THÔI TA GIÃ PHỐ TÌM QUÊ,THỎNG TAY BUÔNG BỎ NHIÊU KHÊ LỤY PHIỀN.THÀ VỀ GỐI GIẤC CÔ MIÊN ,TIÊU DAO ĐÙA GIỠN CÕI MIỀN NGUYÊN SƠ!CÁM ƠN CÁC BẠN GHÉ THĂM VÀ GHI CẢM NHẬN!

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

CẢM TÁC ẢNH CỦA Như Thu

Ảnh Như Thu
VƯỜN NAI
Vườn Thu mọc nẻo bình yên
Nai tung tăng bước an nhiên cùng người
Bốn mùa hoa cỏ thảnh thơi
Dẫu lá rụng để gọi mời bình minh

Chồi nứt trầm giữa lặng thinh
Như vườn chuyển pháp trang kinh đại từ*
Dạo chơi vịn cảnh thảo lư
Tâm nhiên nhàn nhã NHƯ THU dịu dàng

Rừng nguyên sinh thuở hồng hoang
Giữa phố thị vẫn mênh mang lạ lùng
Bởi tình người quá bao dung
Trải yêu thương cõi vô cùng là đây.
Như Thị
*Vườn nai nơi Đức Phật chuyển pháp
HỌA
XIN MỜI ĐẾN ĐÂY
Sau vườn cây cảnh lặng yên
Chú nai gặm cỏ thản nhiên sân người
Nắng vàng trải cạnh giếng thơi
Nghe lòng an lạc chẳng mời vô minh

Mây trời đâu thể làm thinh
Nhắn ai miên mật thời kinh đạo
từ
Thiền hành gác lại suy tư
Buông lơi mấy độ xuân thu dềnh dàng

Vui buồn tâm chớ đi hoang
Sân si gội rửa khó mang lạnh lùng
Để rồi đếm bước ung dung
Cửa nhà rộng mở ta cùng đến đây.
Như Thu
THƠ TẶNG Như Thu
BƯỚC CHÂN NAI...
Cỏ xanh tươi mịn mướt.
 Êm nhẹ chân nai bước.
 Muôn sắc hoa đan cài.
Gió nghiêng chao lả lướt.
Mơ màng giữa sớm mai.
Đứng tắm hương đồng nội.
Tâm ý nở vần say...
Tặng bạn  xa vời vợi..!
Trúc Lệ- Trần Lệ Khánh-30-4-2018.

CÒN NGÂN LỆ SỬ


CÒN NGÂN LỆ SỬ
Từ lúc quê mình thôi lửa đạn
Xanh mùa thương nhớ, buổi  sầu tan.
Chao ôi, mấy lượt lời non nước
Vẫn thế, bao phen chuyện đá vàng !
Dòng mộng đã theo trời viễn mộng
Non ngàn còn lạnh dấu sương ngàn.
Ai hay giữa chốn hồn hoa cỏ,
Lệ sử còn ngân những điệu đàn. !

Những điệu đàn xưa ai có hay
Rơi từng nhịp xuống nước non nầy.
Hư danh đã luỵ cùng dâu bể
Lòng thật còn thơm với cỏ cây.
Mắt rộng vẫn xanh tình hạt bụi,
Đời hoang nên tím giọt đài mây.
Dẫu trăm năm nữa, ngàn năm nữa...
Hùng sử quê hương đẹp tháng ngày.
South Dakota, tháng 4.2018.
MẶC PHƯƠNG TỬ.

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

THANH TỊNH MÊNH MÔNG


THANH TỊNH MÊN
H MÔNG
Ai đếm đủ thời gian từ vô thuỷ
Đốt xương tàn khi lá rụng canh thâu
Hỏi mây trôi giữa muôn trùng hải lý
Qua chuyến đò chở ngược chiếc bóng câu ?..

Vườn năm uẩn, gieo mầm tế bào sống
Màu sắc không, uốn lượn chuỗi trường thanh
Trong gió hú cõi linh hồn chuyển động
Nghe sức người níu hơi thở mong manh

Về tan loãng với đất trời cảnh mộng
Tan cơn mơ, tan biến cả hư lân
Chỉ còn lại ánh trăng thanh lồng lộng
Để tâm hồn hé nở đoá tường vân

Hơi thở vẫn ươm mầm vườn năm uẩn
Nhẹ thong dong tợ mây trắng lững lờ
Thì không gian và thời gian vô thuỷ
Mãi tràn đầy, bao phủ tánh Chân Như
Tuệ Minh-April 24, 2018


NGUỒN ĐĂNG TỪthiengia50@yahoo.com

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

NÂNG GIỌT LỆ ÊM ĐỀM


NHÀ THƠ HƯ VÔ – “NÂNG GIỌT LỆ ÊM ĐỀM”

                                                 Châu Thạch
    Một chiều, tôi hận hạnh được nhà thơ Xuân Thao mời tham dự buổi ra mắt tập thơ của anh tại một nhà hàng tương đối sang trọng. Vốn là một con dế mới biết gáy nên tôi không quen biết ai trong giới văn nghệ sĩ tại Đà Nẵng ngoài Xuân Thao và Thế Lộc. Tôi ngồi lặng lẽ ở một góc bàn, nhìn quý vị quan khách lần lượt vào, bắt tay chào hỏi nhau thân thiện. Một vài vị chào nhẹ tôi, còn đa số thì như không thấy tôi ngồi đó. Bên cạnh tôi cũng có một người ngồi rất lặng lẽ. Anh ta có dáng dấp nho nhã và trầm tư. Thỉnh thoảng anh đưa máy ảnh lên chụp rồi lại ngồi yên lặng. Thế nhưng, khác với tôi, nhiều nhà thơ, nhà văn bước vào đều đến vồn vã chào anh trước. Họ gọi anh là Hư Vô. Có lẽ đó là bút hiệu của anh. Anh điềm đạm trả lời và chẳng thấy anh ưu tiên niềm nở riêng một người nào. Tôi nghĩ trong bụng, đây chắc là một lãnh đạo ngành văn hóa hiện nay rồi. Về nhà hỏi Thế Lộc, thì Thế Lộc bảo là không phải, Hư Vô chỉ là một nhà thơ thường dân.Tôi nghĩ, một nhà thơ thường dân mà được chào hỏi như vậy phải là một con người đặc biệt. Từ đó tôi có cái nhìn thiện cảm với nhà thơ đó. Hôm nay lại hân hạnh được Hư Vô gởi tặng tập thơ “tay nâng giọt lệ” là một niềm vui lớn đối với tôi.
Xuất bản tập thơ với tựa đề “tay nâng giọt lệ”, nhà thơ Hư Vô lấy ý từ hai câu thơ “Ta quì xuống giơ hai tay bệ vệ/Để xin nâng một giọt lệ êm đềm” của Bùi Giáng, được ưu tiên đặt nó trên bài “Thưa”, là lời tác giả thưa cùng bạn đọc, được in ở trang đầu tập sách. Như thế ta phải hiểu nhà thơ không bi thảm giọt lệ, nhà thơ nâng giọt lệ của mình hay của ai đó để nó được rơi êm đềm.
 Hãy đọc đại ý của một bài thơ để hiểu thêm về tác giả. Bài thơ có 16 câu, tôi xin rút gọn:
 Tay tôi nâng giọt lệ
Tay tôi đỡ nụ cười
Nụ cười làm tươi tắn
Giọt lệ cảm hóa người
Và một ngày nào đó
     Môi tôi thêm nụ cười
Mắt tôi khô ráo lệ
An nhiên giữa cuộc đời.
      (Giọt lệ và nụ cười) 
Hãy tưởng tượng, nụ cười và giọt lệ nắm song song trên đôi tay của thi sĩ. Để làm gì? Để thi sĩ biến hóa giọt lệ hòa nhập trong nụ cười. Cả hai sẽ biến thành viên kim cương trong vắt. Đó là bùa hộ mệnh đem bình an đến cho mình và cho nhân gian. Vậy thì, ước vọng của nhà thơ không phải chỉ làm thơ để gởi mình vào đó mà còn làm thơ để đem cái năng lực vô biên của thơ, cái tình yêu cả “lá xanh và lá vàng” cao cả của Thượng đế xóa nước mắt, bồi đắp nụ cười. Nụ cười ấy như là đóa hoa trên môi. Đóa hoa ấy thể hiện sự an nhiên trong lòng mình và trong lòng nhân loại.
Vậy thì, thơ của Hư Vô không chỉ là từ cảm hứng của con tim yêu bình thường, mà còn là từ cảm hứng triết lý sống sâu xa, bắt nguồn từ cái tâm hư vô cúa Phật, cái triết lý vô vi của Lão và sự khải thị hóa giải đau thương của Đấng tối cao. Cái tâm ấy thật ra tôi thấy lần đầu tiên, nó là của Hư Vô, vì từ xưa đến nay, nhà thơ thì khóc cho đau thương, cười cho niềm vui, nhà tu thì dạy làm lành để vơi đi khổ đế, mấy ai lại bày làm thơ để “Môi tôi thêm nụ cười/ mắt tôi khô ráo lệ” nghĩa là làm thơ để hóa giải niềm đau. Biết đâu (nói vui) Hư Vô sáng tạo một“đạo thi ca” cho riêng mình!!!
 Từ quan niệm về thơ một cách siêu việt đó, đưa đến quan niệm về người thi sĩ trong tâm hồn Hư Vô có khác. Cũng giống như mọi nhà thơ, Hư vô cho rằng , thi sĩ như con ve “mười năm vùi trong đất/ đổi một mùa hoan ca”, thi sĩ như con tằm làm chiếc kén “kết thúc một vòng đời/ chưa trọn một mùa trăng”. Thế nhưng với mọi người, con ve và con tằm sau khi dâng hiến cho đời thì chết trong đau thương. Ngược lại với Hư Vô thì:
     Ta viết dòng chữ nhỏ
     Làm chiếc kén đời người
     Vào ngủ yên trong đó
     Một giấc sầu hóa thân 
          ( Thi Sĩ) 
Đừng nghĩ rằng “một giấc sầu” của Hư Vô là một sự đau khổ, vì sự đau khổ không bao giờ vào trong giấc ngủ. Giấc ngủ từ xưa đến nay chỉ có công dụng làm vơi đi niềm đau mà thôi. Vậy thì “giấc sầu” của Hư Vô là một giấc thụy du miên viễn. Nỗi sầu trong giấc thụy du đó biến thành một cơn đau êm ái, biến thành một cái thú đau thương mà không một thi nhân nào không muốn được thụ hưởng nó, để đưa tâm hồn mình bay vào trong xứ lạ của mộng mơ. Đây là một tâm hồn rất lãng mạn. Bởi sự lãng mạn đó nhà thơ tưởng tượng mình được yên ngủmột giấc sầu hóa thân mãi mãi.
Cũng từ cái định hướng cho sự nghiệp làm thơ là “tay nâng giọt lệ êm đềm” nhà thơ Hư Vô đã có một ước vọng trọng đại cho cuộc đời mình. Một ước vọng hy sinh cái linh hồn nhỏ bé của mình cho công việc vĩ đại của đời. Hư Vô khiêm nhường nhận mình rằng; “Tôi là hạt sỏi nhỏ/ Thô thiển và vụng về” nhưng lại “Xin làm nền móng/ Những lâu đài ngàn năm”. Hư Vô cho hồn mình ở “vùng đất hạn” chỉ “Trồng một thân cây nhỏ” nhưng lại muốn thân cây ấy “Hoa ngạt ngào tỏa hương”. Khát vọng của nhà thơ là dâng hiến cho đời. Khát vọng ấy cháy bỏng như Hỏa Diệm sơn trong một thái độ trầm tư và điềm đạm mà tôi đã thấy khi ngồi bên nhà thơ
 Tim tôi từ Hỏa Diệm
 Yên ngủ đã mấy mùa
 Dẫu tình yêu câm nín
     Còn ấp ủ dung nham 
           (Tôi là cát sỏi)
Còn tình yêu cúa Hư Vô thì sao? Đó là thứ tình yêu bao dung. Xin đọc bài thơ có 25 câu. Người viết xin rút ngắn để lấy đại ý còn 14 câu:

       Em phương trời cánh mõi
      Ta ngao du bến bờ
Gởi lòng qua phiến lá
Lay bay buổi giao mùa
Chiều qua miền ký ức
       Lũy tre xưa điêu tàn
Người đi từng ngày tháng
Nắng gió và âm thanh
Ta dại khờ quá đổi
Tin những vì sao rơi
 Ngước về miền đất hứa
 Giữa chập chùng mê cung
 Ôi vầng trăng lặng lẽ
Thu nguyên màu bao dung
     (Thu nguyên màu bao dung)
 Nhà thơ đã nhận ra mình “dại khờ qua đổi” rồi nhưng vẫn ngước mắt về miền đất hứa để trong mắt mình thấy một “vầng trăng lặng lẽ” của trời “thu nguyên màu bao dung”. Vầng trăng lặng lẽ là hình ảnh của khối tình đã trở thành “Giọt lệ”. “Thu nguyên màu bao dung” là tâm trạng của người thất tình nhưng tay vẫn “nâng giọt lệ” vì lòng đã “bao dung”. Sự bao dung đó đã làm cho tâm hồn nhà thơ vẫn êm ái như buổi trời thu. Đọc thơ ở đây, ta thấy một triết lý yêu khoáng đạt, một tình yêu lớn vượt lên hết tất cả sự tầm thường của con người xương thịt. Cũng nhờ thứ tình yêu bao dung đó mà nhà thơ Hư Vô đã nhận được hạnh phúc trên đời dầu trong nghịch cảnh:

      Ai cũng biết yêu là đi tìm hạnh phúc
     Nhưng mấy ai có được trọn vẹn hạnh phúc trên đời
Dầu có lúc tia nắng hồng thiêu đốt
      Và trùng dương gây phong vũ thủy triều
      Hãy nắm tay nhau khi nào còn có thể
      Để sa mạc đời thêm những giọt sương.
       (Nói với người dưng)
 Hư Vô không cần mưa trên sa mạc, nhà thơ chỉ cần những giọt sương thôi thì hoa Xương Rồng vẫn nở, cũng như nhờ đó nhà thơ sẽ “Gieo những hoài vọng ước mơ về vĩnh cửu”.

       Ai là bạn của Hư Vô thì cũng biết nhà thơ chịu nhiều nghịch cảnh cay đắng giữa cuộc đời nầy. Ta hãy nghe Hư Vô tâm sư về anh:
     Một ngày chưa biết lớn khôn
     Đi qua buổi chợ máu tanh thịt người
     Vai thêm cặp nạng không lời
     Đôi chân gỗ đá một đời buồn tênh
         (Tang thương)
Có thể nói rằng, Hư Vô sinh ra “dưới một ngôi sao xấu”. Vậy dưới ngôi sao xấu đó nhà thơ sống như thế nào? Xin nghe đây: 

     Ta sinh ra đất bùn, cẩm thạch
     Ta lớn lên hề lửa hồng đêm đen
        ( Tự tình)
 Thuở ấy đời toàn màu đen tối
Ta hòa ra mực viết câu thơ
     Thơ bay qua đỉnh sầu chất ngất
     Gặp đóa phù vân đẹp ngẩn ngơ
     Phù vân đôi lúc rơi thành lệ
     Nhỏ xuống long lanh những phiến buồn!
         (Những phiến buồn)
Như vậy, cuộc đời trong tâm hồn Hư Vô vẫn quý giá như cẩm thạch, vẫn rực nóng như lửa hồng, và vẫn long lanh như những câu thơ kết tủa từ nhưng nỗi buồn quyện với phù vân trên đỉnh cao chất ngất.
Hãy tưởng tượng những đám mây hóa thành mưa. Mưa rơi xuống trần gian thật buồn. Buồn thì buồn đó nhưng mưa đem lợi ích cho nhân gian biết là chừng nào. Không những thế, mưa ấy hóa từ mây và mây ấy còn là thơ từ trong màu đen tối mà thành. Hóa ra, tất cả vẽ đẹp đó là từ những khổ đau mà đời cho Hư Vô. Nó đã hóa thành lệ. Lệ đó Hư Vô không đổ đi, không làm thành hư vô như bút hiệu của mình. Nhà thơ nhận tất cả và lấy tâm hồn bao dung của mình làm cho nó đẹp, rồi gởi nó vào đời như mưa. Mưa ấy “nhỏ xuống nhân gian nhừng giọt buồn” đẹp và ích lợi biết bao.  
Có nhà phê bình thơ cho rằng, thơ mà chỉ viết bằng lý trí thì không phải là thơ. Đọc toàn bộ thơ của Hư Vô, tôi cảm nhận nhà thơ viết bằng lý trí của mình. Thứ lý trí đó không những là thơ mà còn là thơ hay! Cái lý trí đó hướng dẫn tâm hồn lãng mạn của nhà thơ đi đúng con đường chân lý. Những người sinh ra dưới ngôi sao xấu, dầu là trí thức vẫn thường có ba cách sống. Một là sa lầy trong tội lỗi, hai là lao vào giành dật trong cuộc sống, ba la khinh đời, ngạo mạn và đau khổ. Ngược lại ở Hư Vô, từ trong thơ anh, ta thấy một phong cách sống thoát ra, ôm gọn niềm đau trên tay và bay bổng thanh thản trên những hệ lụy của đời. Nhà thơ không cần nhờ đến triết lý tôn giáo riêng biệt nào để thoát khổ đau. Thế nhưng trong thơ anh, hình như tất cả những triết lý cao siêu của tôn giáo, đã hóa thân vào trong “tay nâng giọt lệ”, làm cho nội tâm nhà thơ và con mắt nhìn của nhà thơ trở nên êm ái. Nhờ đó Hư Vô đã nhìn thấy “cõi bụi” “ đẹp muôn ngàn hư áo”:
      Rồi một mai thuyền xa bờ dâu bể
     Bỏ sau lưng vừng nhật nguyệt tứ thời
     Hoa cỏ mùa xuân hay lá úa thu rơi
    Tiếc cõi bụi đẹp muôn ngàn hư ảo.
       ( Cõi Bụi)
Thơ của Hư Vô hầu như không có một câu thơ nào được đánh bóng, không có một khổ thơ nào được nhấn mạnh cho thanh âm kích thích tai người. Đó là một tiếng thơ trầm như con suối lặng lờ , mà ngắm nó, khách phải đưa tầm mắt nhìn bao quát dòng trôi, khách phải có con mắt ít nhiều thẩm mỹ và khách càng trường trãi với bất trắc của cuộc đời thì khách càng thú vị biết bao. Đây là những giọt lệ rơi trong lý trí, và bởi một tâm hồn yêu sự “trong trẻo vô biên” đã làm cho vết thương trong con Sò thành ra hạt ngọc trai qúy hiếm.
Cái có trong cái không, rốt ráo là gì? Đó là Phật. Cái còn lại rốt ráo trong tâm Hư Vô là gì? Là giọt lệ thành thơ vậy!!! ./.
ChâuThạch
 NGUỒN ĐĂNG TỪ truongvantran@hotmail.com

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

MƯA HUẾ

THƠ XƯỚNG HỌA
Như Thị,Phan Tự Trí,Trần Hoành,Như Thu, Trần Lệ Khánh,
Minh Thúy,Lý Đức Quỳnh,Thy Lệ Trang,Sông Thu,Song Quang,

MƯA HUẾ
“Vần trắc”
Xối xả mưa dầm đau đất Huế
Mây giăng vần vũ hoài như thể…
Ăn xin rúm ró núp Bà Tuần*
Hành khất chơ vơ nhờ Phủ đệ
Văn Thánh truyền bia khí phách ôông
Thái hòa độc quyển thanh danh Mệ
Cột cờ chứng kiến ngọn vô thường
Bến ngự lạnh lùng chan ngấn lệ
Như Thị
*Trường Bà Tuần tức là rạp hát Đồng Xuân Lâu
Vị trí cùa nó nằm trên đường Ngã Giữa (sau này là đường Gia Long – Phan Bội Châu trước19 75), nhìn qua đường là một con hẽm trổ ra đường Huỳnh Thúc Kháng dọc bờ sông Đông ba ( dân Huế quen gọi là đường Hàng Bè vì có nhiều nhà bán lồ ô kết thành bè dưới sông.)
**“Mệ” phát sinh từ thời Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, xin trích : “….vì Võ Vương sinh nhiều con trai nhưng khó nuôi, chết sớm, nên dùng cách gọi con gái để ma quỉ khỏi làm hại. Người xưa tin rằng con nít sinh ra, nhất là con trai, nếu xinh xắn mà lại mang tên hay, tên đẹp thì dễ làm cho ma quỉ chú ý, ham thích, mà bắt đi. Vì vậy, phải chê xấu, phải dùng tên xấu để gọi ở nhà, còn tên chính thức chỉ dùng khi trưởng thành. Từ đó trở thành nề nếp, hễ con vua cháu chúa, trai, gái gì cũng gọi là Mệ hết. Ban đầu thì người ta dùng chữ Mệ để gọi con của các ông hoàng bà chúa, và dùng chữ Mụ để gọi con của các Mệ, nhưng về sau thì dễ dãi, muốn gọi Mụ hay Mệ đều được cả.
BÀI HỌA
SƯƠNG GIĂNG TRỜI HUẾ
“Vần trắc”

Sương lạnh giăng trời! Ôi nhớ Huế !
Đổi dời dâu bể nào không thể…
Phong Điền có oán nựa ơi huynh
Gia Hội còn oan răng hỡi đệ
Thiên Mụ rền chuông nhớ giọng Thầy
Đông Ba vắng chợ trần thân Mệ
Tràng Tiền bó nhịp tủi dòng Hương
Vĩ Dạ tàn đêm đầm giọt lệ.
Phan Tự Trí
GIAN NAN XỨ HUẾ 
“Vần trắc”
Ôi Trời ngó xuống mà thương Huế,
Nắng lửa mưa dầu sao chẳng thế,
Bom đạn nào chia tình Bắc Nam
Lợi danh đâu cắt nghĩa huynh đệ.
Vân Lâu sầu thảm nhắc về Ôn,*
Thiên Mụ mộng mơ ghi nhớ Mệ*.
Diệu Đế hồi chuông xua tử khí,
Dòng Hương trầm mặc trôi khô lệ.
Hoành Trần-25/4/18
*Cụ Phan Bội Châu
*Sự tích chùa Linh Mụ

HUẾ ƠI...!
“Vần trắc”
Nghẹn ngào thảm họa ôi thương Huế!
Xem nhẹ niềm đau dường chẳng thể
Thấy cảnh mưa tuôn áo nảo lòng
Thương bầy trẻ khóc u hoài đệ
Xứ người trông ngóng hỏi thăm quê
Đất khách mơ màng yêu kính Mệ
Khấn nguyện trời xanh chớ dỗi hờn
Rạng đông trải nắng như thường lệ.
Như Thu
CẢNH HUẾ THƠ...
Tôi lại trở về thăm xứ Huế.
Xinh tươi phong cảnh lòng như thể...
 Sông Hương êm ả bóng Tràng Tiền.
An Cựu oai nghi hồn Phủ Đệ
Vĩ Dạ mơ màng lả ngọn tre.
Đông Ba dịu ngọt âm lời mệ.
Hồi chuông Thiên Mụ thức nhân sinh.
Người-Đất kinh kỳ bao diễm lệ.
Trúc Lệ-Trần Lệ Khánh.
XA HUẾ
Buồn lạ chiều ni ngồi nhớ Huế
Trời mưa dai dẳng mô tìm thể
Cà phê Đại Nội uống bên huynh
Cơm Hến Đông Ba ăn cạnh đệ
Thiên Mụ Vu Lan đến với nàng
Từ Đàm Phật Đản đi  cùng Mệ
Vì răng kỷ niệm cứ đeo hoài
Ngoài cửa mây rơi ngàn giọt lệ
Minh Thuý -Tháng 4-2018
MƯA HUẾ
Mưa không ngớt mặt,quay lòng Huế
Nước ngập cuồng trôi,đường tựa thể…
Chới với em quờ nỏ thốt thưa
Loi ngoi chị quẫn răng trình đệ
Đong sầu trán nhíu lịm mày cha
Ngậm tủi môi trề trơ bóng mệ
Xám xịt kinh thành phủ xuống tro
Vào khuya mẹ giấu dòng thương lệ
Lý Đức Quỳnh
MỘT LẦN VỀ THĂM
“Vận trắc - Bát vận đồng âm”
Môt lần cùng bạn ra thăm Huế
Thành phố đâu ngờ buồn đến thế !
Nắng quái mênh mang xót cảnh quê
Khách xa hờ hững đau lòng đệ
Chùa chiền trang điểm mấy cành huê
Lăng tẩm phô trương dăm bóng mệ
Thánh thót tiếng đàn như tỉ tê
Hồn xưa ắt hẳn rưng rưng lệ !
Thy Lệ Trang
HUẾ - UY NGHI VÀ THƠ MỘNG
“Vận trắc”
Chỉ mới một lần thăm viếng Huế
Mà sao tình cảm sâu là thế
Cung đình in bóng Hậu và Phi
Hoàng tộc khắc tình Huynh với Đệ
Văn Thánh vinh danh bậc võ văn
Mộ bia lưu dấu đời Ông Mệ
Sông Hương núi Ngự đẹp mơ màng
Thiên Mụ trăng sầu khơi giọt lệ.
Sông Thu
HUẾ XƯA
Biết chút "loanh quanh" về xứ Huế
Mưa rơi day dứt buồn hơn th
Hoàng Thành Lăng tẩm thờ Tiên Vương
Bến Ngự thuyền Rồng đón Mụ,Mệ
Đồng Khánh nữ sinh tím áo dài
Văn Lâu chốn ngự trang Hoàng Đế
Đông Ba chợ nhóm người mô tê ?
Mạ nhớ mua vài xu Cẩm Lệ.
Songquang-4/27/18

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

QUÊ HƯƠNG NƯỚC VIỆT

THƠ XƯỚNG HỌA
Sông Thu, Phan Tự Trí, Trúc Lệ Trần Lệ Khánh, Như Thu,
Thanh Trương, Đức Hạnh, Thy Lệ trang, Phạm Kim Lợi,
Lý Đức Quỳnh, Trần Như Tùng, Minh Thúy, Hương Thềm Mây,Thiên Hậu, Song Quang,Thanh Hòa, Trịnh Cơ,Bảo Trâm,Đoàn Đình Sáng,

QUÊ HƯƠNG NƯỚC VIỆT
“Tung hoành trục khoán”
Nước Nam tươi đẹp non sông Lạc
Dân Việt hùng anh thế hệ Rồng. 
NƯỚC trải phù sa khắp bãi Hồng
NAM phần hợp thế chín đầu long
TƯƠI màu ruộng rẫy liền muôn mảnh
ĐẸP sắc kênh mương tỏa triệu dòng
NON thẳm xanh trời, cây rợp bóng
SÔNG sâu ẩm đất, lúa khoe đòng
LẠC Âu lịch sử ngàn năm nối
DÂN VIỆT HÙNG ANH THẾ HỆ RỒNG.
Sông Thu-Tháng 4/2018
BÀI HỌA
SÔNG LAM NÚI HỒNG
“Tung hoành trục khoán”
Nước Nam tươi đẹp non sông Lạc
Dân Việt hùng anh thế hệ Rồng. 
NƯỚC biếc Sông Lam với Núi Hồng
NAM Đàn hiển thánh hóa Hoàng Long
TƯƠI như Tiên Cảnh hòa  thiên đỉnh
ĐẸP tựa Bồng Lai nối vạn dòng
NON quý để người hoài thỏa dạ
SÔNG hiền cho lúa mãi thơm đòng
LẠC Tiên mỗi bước càng thêm rạng
DÂN VIỆT HÙNG ANH THẾ HỆ RỒNG.
Phan Tự Trí
NHỚ ƠN VUA HÙNG DẠY NGHỀ DÂN VIỆT.
“ Tung hoành trục khoán”
VUA Kinh Vương tổ núi sông Hồng.
HÙNG tộc kế thừa họ Lạc Long.
KHỞI dạy cấy cầy đồng ngút lúa.
NGHIỆP truyền thêu dệt vải khơi dòng
ÊM rừng săn thú lao đầu mác.
BỜ nước bắt ngư vút mũi đòng.
CỘI rễ Tiền Nhân xưa đã dựng
DÂN NAM HẬU BỐI GIỮ TIÊN RỒNG./.
Trúc Lệ - Trần Lệ Khánh.
YÊU QUÁ QUÊ TÔI...
“ Tung hoành trục khoán”
Nước Nam tươi đẹp non sông Lạc
Dân Việt hùng anh thế hệ Rồng.
NƯỚC gợn lao xao dưới ráng hồng
NAM tình Bắc nghĩa...nhấp Ô Long
TƯƠI màu nắng nhẹ thuyền xuôi mái
ĐẸP ánh trăng thanh bóng thuận dòng
NON ngắm trời mây chào gió biển
SÔNG mê ruộng lúa toả hương đòng
LẠC miền đất Mẹ lòng kiêu hãnh
DÂN VIỆT HÙNG ANH THẾ HỆ RỒNG.
Như Thu
GIỔ TỔ HÙNG VƯƠNG
NHÂN ngày Giổ Tổ cõi trời Hồng
QUYỀN quý cao sang giống Lạc Long
DÂN khổ, quan giàu , chia lắm ngã
CHỦ sang, tớ rách, rẽ đôi dòng
NON cao, mây khói che rừng lá
SÔNG lớn, phù sa phũ khắp đồng
VIỆT quốc trường tồn trên thế tục
NGÀN NĂM VINH HIỂN CHÁU CON RỒNG
Thanh Trương
NƯỚC NAM TƯƠI THẮM
“Tung hoành trục khoán”
Nước nam tươi sáng quê hương Lạc
Dân tộc hùng anh con cháu Rồng
NƯỚC tỏa bình minh đẹp Núi Hồng
NAM ngời thủy tộc biển vương long
TƯƠI màu tổ quốc cây ngời trái
SÁNG cảnh sơn hà mộng thắm dòng
QUÊ trọng người dân nhà trổ lộc
HƯƠNG yêu đất mẹ lúa ra đòng
LẠC tiên nẩy nở vườn công lí !
DÂN TỘC HÙNG ANH CON CHÁU RỒNG
Đức Hạnh – 24 04 2018
THƯƠNG QUÁ VIỆT NAM...
“Tung hoành trục khoán”
CẦU MONG ĐẬT VIỆT XINH TƯƠI MÃI
RỰC RỠ NON SÔNG DƯỚI NẮNG HỒNG
CẦU tổ soi đường nước Lạc Long
MONG con cháu nhớ chuyện Tiên Rồng
ĐẤT Nam...Hưng Đạo vang bờ cõi
VIỆT Nữ ...Trưng Vương rạng giống dòng
XINH lắm vườn cây...cây trổ trái
TƯƠI sao ruộng lúa...lúa ra đòng
MÃI yêu, mãi qúy thời xưa đó
RỰC RỠ NON SÔNG DƯỚI NẮNG HỒNG
Thy Lệ Trang
CON LAC CHÁU HỒNG
“Tung hoành trục khoán”
Nước Nam tươi đẹp non sông Lạc
Dân  Việt hùng anh thế hệ Rồng
NƯỚC của ta con Lạc cháu Hồng
NAM vương xưng đế cưỡi thân  Long
TƯƠI đời hiệp sĩ từ thanh kiếm
ĐẸP  mẹ Âu Cơ bởi giống dòng
NON hỏi rừng thông cây mấy tuổi
SÔNG dồi sóng bọt lúa bao đòng
LẠC - HÙNG kế tục trang thiên sử
DÂN VIỆT HÙNG  ANH THẾ HỆ RỒNG
Phạm Kim Lợi
NHỚ VỀ NGUỒN CỘI
“Tung hoành trục khoán”
Dân Nam xương máu ngời quê Việt
Quốc Tổ hồn thiêng rạng giống Rồng
DÂN đã thắp lên ngọn lửa Hồng
NAM thiên Đông hải sáng Tiên Long
XƯƠNG hòa đất nước gìn tươi cõi
MÁU quyện  giang sơn giữ thắm dòng
NGỜI biếc nương ngà phơi óng lụa
QUÊ xanh ruộng mật trổ thơm đòng
VIỆT khai bọc trứng ra nguồn cội
QUỐC TỔ HỒN THIÊNG RẠNG GIỐNG RỒNG
Lý Đức Quỳnh
ĐẤT ĐÔ VUA HÙNG
“Tung hoành trục khoán”
Nước ngã ba Lô gặp nước Hồng
Nam thần dưỡng dục phụng cùng long.
Tươi cười gạo trái đi bao xứ
Đẹp đẽ thuyền hoa dạo mọi dòng
Non quế cây reo chung một ý
Sông châu lúa hát trổ muôn đòng.
Lạc Hùng Quốc Tổ từng mong đón
Dân Việt hùng anh thế hệ rồng
Trần Như Tùng
GÌN SÔNG GIỮ BIỂN
“Tung hoành trục khoán”
Nước Nam tươi đẹp non sông lạc
Dân Việt hùng anh thế hệ rồng
Nước Việt giang sơn đẹp gấm hồng
Nam , Trung , Bắc nối dãy hoàng long
Tươi mùa cây trái sinh đầy quả
Đẹp biển tôm cua lội ngập dòng
Non rộng , trời mây trìu ánh mắt
Sông sâu , ruộng lúa ngát hương đòng
Lạc Âu con cháu thề gìn giữ
Dân Việt hùng anh thế hệ rồng
Minh Thuý -Tháng 4-2018
NON SÔNG VIỆT
“Tung hoành trục khoán”
NƯỚC bốn ngàn năm giống máu Hồng
NAM phương tụ khí cửu giang Long
TƯƠI xanh vạn khoảnh liền liền mảnh
ĐẸP biếc muôn kênh nối nối dòng
NON quyện đất trời e ấp cõi
SÔNG hòa ruộng lúa trổ khai đòng
LẠC Tiên kế nghiệp trang linh sử
DÂN VIỆT HÙNG ANH THẾ HỆ RỒNG
Hương Thềm Mây-GM.Nguyễn Đình Diệm
ĐẤT NƯỚC TA
“Tung hoành trục khoán”
Nước Nam tươi đẹp non sông Lạc
Dân Việt hùng anh thế hệ Rồng 
NƯỚC bốn nghìn năm viết sử Hồng
NAM hà Trung Bắc giống Âu Long
TƯƠI xinh một giải vòng theo biển
ĐẸP thắm bao kênh dọc cuốn dòng
NON rặng Trường Sơn nhiều gỗ quý
SÔNG Tiền ruộng Hậu lắm đòng đòng
LẠC Tiên cơ nghiệp thời Vương Đế
DÂN VIỆT HÙNG ANH THẾ HỆ RỒNG
THIÊN HẬU
MIỀN NAM NƯỚC VIỆT
“Tung hoành trục khoán”
"Miền Nam tươi đẹp non sông Lạc
Dân Việt hùng anh thế hệ Rồng"
Miền đất cuộn trào nước Cửu Long
Nam phần địa thế nắng Xuân hồng
Tươi xanh vườn tược cây oằn trái
Đẹp thắm ruộng nương lúa trổ đòng
Non thẳm trải dài giăng tiếp dãy
Sông sâu chảy xiết đổ xuôi dòng
Lạc điền phong phú mưa cùng gió
Dân Việt hùng anh thế hệ Rồng
Songquang-4/25/18
VỀ MIỀM NAM MẾN YÊU
“Tung hoành trục khoán”
Nước Nam tươi đẹp non sông Lạc
Dân Việt hùng anh thế hệ rồng.
NƯỚC  đẩy phù sa cửa Cửu Long
NAM  phương cũng giống hạ lưu Hồng
TƯƠI  vui lắm rạch thuyền theo lái
ĐẸP  đẽ nhiều kênh sóng thuận dòng
NON  rộng đồng xanh không thiếu thóc
SÔNG dài lúa tốt chẳng thua đòng
LẠC bày con trẻ mau về gấp
DÂN VIỆT HÙNG ANH THẾ HỆ RỒNG
Thanh Hòa
ĐẤT NƯỚC THÂN YÊU
“Tung hoành trục khoán”
NƯỚC của chúng ta gốc Đại Hồng
NAM triều tiên đế tự Giao Long
TƯƠI xinh màu mỡ nuôi trăm họ
THẮM thiết yêu thương giúp giống giòng
NON thẳm rừng sâu vườn rợp lá
SÔNG dài thác rộng ruộng đầy đòng
LẠC  Âu nổi tiếng từ muôn thuở
DÂN VIỆT HÙNG ANH THẾ HỆ RỒNG.
TRỊNH CƠ Paris 25/04/2018
GIỐNG TIÊN RỒNG
“Tung hoành trục khoán”
ĐẤT NƯỚC VANG LỪNG TRANG SỬ VIỆT
NĂM CHÂU THÁN PHỤC  GIỐNG TIÊN RỒNG
ĐẤT  phù sa giữ bãi sông Hồng
NƯỚC tụ mạch nguồn cội Cửu Long
VANG ngát tinh thần dù ngược đãi
LỪNG thơm khí phách mãi xuôi dòng
TRANG thư giấu ở nơi bầu sữa
SỬ sách tàng trong ngọn lúa đòng
VIỆT Tộc Hùng Vương khai mở cõi
NĂM CHÂU THÁN PHỤC GIỐNG TIÊN RỒNG
Như Thị
GIỮ NƯỚC
“Tung Hoành Trục Khoán”
Vua Hùng xây dựng nước nhà tươi
Hãy kết đoàn nhau giữ mạch Rồng
Vua Tổ ngàn xưa giống Lạc Hồng
Hùng anh một cõi tựa Giao Long
Xây từng dãi đất nuôi tòng tộc
Dựng mỗi bờ sông chảy nối dòng
Nước vững do người chung ý chí
Nhà tan bởi kẻ trở dao đòng
Tươi vui bỗng hóa thành tai họa
Hãy kết đoàn nhau giữ mạch Rồng
Bảo Trâm-Tháng Tư-2018
VIỆT NAM TRƯỜNG TỒN
“Tung Hoành Trục Khoán”
ĐẤT TỔ LƯU TRUYỀN NÒI LẠC VIỆT
NƯỚC NAM GHI TẠC GIỐNG TIÊN RỒNG!
ĐẤT thiêng ôm trọn dải sông Hồng
TỔ hợp sông ngòi hội tụ long
LƯU giữ danh thơm tươi vạn thuở
TRUYỀN đi nhựa sống đẹp muôn dòng
NÒI xưa chú trọng điều canh ải
LẠC cũ chăm lo lúa trổ đòng
VIỆT tộc trường tồn qua sóng gió
NƯỚC NAM GHI TẠC GIỐNG TIÊN RỒNG!
Đoàn Đình Sáng
NGUỒN ĐĂNG TỪ songthu195@yahoo.com.vn