Bhutan.
9. Người dân Bhutan gọi đất nước mình là Druk Yul – nghĩa là miền đất của Rồng thiêng.
10. Ngôn ngữ chính của Bhutan là Dzongkha, có nghĩa là ngôn ngữ (kha) được nói ở dzong (một tu viện kiểu pháo đài được xây trên khắp Bhutan bởi Shabdrung Ngawang Namgyal vào thế kỷ 17). Ngoài ra, người dân địa phương còn nói tiếng Nepal và tiếng Anh.
11. Bhutan là một quốc gia lấy đạo Phật làm quốc giáo, lịch sử văn hóa được ảnh hưởng bao trùm bởi văn hóa Tây Tạng.
12. Điểm cao nhất ở Bhutan chính là ngọn núi Gangkhar Puensum, hiện là núi cao nhất chưa được chinh phục trên thế giới, cao hơn ở mức 7.570 m (24.835 foot). Năm 2003, leo núi ở Bhutan đã hoàn toàn bị cấm.
13. Môn thể thao quốc gia tại Bhutan là bắn cung.
14. Hầu như người dân Bhutan là những người ăn chay, và các món ăn chính của họ được làm từ gạo. Gạo, và ngô là những loại thực phẩm chính trong nước.
15. Tiền tệ của Bhutan là Ngultrum, được ấn định tỷ giá theo đồng Rupee Ấn Độ. Đồng rupee cũng được coi là đồng tiền tệ chính thức trong nước.
16. Một trong những biểu tượng của Bhutan thường được thế giới biết đến, đó là hình ảnh một ngôi tu viện nằm lơ lửng giữa chừng dốc núi cao - tu viện Taktsang ở thành phố Paro. Taktsang có nghĩa là Tiger's Nest hay tạm dịch Tu viện Hang Cọp.
17. Bhutan là quốc gia duy nhất trên hành tinh mà ở đó có một... Bộ Hạnh phúc.
18. Luật pháp Bhutan cấm chặt phá cây rừng và giết hại muôn thú.
19. Chính phủ Bhutan đã ban hành một chính sách đặt mục tiêu loại bỏ các chất hóa học nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp, mục đích là tạo ra nguồn lương thực thực phẩm gồm lúa mì, khoai tây và hoa quả đảm bảo 100% nguồn gốc hữu cơ. Theo đó, việc nhập khẩu các loại phân bón hóa học chính thức bị cấm ở Bhutan. Tất cả các sản phẩm sản xuất trong nước phải thực sự thân thiện với môi trường.
20. Trên lãnh thổ Bhutan có rất nhiều tu viện và đền thờ cổ xưa. Ở đâu trên đất nước Bhutan, du khách cũng có thể chiêm ngưỡng các đền thờ cổ mang phong cách Tây Tạng.
(Trích từ báo: Happiness)
Nguồn Đăng từ email Thầy : thichtanhtue@yahoo.com

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

THU ĐẾN THƠ RA


THƠ XƯỚNG HỌA
Phương Hoa & Thi Hữu

THU ĐẾN THƠ RA
Hè mông mênh nhớ đã trôi qua
Nhường bước nàng Thu chuyển gót ngà
Hôn đám lá vàng môi mọng thắm
Soi cành suối biếc mắt ngời hoa
Tựu trường hò hẹn lòng phơi phới
Gặp mặt duyên trao dạ thiết tha
Rực rỡ sắc quang hừng cảnh vật
Tạo nguồn thi sĩ ý thơ ra
Phương Hoa - Sep 13rd 2019
BÀI HỌA
ĐẦU THU
“Họa hoán vận”
Mong đợi thiên nhiên vẫy đũa ngà
Nhuộm dần sắc thắm đón Thu qua
Heo may lẩn quẩn cùng cây cỏ
Nắng nhạt chờn vờn với lá hoa
Hương vị say hè còn vướng vít
Thú vui luyến hạ chửa buông tha
Cúc vàng đã hứa bao lời mộng
Quyến rũ nàng thơ tỏa cánh ra
Thanh Hoà
MÙA THU ĐẾN
Loáng thoáng trong cành gió mới qua
Lênh phênh chóp núi trắng mây ngà
Chiều phai nhạt bến rung rinh cỏ
Tối thẩn thơ vườn lẳng lặng hoa
Thả hạt lồng bồng sương xuống phủ
Theo dòng lãng đãng sóng trào ra
Đất trời cũng ngậm sầu u uẩn
Riêng mỹ miều trăng vẫn thướt tha
Lý Đức Quỳnh-15/9/2019
HÈ THU TIẾP NỐI
1- Hè duỗi thời gian cuốn lướt qua,
Thu sang gió phất khuất trăng ngà.
Lá vàng ôm gốc thân phơi hở,
Bướm thắm quây quần lấn vuốt hoa.
Buổi họp tựu trường còn tưởng mới,
Lớp chiều bạn vẫn ghẹo không tha!
Hè thu nóng mát vui hòa nhập,
Thi sĩ âm vần vận thoát ra.

2- Qua rồi hè nóng bước …thu qua,
Ngà ngọc trăng thu sáng ngọc ngà.
Hở cánh búp xinh thu gợi hở,
Hoa nồng hơi thoảng thậm hương hoa.
Mới hè hôm ấy nay thu mới,
Tha thiết ân tình vẫn thiết tha!
Nhập học tuổi thơ vui hội nhập,
Ra trường vung sức trẻ tài ra.
HỒ NGUYỄN(15-9-2019)
DƯỜNG NHƯ....THU ĐẾN
Mở cửa trông vời...gió thoảng qua
Nàng Thu đã đến...thoáng thân ngà
Rừng phong đổi áo nay vàng lá
Chậu cúc thay màu sớm thắm hoa
Cảm xúc tha nhân vừa chợt đến
Câu vần thi tứ mới vừa ra
Dường như...trời đất hoà cây cảnh
Nắng nhạt buông mành quá thướt tha
Songquang-20190916
KHỞI TỨ THU
(Họa 4 vần)
Đỏng đảnh Nàng Thu tiễn Hạ qua
Heo may mỏng mảnh giỡn trăng ngà
Hồ ao lóng lánh ngời cườm nắng
Đồi núi lung linh đắm sắc hoa
Diều vút thanh âm hòa nhạc trỗi
Bướm xòa vũ điệu rộn hoan ca!
Trau lời chuốt chữ hồn thơi thảnh
Mỹ ý trào dâng tứ bật ra.
16-9-2019-Nguyễn Huy Khôi
VỪA THẤY THU VỀ
Hình như thu mới đến hôm qua
Chị tặng em thơ chiếc lược ngà
Chải tóc để mau chia khói mộng
Se tơ hầu kịp ủ sương hoa
Bao năm đợi vẽ mây vàng rực
Một thủa theo về bến giác tha
Lá có khô thêm hay vẫn thắm
Chúng mình chiu chắt tuổi ùa ra...
Hawthorne  16- 9-2019-CAO MỴ NHÂN
MÙA THU
Chín chục ngày Hè đã bước qua
Nàng Thu rón rén gót chân ngà
Môi son nũng nịu đôi tay ngọc
Má phấn nâng niu một cụm hoa
Khai giảng gặp nàng đi nhún nhảy
Đêm rằm ghẹo nguyệt lại buông tha
Tao nhân ngắm cảnh nhìn trăng sáng
Mặc khách đề thơ vội viết ra...
Mai Xuân Thanh-Ngày 16/09/2019
ĐÓN THU VỀ...
Qua dần tháng Hạ nóng dần qua
Ngà ngọc Thu mưa lạnh ngọc ngà
Lá úa xanh cành cây úa lá
Hoa tươi vàng cúc đóa tươi hoa
Niệm tình gặp lại thương tình niệm
Tha thứ tao phùng nhớ thứ tha
Vắng bậu phương xa đây bậu vắng
Thơ Đường xướng họa đó Đường thơ...
Mai Xuân Thanh-Ngày 16/09/2019
MẶC CHO THU ĐẾN
Sắp đến ngày thu tháng cũ qua
Bầu trời ám khói trắng, mây ngà
Bờ sông mát lạnh chòm dây gió
Cỏ úa sầu tư khóm đóm hoa
Lá rụng trăng thu chưa dẫn tới
Tảng buồn sắc rũ chẳng buông tha
Hà chi, để ướt hai hàng lệ
Dẫu đến thu vàng, cứ trẻ ra
Trần Đông Thành
MƯA THÁNG CHÍN
Ảm đạm mưa buồn chợt kéo qua
Trời giăng phủ kín cảnh sương ngà
Bên hiên rụng ngập nhiều khô lá
Trước ngõ rơi đầy lắm xác hoa
Giọt nước mây lùa dâng đất chịu
Cây cành gió thổi gọi mùa tha
Mơ thầm ánh nắng hồng tơ lụa
Đón bóng Thu vàng toả nét ra
Minh Thuý-9/16/2019
THU NGHẼN MẠCH THƠ
Thu dầm lũ lụt mỗi lần qua
Liệm bóng đường xưa dáng ngọc ngà
Nước bạc thòm thèm chen ngưỡng cửa
Đất bùn sục sạo quệt chùm hoa
Nhìn quê cũng đã bầm te tét
Thấy cảnh không còn vẻ thướt tha
Tìm bút soạn nghiên hòng cảm khái
Đâu ngờ thơ nghẽn nặn chi ra
Như Thị
GỠ RỐI THU
Lỡ với Thu rồi những tưởng qua,
Nhiều đêm lười ngắm ánh trăng ngà.
Canh tàn lệ nhớ trôi làn phấn
Gió lạnh tâm rầu ủ nét hoa.
Mấy bận quên thề còn để hỏi
Bao lần lỡ hẹn lẽ nào tha.
Mong thầm ý đợi đừng bay nhé
Đỡ rối tơ lòng thơ mới ra.
Phan Tự Trí
THU ĐẦY Ý THƠ
Hè toả niềm tin cũng đã qua,
Nàng Thu nhẹ lướt lượn thân ngà
Vuốt ve nhánh lá vàng như mộng
Vương vấn hằng năm sắc tựa hoa.
Đó tháng khai trường khơi rộn rã
Đấy ngày mở khoá khó bê tha
Thắm tươi hình ảnh nguồn mơ lối
Mùa điểm vui buồn phú tứ ra.
Đặng Xuân Linh
NGUỒN ĐĂNG TỪ EMAIL : phuonghoa918@gmail.com