THÔI TA GIÃ PHỐ TÌM QUÊ,THỎNG TAY BUÔNG BỎ NHIÊU KHÊ LỤY PHIỀN.THÀ VỀ GỐI GIẤC CÔ MIÊN ,TIÊU DAO ĐÙA GIỠN CÕI MIỀN NGUYÊN SƠ!CÁM ƠN CÁC BẠN GHÉ THĂM VÀ GHI CẢM NHẬN!

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

ĐỌC “VÒNG ĐỜI” Thơ Lê Đình Hạnh


Vòng Đời
Người bỏ ta đi- ta bỏ người…ở lại
Nỗi buồn riêng “thân ngựa đã xa bầy”
Mây còn nhớ quay về thăm đỉnh núi
Còn người…như là gió heo may

Nhớ mà chi núi đồi đã khuất
Tiếc mà chi một gánh bỏ bên đường
Anh cuốn cờ - xếp giáo – buông cương
Tôi đốt áo, tro tàn nay đã lạnh

Sông ngày xưa chia thành trăm nhánh
Người sông xưa vứt gánh mộng bên trời
Một vòng đời có được mấy vòng chơi?!
Lê Đình Hạnh

Lời bình: Châu Thạch
Ở Đà Nẵng có một nhóm thơ tên là Thân Hữu. Thân Hữu chỉ là cái tên để có mà gọi nhưng thật ra thành viên chỉ là nhưng con người tự do và yêu thơ,  thỉnh thoảng gặp nhau trong quán cà phê hay bên vỉa hè một con đường phố. Nhóm thơ nầy như những vần mây tụ lại, trôi đi, bay vẫn vơ phiêu bồng. Họ không có danh sách thành viên, không có điều lệ,  đa số không gia nhập một hội đoàn nào. Trong đó Lê Đình Hạnh là một bụng thơ mà mỗi lần gặp nhau, thơ anh ngân lên như những sợi tơ vàng từ thân con én, khiến mọi người lắng nghe đến độ ngẩn ngơ. “Vòng Đời” là một trong những bài thơ đó, nó ngắn, nó không phải thơ tình nhưng làm cho nước mắt rơi vì nó cũng nhiều.
Vào khổ thơ đầu tiên ta đã thấy lời trách nhẹ như “gió heo may” của Lê Đình Hạnh đã khiến se lạnh lòng ta:
Người bỏ ta đi- ta bỏ người…ở lại
Nỗi buồn riêng “thân ngựa đã xa bầy”
Mây còn nhớ quay về thăm đỉnh núi
Còn người…như là gió heo may
Đọc câu thơ đầu tiên lòng ta đã thấy se thắt.“ Người bỏ ta đi – ta bỏ người…ở lại”. Người bỏ ta đi, ta cũng bỏ người nhưng ta không đi mà ta ở lại. “Người bỏ ta đi là một tiếng than xé lòng. “Ta bỏ người …” chỉ là sự giận hờn nơi cửa miệng. “Ở lại” là hứng chịu tất cả nỗi đau. Thật ra nếu ta bỏ người được thì bài thơ không bao giờ có và bài thơ cũng không đắng cay đến thế.
“Nỗi buồn riêng “thân ngựa đã xa bầY”: Ta ở lại mà ta là ngựa xa bầy nghĩa là cả bầy ngựa đã tung vó đi xa, chỉ còn ta cô đơn một mình ở lại.
“Mây còn nhớ quay về thăm đỉnh núi”: Một sự nhân cách hóa mây và núi thành người. Một hình ảnh đẹp, phả vào tâm hồn người đọc rất nhiều cảm xúc, rất nhiều tưởng tượng, mở rộng không gian, chất chứa ý thơ lảng mạn, tràn đầy với lời “Thề Non Nước” của Tản Đà năm xưa.
“Còn người…như là gió heo may”: Với thời tiết thì gió heo may quay lại năm sau nhưng với Lê Đình Hạnh đó là gió heo may của chính một mùa nhất định nào đó trong đời. Ngọn gió ấy bay đi và không bao giờ quay lại.
Cả bốn câu thơ đúng là cơn gió heo may, thiết tha và hờn dỗi, thấm đậm và se lạnh tâm hồn. Tâm sự người ở lại dằn vặt, cay đắng, chất chứa nỗi sầu cao vời vợi như con ngựa cô đơn quay đầu hý vang vọng về đỉnh núi xa xôi.
Rồi thì qua khổ thơ thứ hai, một loạt những hình ảnh phũ phàng hiện lên trên bức tranh chứa cả không gian và thời gian ảm đạm:
Nhớ mà chi núi đồi đã khuất
Tiếc mà chi một gánh bỏ bên đường
Anh cuốn cờ - xếp giáo – buông cương
Tôi đốt áo, tro tàn nay đã lạnh
Hình ảnh núi đồi là hình ảnh của sự nghiệp. là hình ảnh của sơn hà. Tất cả đã khuất rồi, thôi không nhớ làm chi nữa, thôi không tiếc làm chi nữa, vì cái lớn lao đó nay tầm thường như một đôi quang gánh bỏ bên đường. Tuổi trẻ hăng say tưởng gánh cả sơn hà trên vai nhưng ngờ đâu phải đặt nó xuống. Đặt nó xuống rồi nhưng đôi vai không hề nhẹ vì phải gánh bao nhiêu điều hệ lụy khác.  Hai câu thơ như tiếng khóc bên quan tài, không nhớ không thương không tiếc mà nước mắt cứ nghẹn ngào, và nước mắt cứ nuốt vào lòng, chua xót.
Tiếp hai câu thơ sau, nhà thơ thổ lộ cái hoàn cảnh bi thương của hai người. Hóa ra họ là đôi chiến hữu:
Anh cuốn cờ - xếp giáo – buông cương
Tôi đốt áo, tro tàn nay đã lạnh
Người thì buông cương, người thì đốt bộ áo lính đã lâu rồi. Tất cả đã thành tro tàn và tro tàn đã trở nên lạnh lẻo. Câu thơ cho ta biết thời gian đi qua cơn biến động cũng lâu rồi, nhưng nỗi buồn đọng trong lòng họ càng ngày càng lạnh thêm, vì đống tro tàn vẫn còn đó, nó không biến đi mà mỗi ngày nó lại lạnh thêm.
Bốn câu thơ cho ta thấy người anh hùng đã tiêu tan sự nghiệp, hiệp sĩ đã bất đắc chí giữa đời, niềm đau gặm nhấm tâm hồn, làm cho bất mãn cuộc đời, dằn vặt trong hiện tại, muốn buông bỏ quá khứ nhưng quá khứ như con sâu tuyệt đẹp cứ ăn mòn tâm tưởng.
Khổ thơ chót chỉ có ba câu. Ba câu thơ kết lại làm hiển hiện một thế hệ tan tác như con sông chia thành trăm nhánh và người trên sông buông thuyền bỏ lái lưu lạc bốn phương trời:
Sông ngày xưa chia thành trăm nhánh
Người sông xưa vứt gánh mộng bên trời
Một vòng đời có được mấy vòng chơi?!
“Một vòng đời bỏ lại mấy vòng chơi?!: Một câu hỏi. một tiếng than, vọng lên cho tâm hồn suy nghiệm một kiếp nhân sinh. Đó là triết lý Phật giáo? Đó là giáo lý Thiên Chúa giáo? Không, nó không là triêt lý hay giáo lý của ai cả. Nó là câu hỏi của Lê Đình Hạnh, là tiếng than của lê Định Hạnh, hay đúng ra là tiêng than của cả một thế hệ sinh ra trong chiến tranh, chịu nhiều hệ lụy trong cả thời bình.
Lê Đình Hạnh là người ở lại. Bài thơ để trách những người chiến hữu cùng nhau một lần buông súng, đã ra đi mà không quay lại nhưng trách như một chinh phụ ngồi chờ chinh phu bên song cửa hẹp. Biết đâu sẽ có một ngày “ Ngựa hồng đã đến bên hiên/ Chị ơi trên ngựa chiếc yên vắng người” thì lại càng thêm đau khổ ./.
Châu Thạch

Nguồn email : truongvantran@hotmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

* Các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ*