THÔI TA GIÃ PHỐ TÌM QUÊ,THỎNG TAY BUÔNG BỎ NHIÊU KHÊ LỤY PHIỀN.THÀ VỀ GỐI GIẤC CÔ MIÊN ,TIÊU DAO ĐÙA GIỠN CÕI MIỀN NGUYÊN SƠ!CÁM ƠN CÁC BẠN GHÉ THĂM VÀ GHI CẢM NHẬN!

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018

TỰ THÁN !

THƠ XƯỚNG HỌA
Trúc Lệ & Thi Hữu
TỰ THÁN !
Lần trang quá khứ nhớ xa xưa...
Buồn vẫn theo ta đến tận giờ !
Nửa kiếp đã đành thân sống gửi.
Trăm năm khôn nhẽ cảnh ăn nhờ.
Bút gầy luống ngại dòng năm tháng.
Áo mỏng thêm gờm chuyện nắng mưa.
Lệ nến đêm đêm sầu nhỏ giọt...
Mỏi mòn đến cả mảnh tình thơ !
Trúc Lệ - Trần Lệ Khánh.
TỰ THÁN
Chao ôi! nhớ lắm những ngày xưa
Kỷ niệm buồn vui mãi đến giờ
Anh kiệt sa cơ, không lối thoát
Lính già lở vận, chẳng nơi nhờ
Xuân về thoi thóp, tìm cơm áo
Đông đến đắm chìm, gội gió mưa
Tuổi hạc sẻ chia bên chén rượu
Nổi niềm trao gữi mấy vần thơ.
Thanh Trương
TỰ SỰ
Ngàn trùng ảm đạm quánh buồn xưa
Thả giọt hoang vu rớt xuống giờ
Nắng rọi hoàng hôn thầm bóng gửi
Tình ôm nhật nguyệt ấm tay nhờ
Tiêu huyền lá rụng đau cài gió
Sóng nhạc đêm tàn lạnh trốn mưa
Cổ độ sông dài trôi lóng ngóng
Mơ màng xếp chữ ngỡ còn thơ…
Lý Đức Quỳnh
MƠ TƯỞNG
Say gót tang bồng dạo chốn xưa
Thuyền ai gác mái tự bao giờ?
Sông sâu bến lạnh ân cần hỏi
Khách lạ miền xa bối rối nhờ
Người ở phương nầy luôn ngại tuyết
Bậu về nơi ấy hẳn còn mưa?
Canh tàn thao thức rồi mơ tưởng...
Chóng được quay về với tuổi thơ!
Như Thu
ĐÁNH MẤT NÀNG THƠ ...
Cả đời mãi nhớ chuyện ngày xưa
Ray rứt tim ta đến hiện giờ
Phiêu bạt giang hồ thân trú tạm
Lang thang sông núi mạng nương nhờ
Trầm buồn hiu hắt khi trời nắng
Lạnh buốt âm thầm lúc gió mưa
Quên lãng thi ca cùng kỷ niệm
Biết bao giờ trở lại hồn thơ ?
TRỊNH CƠ Paris (31/03/2018)
KỶ NIỆM THÀNH THƠ
Biết bao kỷ niệm chuyện tình xưa
Thường rối lòng ta tự bấy giờ
Bến đục đò xuôi đành phải chịu
Dòng trong thác ngược biết đâu nhờ
Tim rêm người xẻ khô đường máu
Lều rách mình khơi đẫm giọt mưa
Một thoáng bùng lên rồi chợ tắt
Vẫn còn kịp gỡ dệt thành thơ .
PHAN TỰ TRÍ (31/03/2018)
TỰ RU
Hồi ức đong đầy tự thuở xưa
Theo nhau nỗi muộn, hẹn bây giờ
Huyễn mơ muôn nẻo hồn bay lạc
Buồn tủi bao năm kiếp sống nhờ
Thẹn lắm đâu còn gan đốt lửa
Tiếc rằng chẳng mãi tuổi vầy mưa
Thôi thì nhìn lại, đời nghiêng xế…
Gửi gắm lòng mình thẳm ý thơ…
CAO BỒI GIÀ
GẮN BÓ
Lòng hoài nhớ lại những ngày xưa
Kỷ niệm khôn phai tự bấy giờ
Hẹn ước một lời, duyên gởi gấm
Thủy chung trọn kiếp, phận nương nhờ
Đường đời sánh bước say tình mộng
Năm tháng kề vai vượt gió mưa
Tử biệt chỉ là trong cõi tạm
Sẽ cùng tung cánh giữa trời thơ.
Sông Thu
Mãi  đơn côi
Ngày đó xa rồi, hẳn chuyện xưa?
U sầu trạnh nhớ quãng đời thơ...
Bơ vơ lạc lõng thân bèo dạt
Buồn tủi cô đơn kiếp sống nhờ
Dẫu cố qua cơn vùi dập gió
Mà nào thoát cảnh dãi dầu mưa
Hắt hiu nến cạn khô dòng mực
Mòn mỏi đêm thâu tự bấy giờ.
Thanh Hoa
BUỒN TÂM SỰ
Sông dài bãi vắng nắng vàng xưa
Người vẫn xa xôi mãi đến giờ
Gầy guộc yêu thương đâu chốn tựa
Bẽ bàng luyến nhớ nỏ nơi nhờ
Canh tàn bút lạnh ngày đông bấc
Nến lụn hồn thu tháng nắng mưa
Heo hút trang đời duyên  phận hẩm
Lòng sầu tâm sự gửi vào thơ!
Hương Thềm Mây-(GM.Nguyễn Đình Diệm)

THƯƠNG !

THƠ XƯỚNG HỌA
Như Thị ,Phan Tự Trí,Lệ Khánh Trần,Như Thu, NS-Canada,
Minh Thúy,Trần Như Tùng,Lý Đức Quỳnh,Đức Hạnh,
Sông Thu,Thanh Hòa,

THƯƠNG !
“Thủ nhất thanh-liên hoàn”

Thương cỏ hoa trùm rét tháng giêng
Thương đời bản thiện tánh như nhiên
Thương Cha tất tả bơi muôn ngõ
Thương Mẹ lom khom lội mọi miền
Thương kẻ mò xuân triền xó chợ
Thương người cạo tết mé công viên
Thương em hái lộc miền yên tĩnh
Thương tiếng chuông rơi cõi nhiệm huyền

Thương tiếng chuông rơi cõi nhiệm huyền
Thương lời tao ngộ khúc đoàn viên
Thương tiêu dao thú thanh nhàn cõi
Thương dưỡng lão chơi vạn hạnh miền
Thương nụ cát tường thừa mãi hậu
Thương mầm an lạc bội thường nhiên
Thương Trâu thuần thục cùng vô trụ
Thương giọng Mẹ chào đón rét giêng!
Như Thị
BÀI HỌA
NHỚ !
“Thủ nhất thanh-liên hoàn”

Nhớ dành gạo mới cúng rằm giêng
Nhớ bản tính mình vốn hạo nhiên
Nhớ mẹ lưng còng bươn mấy xứ
Nhớ cha bụng đói chải trăm miền
Nhớ em xó chợ còn cơ khổ
Nhớ cụ cuối đời chẳng mãn viên
Nhớ bữa giật mình tan cả mộng
Nhớ mơ đã tới cõi vi huyền

Nhớ mơ đã tới cõi vi huyền
Nhớ gót nào qua chốn cẩm viên
Nhớ đặng về thôi thanh tịnh giới
Nhớ sao đến được vĩnh an miền
Nhớ đời lạc đạo tùy duyên tạo
Nhớ cảnh thường tâm bởi tự nhiên
Nhớ bếp đông về bên lửa ấm
Nhớ mừng no đủ cỗ rằm giêng!
Phan Tự Trí
MỪNG
Thủ nhất thanh liên hoàn
MỪNG lễ Phật đường suốt tiết giêng.
MỪNG cầu đất nước mãi an nhiên.
MỪNG nông cầy cấy lương toàn quốc
MỪNG lính thịnh cường giữ khắp miền.
MỪNG khách kinh doanh hưng sự nghiệp.
MỪNG người viễn xứ tết đoàn viên.
MỪNG tình dân tộc vui hòa hợp.
MỪNG khúc tình ca thật diệu huyền.

Mừng khúc tình ca thật diệu huyền.
Mừng người cao tuổi hưởng điền viên.
MỪNG thi nhân nở tươi vần bút.
MỪNG khách du đi đẹp mọi miền.
MỪNG mở lớp trường xanh mộng trúc.
MỪNG trồng cây trái biếc thiên nhiên.
MỪNG xây bệnh viên cho quần chúng.
Mừng đón ngày xuân đẹp tháng giêng.
Trần Lệ Khánh 28-3-2017
YÊU...
Thủ nhất thanh-liên hoàn
Yêu buổi tương phùng đón tiết giêng
Yêu lời chân thật tánh hồn nhiên
Yêu người khốn khó tìm trăm nẻo
Yêu trẻ bơ vơ ngược khắp miền
Yêu tiếng vui mừng vây bạn hữu
Yêu nhà sum họp đón thành viên
Yêu lòng chan chứa đầy thương cảm
Yêu lắm trần gian quả diệu huyền

Yêu lắm trần gian quả diệu huyền
Yêu dừng ý mã với tâm viên
Yêu ngày học hỏi từ bi hạnh
Yêu lúc dồi trau hỷ xả miền
Yêu sóng rì rào luôn tự tại
Yêu thuyền tấp nập vẫn an nhiên
Yêu đời huyễn mộng...nhìn như vậy!
Yêu nắng hanh vàng rực rỡ giêng!
Như Thu
MONG
Thủ nhất thanh-liên hoàn
Mong trời ấm áp lúc ra giêng
Mong nụ tầm xuân trẩy tự nhiên
Mong đất ươm mầm lên đám cỏ
Mong người rải phước khắp thôn miền
Mong quê giữ nét đời yên tĩnh
Mong nước tràn ân đức mãn viên
Mong mọi người dân đều hạnh phúc
Mong cho giấc mộng đẹp mơ huyền !

Mong cho giấc mộng đẹp mơ huyền
Mong nắng tràn qua chốn thảo nhiên
Mong mạ um đầy nơi  ruộng lúa
Mong đồng xanh mướt khắp thôn miền
Mong mưa dừng lại thôi giông bão
Mong lũ ngưng về đắm lãm viên
Mong khói lam chiều vương mái lá
Mong trăng vằng vặc sáng rằm giêng !
NS-CANADA
VUI
Thủ nhất thanh
Vui ngày hội chợ buổi đầu giêng
Vui cảnh dân hiền sống mặc nhiên
Vui phố chưng bày hàng đủ loại
Vui ta  mua sắm món nhiều miền
Vui hành hương lễ cùng đoàn thể
Vui tiệc niên đầu với hội viên
Vui cảm đêm rằm thương mẹ khuất
Vui say sinh nhật luyến trăng huyền

Vui say sinh nhật luyến trăng huyền
Vui Tết ba ngày được mãn viên
Vui giỗ ông bà nơi xứ lạ
Vui chia sữa , kẹo chốn quê miền
Vui nhìn giọt nắng rơi e ấp
Vui ngắm hoa hồng nở tự nhiên
Vui hưởng mây trời màu sắc thắm
Vui vì có bạn tháng ra giêng
Minh Thuý-Tháng 3- 2018
THƯƠNG VÌ
Thủ nhất thanh
Thương cánh én vờn rét giữa giêng
Thường cây mạ lướt giữa thiên nhiên.
Thương người nhổ bó đưa ra xới
Thương kẻ dúi khom cấy các miền.
Thương chú trâu cày trong ruộng nước
Thương đàn gà nhép giữa khuôn viên.
Thương vì bấc rít đôi ngày đậm
Thương chốn trần gian lắm dị huyền.

Thương chốn trần gian lắm dị huyền
Thương bao thành phố thiếu công viên
Thương người lỡ bến qua nhiều buổi
Thương kẻ kẹt xe ở lắm miền.
Thương muốn vùng sâu mau khởi sắc
Thương mong cuộc sống được an nhiên .
Thương vì sinh hoạt đầy đe dọa
Thương gửi chuông chùa rung tháng giêng
Trần Như Tùng
NHỚ
Thủ nhất thanh-liên hoàn
Nhớ ngày hè hội lúc ra giêng
Nhớ thuở yên bình thật đạm nhiên
Nhớ nước non tình chan bốn biển
Nhớ làng xóm nghĩa vẹn trăm miền
Nhớ cần lao sống lòng vô hận
Nhớ lạc quan đời trí mãn viên
Nhớ ánh dương huy ngời khoáng đãng
Nhớ đêm trăng vút tiếng tiêu huyền

Nhớ đêm trăng vút tiếng tiêu huyền
Nhớ gió giao hòa ngự lãm viên
Nhớ mẹ gieo mầm lên nguyện địa
Nhớ cha gặt quả ở an miền
Nhớ dòng nước chảy về êm ái
Nhớ nhịp đời trôi đến thản nhiên
Nhớ buổi quê xuân màu rất lạ
Nhớ cành lộc mới trổ trời giêng….
Lý Đức Quỳnh
NHỚ
Thủ nhất thanh-liên hoàn
Nhớ đêm Chú Cuội trải rằm giêng
Nhớ nụ hoa hồng nở thản nhiên
Nhớ đóa môi cười ngời thục nữ
Nhớ trăng gió hát đẹp đôi miền
Nhớ tình - nhớ nước dòng sông Mẹ
Nhớ nghĩa - nhớ vườn cảnh nguyệt viên
Nhớ nhịp tim hòa lòng thắm thiết
Nhớ em ..nhớ cả cánh mi huyền...

Nhớ em…nhớ cả cánh mi huyền
Nhớ nụ hôn đầu thắm mộng viên
Nhớ dáng nhu mì ngời ngọc nữ
Nhớ tình ấm áp đẹp muôn miền
Nhớ khung trời tím hương tình ái
Nhớ cánh duyên hồng cảnh tự nhiên
Nhớ tiếng em cười xuân thắm nở
Nhớ cùng ước hẹn tới ra giêng…
Đức Hạnh - 30 03 2018
SAY
Thủ nhất thanh - Liên hoàn
Say hương hoa ngát buổi đầu giêng
Say mật ong rừng kết tự nhiên
Say ánh nắng vàng trên vạn nẻo
Say vầng trăng bạc khắp bao miền
Say tà áo lụa ngày tao ngộ
Say chén rượu nồng phút hợp viên
Say nét rạng ngời cô thiếu nữ
Say làn tóc mượt tựa nhung huyền.

Say làn tóc mượt tựa nhung huyền
Say bước chân trần qua thảo viên
Say khúc tương tư trên sóng nước
Say câu hò hẹn dưới trăng miền
Say người tri kỷ lòng trong sáng
Say bạn chung tình nét tự nhiên
Say sắc rạng ngời trong vũ trụ
Say trời lành lạnh buổi ra giêng.
Sông Thu
MÊ THEO THỜI GIAN
Mê thời tiết mát buổi ra giêng
Mê áo choàng bông khoác tất nhiên
Mê guốc đế cao,trào khắp chốn
Mê khăn lụa đỏ,mốt bao miền
Mê cha đã hứa cho ca nhạc
Mê mẹ vào thăm bách thảo viên.
Mê riết làm sao,hương lúa mới!
Mê thôi chả hết, ánh Xuân huyền!

Mê thôi chả hết ánh xuân huyền
Mê hưởng liên hoan chốn lạc viên
Mê ngoạn vô biên đầy tám hướng
Mê du chẳng giới khắp muôn miền
Mê thăm thủy cốc nơi hoang dã
Mê viếng sơn lâm cõi tự nhiên
Mê chốn non xanh cùng nước biếc
Mê trời đất đẹp lúc ngoài giêng.
Thanh Hoà

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

THẮNG CẢNH HẢI VÂN


THẮNG CẢNH HẢI VÂN 
QUA ĐƯỜNG THI NHÀ THƠ THẠCH CHÂU

                            Bài viết: Châu Thạch
Đèo Hải Vân còn có tên Ải Vân, là một phần của dãy Trường Sơn cắt ngang dãy núi Bạch Mã chạy sát ra biển, nằm giữa ranh giới của tỉnh Thừa Thiên và thành
phố Đà Nẵng. Đây là một con đèo ngoạn mục, cảnh sắc thiên nhiên vừa nên thơ vừa hùng vĩ. Đường lên đèo khúc khuỷu, nước biển xanh bao quanh chân đèo, mây bay lưng chừng dưới mắt du khách. Qua Hải Vân còn gợi lại lòng ta đến lịch sử xa xưa của hai dân tộc Chiêm và Việt với chiến trận, với cuộc tình tay ba của nàng công chúa với tướng Việt, với vua Chiêm đã trở nên huyền sử.
Thơ đề vịnh về Hải Vân thì nhiều lắm. song đáng chú ý là bài thơ “Vãn Quá Hải Vân Quan” của Trần Quý Cáp mà cặp trạng “Sầu ngập mắt trông ngàn dặm biển/Giận tung quyền phá bốn trời mây” nói lên tấm lòng và chí khí của một người yêu nước.
Ngày nay, theo phong trào Đường thi, có hàng ngàn bài thơ viết về Hải Vân, trong đó có hai bài thơ của nhà thơ Thạch Châu đã mô tả đèo Hải Vân vừa cảnh vừa tình được xem như đầy đủ mà người viết muốn giới thiệu cùng bạn đọc.
Trước hết ta hãy đi vào bài thơ tả cảnh:
THẮNG CẢNH HẢI VÂN
Hùng quan lịch sử tạc lưng trời
Chất ngất non ngàn hướng biển khơi
Sóng quyện chân đèo tung nước biếc
Gió luồn vách núi vọng âm ngời
Ru hồn lữ khách bao xao xuyến
Níu dạ văn nhân chút thảnh thơi
Tiên cảnh bồng lai sương dỡn sóng
Hải Vân thắng cảnh để lưu đời…
Thạch Châu
Vì sao gọi Hải Vân là “Hùng quan lịch sử tạc lưng trời”?
Theo sử liệu, trước năm Bính Ngọ (1306) vùng đất có đèo Hải Vân thuộc châu Ô và châu Rí của vương quốc Cham Pa (còn gọi là Chiêm Thành). Sau đó vùng nầy được vua Champa cắt làm sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân của nước Đại Việt ta. Từ đó ngọn đèo trở thành ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Ngày nay trên đỉnh đèo Hải vân còn có dấu vết một cửa ải. Cửa ải này được xây với tường dày kiên cố, cao 490 mét so với mực nước biển, bên dưới có vòm cổng lớn, bên trên là một tầng riêng có cửa sổ để quan sát, làm nhiệm vụ phòng thủ cho kinh thành xưa. Mặt chính của cổng hướng về tỉnh Thừa Thiên - Huế với tấm bảng khắc 3 chữ "Hải Vân Quan", còn mặt sau hướng về thành phố Đà Nẵng với 6 chữ "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Danh hiệu này tương truyền do vua Lê Thánh Tông phong tặng khi nhà vua dừng quân ở đây vào năm Canh Thìn (1470). Hùng là rạng rỡ, quan là cửa ải. Người xưa đã công nhận đây là một của ải đẹp nhất thiên hạ.
Tiếp theo vế mở, Thạch Châu vào vế trạng để tóm lược phong cảnh bằng hai bức tranh ước lệ: “Sóng gợn chân đèo tung nước biếc/Gió luồn vách núi vọng âm ngời”. Nếu du ngoạn đèo Hải Vân, xe sẽ đưa du khách chạy quanh các sườn núi mỗi lúc một lên cao. Du khách sẽ nhìn thấy một bên là núi chồng núi, một bên là biển nối biển. Ngồi trên cao, mắt nhìn từng làn sóng xanh biếc nối tiếp vổ vào vách chân đèo, tai nghe tiếng gió vi vu từ biển thì hai câu thơ của Thạch Châu đã gợi hình, gợi âm, miêu tả hầu như sinh động phong cảnh Hải Vân.
Câu luận của bài thơ phơi bày tâm trạng của khách khi qua đèo Hải Vân:
Ru hồn lữ khách bao xao xuyến
Níu dạ văn nhân chút thảnh thơi
Hai câu thơ nầy tuy phân biệt trạng thái khác nhau giữa lữ khách và văn nhân vì mục đích để làm chỉnh câu đối, nhưng thật ra nhà thơ muốn mô tả tâm trạng chung của mọi người khi qua đèo và cảm nhận của họ khi dừng chân ở lưng chừng đèo hay dừng chân tại đỉnh đèo để nhìn phong cảnh.
Người qua đèo dầu bất cứ ở thời tiết nào cũng không thể không xao xuyến khi nhìn cảnh hùng vĩ của núi rừng và cảnh nên thơ của biển quanh co dưới chân mình. Bên vách núi những con suối nước trong ào ào chảy xuống như từng giãi lụa vắt trên vai rừng xanh. Đối diện, dưới vực sâu, biển xanh dờn. sóng vổ ì âm tung bọt nước. Trời nắng, mặt trời chiếu lung linh muôn màu sắc. Trời xấu, sương mù giăng khắp núi rừng, ta đi lên hay xuống đều tưởng như con đường dẫn vào cõi thiên thai. Đặc biệt , Hải Vân được gọi là “Ải Mây” rất đúng. Mây bay là đà bên vách núi, mây hòa trong khói sóng, mây tựa vào nhau lớp lớp, mây xây thành và biến hóa giữa không trung. Vào những đêm trăng, chị hằng vành vạnh cho ta thấy đến tận làn da, lung linh trên đầu non hay giữa không gian bao la trên vùng biển xanh bát ngát.
Xe dừng lại bất kỳ một nơi nào đó, khách đưa mắt nhìn bao quát, lòng cảm nhận vô cùng thảnh thơi trước phong cảnh hữu tình. Nhất là tại đỉnh đèo, tại đây ta đứng nhìn thung lũng tít mờ xa, nhìn cung đường uốn lượn, nhìn Hải Vân Quan rêu phong và uống một ly cà phê hay trà đậm ở quán bên đường, lòng ta thấy thảnh thơi, nhẹ nhàng đến cả chiếc áo ta đang mặc cũng dường như không có.
Vế luận của bài thơ đọc tưởng bình thường như bao câu Đường thi khác, nhưng thật ra chữ “thảnh thơi” đi đôi với chữ “xao xuyến” đã có sự liên đới giữa “cảnh sinh tình” và “tình đối cảnh” trong nghệ thuật miêu tả mà Thạch Châu đã học được cụ Nguyễn Du ngày xưa là vị thầy của bao thế hệ.
Qua vế kết của bài thơ “Tiên cảnh bồng lai sương dỡn sóng/Hải Văn thắng cảnh để lưu đời” ta để ý đên cụm từ “sương dỡn sóng”. Sương là hình ảnh của sự mong manh, sóng là hình ảnh của sự hùng vĩ. Nhà thơ cố ý để hai hình ảnh nầy thành đôi bạn, mục đích kết hợp vẽ đẹp tuyệt vời của phôi pha trong trường cửu, của không trong có, của sự vô vi giữa trời đất mông lung, làm cho trong trí ta càng thêm rõ nét một vùng tiên giới Hải Vân.
Trên là bài thơ tả thắng cảnh Hải Vân. Dưới đây là bài thơ tả dấu tích tình yêu còn lưu lại trên ngọn núi Hải vân:
DẤU TÌNH
Chất ngất non ngàn đỉnh Hải Vân
Hùng quan dấu tích lệ Huyền Trân
Lòng nghe xao xuyến trong tình bạn
Dạ bổng bồi hồi với nghĩa nhân
Nước Việt muôn trùng mang nỗi nhớ
Non Chiêm ngàn dặm gởi niềm thân
Ngày xưa dâu bể vì sao tỏ
Sương lạnh phòng khuê kiếp bạc phần.
Thạch Châu
Đọc thơ ta biết ngay tác giả khóc cho mối tình bi lụy của công chúa Huyền Trân mà Hải Vân Quan coi như là dấu tích còn lưu lại cho đến ngày nay. Nhìn Hải Vân Quan không ai là không nhớ đến sự tích Huyền Trần công chúa. Huyền Trân công chúa là công chúa đời nhà Trần. Bà là con gái của vua Trần Nhân Tông, em gái của vua Trần Anh Tông. Năm 1306, Huyền Trân công chúa được gả cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Rí.. Bằng đường bộ, công chúa Huyền Trân sang Chiêm quốc, có Trần Khắc Chung đưa tiễn. Chắc chắn khi qua đỉnh đèo, Hải Vân Quan là nơi công chúa phải dừng lại để đoàn tùy tùng nghỉ ngơi, chuẩn bị cho hành trình xuống núi, cũng để nhìn phong cảnh ngoạn mục hai bên đèo. 
Kinh đô Đồ Bàn hân hoan tiếp đón giai nhân lẫy lừng cõi Việt, long trọng tổ chức hôn lễ. Huyền Trân trở thành hoàn hậu. Éo le thay, tháng 5 năm Đinh Mùi 1307, vua Chế Mân đột tử. Theo tục lệ Chiêm Thành, chúa chết thì bà hậu của chúa phải vào giàn thiêu để chết theo. Vua Trần Anh Tông biết thế, sai Trần Khắc Chung, mượn cớ sang viếng tang rồi dùng mưu cướp lấy công chúa đem về, đi đường biển loanh quanh chậm chạp, lâu ngày mới về đến kinh đô. Bập bềnh trên sóng biển Đông phía ngoài đèo Hải Vân, vụt gặp mưa bão, hải đoàn Đại Việt tấp vào để tránh thiên tai. Như thế cả chuyến đi và chuyến về, gót chân nàng công chúa dều đặt lên đất Hải Vân. 
Cũng theo hư truyền rằng trước khi sang làm dâu xứ Chiêm, Huyền Trân và Trần Khắc Chung đã có một mối tình sâu đậm, vì lợi ích quốc gia nên đành phải hy sinh mối tình đầy thơ mộng để đổi lấy hai châu Ô Mã và Ô Rí. Rồi khi Chế Mân mất, tình xưa của hai người được kết nối qua cuộc giải vây và hộ tống Huyền Trân về lại Đại Việt. Năm qua tháng lại, dòng đời tuôn mãi, câu chuyện ấy vẫn được các thế hệ truyền lưu. Đâu là sự thật thì chưa biết được nhưng mối tình của họ đã đi vào huyền sử, tồn tại giai thoại trong tâm hồn người Việt.
Bài Đường thi “Dấu Tình”của nhà thơ Thạch Châu cho ta quay lại ngàn năm trước với những thứ tình mà công chúa Huyền Trân mang trong lòng. Tình yêu, tình bạn, tình non sông mà công chúa đã có được và đã hy sinh như còn “chất ngất” di tích trên “non ngàn đỉnh Hải Vân”. Khi đứng trên đỉnh đèo, nơi hùng quan đệ nhất thiên hạ, chắc chắn lòng công chúa se thắt lại. Hải Vân Quan, nơi chứng kiến bao giọt lệ của nàng tuôn rơi còn sừng sửng đến ngày nay, trơ gan cùng tuế nguyệt. Bài thơ cũng đã tả lại tình cảm của nàng công chúa ly hương, mang nỗi nhớ muôn trùng của nước Việt, non Chiêm ngàn dặm. Đã thế kiếp dâu bể khiến nàng phải “sương lạnh phòng khuê” bạc phận một đời, ôm khối yêu, ôm nghĩa vợ chồng với nỗi cô đơn trống trải ở độ tuổi còn xuân.
Qua hai bài Đường thi đã đọc. nhà thơ Thạch Châu đã vẽ trọn cảnh Hải Vân và tình sử Hải Vân. Cảnh làm dấu tích cho tình tồn tại với thời gian và tình làm cho cảnh càng thêm ý nghĩa. Người viết đang ở thành Phố Đà Nẵng, không lạ gì với Hải Vận cũng không lạ gì với sự tích Huyền Trân công chúa. Tuy thế đọc thơ lòng vẫn cảm xúc, bởi hai bài thơ dựng lại cái bên ngoài và cái trong nội tâm, quay lại nối lòng của một thời xa xưa bằng tâm tình ta ngày nay, hảnh diện bới non sông cẩm tú, bởi văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể tồn tại giữa không gian và thời gian trên đất, trong lòng chúng ta và con cháu chúng ta, mãi mãi đến mai sau.
                                                      Châu Thạch 
Ghi chú: Vì tính chất của bài, người viết có lấy tài liệu lịch sử trên sách vở không đặt vào ngoặc kép để bài được sinh động. Xin bạn đọc thông cảm./.

NGUỒN ĐĂNG : truongvantran@hotmail.com

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

ĐỌC THƠ ÁI KHANH

ĐỌC THƠ ÁI KHANH
               Châu Thạch
Nhà thơ Ái Khanh, tên trên facebook Nguyễn Hương và có lẽ cũng là tên thật của tác giả, một thi hữu tôi kết bạn đã lâu trên mạng nhưng chỉ mới được đọc thơ lần đầu tiên sau ngày hội ngộ tại chùa Pháp Bảo Hội An. Thật ra tôi là con dế gáy dưới cỏ nên tầm nhìn hạn hẹp, vì thế khó mà thấy hết được vô số bông hoa rạng rỡ quanh mình. Về nhà đọc thơ chị, tôi như đi lạc vào một vườn thơ rất đẹp, ở đó có những đóa Đường thi thanh nhã, những hoa thơ mới, thơ lục bát chứa đựng màu sắc rất dễ nhìn với hương thơm vị lạ ngọt ngào.
Đầu tiên ta hãy nói về Đường thi của Ái Khanh. Hình như nhà thơ Ái Khanh chuyên về Đường thi, chị sáng tác rất nhiều đề tài . Với tôi thơ Đường của Ái Khanh được xếp vào vị thứ thượng thừa. Xin đơn cử một vài bài tiêu biểu để thấy cái chất “đường” trong thơ tác giả:
CHÂN NGUYÊN
Cầu kinh giải nghiệp thoát ưu phiền
Quán niệm tâm hồn bớt đảo điên
Ích kỷ, oán hờn, sân giận- bỏ
Từ bi, hỷ xả, vị tha- nguyền
Phật Thừa Giới Luật trung thành nguyện
Pháp Bảo Hoa Nghiêm chánh tín truyền
Bát Nhã thấm nhuần sanh Định Huệ
Ưu Đàm tuệ nở rạng Chân Nguyên

ÁI KHANH
KHÚC TĨNH TRÀ (1)
“Bát vận đồng âm”
Uống giọt tình chung "Khúc Tĩnh Trà"
Nâng ly đàm đạo chén thi ca
Lang quân lắng dạ lòng vô ngã
Ái nữ nhiên hồn suối vị tha
Sống thiện vi hòa khai phúc khả
Nương thiền dĩ quý diệt tâm ma
Hương sen ngào ngạt đài lan nhã
Đối ẩm tri nhàn thưởng nguyệt sa

ÁI KHANH
Ở bài “Chân Nguyên” tiếng thơ như tiếng trống Bát Nhã dập dồn, như tiếng chuông đến hồi thúc ép linh hồn giác ngộ, như tiếng tụng niệm vụt vang lên sang sảng. Thế nhưng nghe tiếng thơ ấy tâm hồn ta lại trở nên ôn nhu, phấn chấn trong thiện tánh và cảm thấy háo hức tìm kiếm một niềm an lạc. Toàn bộ bài thơ rất ngắn, chỉ có tám câu bảy chữ nhưng nhà thơ đã gói trọn gần như toàn bộ Phật pháp vào đó. Người đọc thơ không có một chút mệt mõi bởi những từ bí hiếm, cảm thụ được hoàn toàn tinh hoa của kinh Phật, rót vào tâm lời chân lý ngọt ngào.
Ở bài thơ “Khúc Tình Trà”, hương thơm Tịnh Độ thấm vào tâm hồn cả hai thế hê vợ chồng và con. Hương trà không phải là thứ hương tầm thường chỉ để làm thơm khẩu vị, mà nó trở thành hương thoát tục, diệt tâm ma và thăng hoa vào cõi “hương sen ngào ngạt” để “Đối ẩm tri nhàn thưởng nguyệt sa”. Hai câu thơ kết tuyệt vời, nó gói trọn vào đó hương sen của trà, hương của nguyệt, hương của hoa lan, tất cả kết tụ thành hương của nhàn, một thứ hương trọn ven của chốn non bồng ở giữa thế gian. Thứ hương đó lại không phải chỉ dành cho một ông lão nào đó có cốt cách tiên ông thưởng thức mà nó ở giữa một gia đình hiện đại đang đàm đạo thi ca có vợ, có chồng và có cả trẻ thơ. Thơ Đường như thế có phải là thơ Đường hay không tôi không biết nhưng đọc thơ tôi thấy cả một gia đình đang hạnh phúc trong niềm vui an lạc, và tôi thấy nó thực tế hơn cả những bài thơ thiền, thơ trà đạo.
Nhà thơ Ái Khanh có cả trăm bài Đường thi như thế. Tôi chỉ đọc được vài chục bài. Mỗi bài thơ của chị không đem đến cho tôi nỗi buồn sâu thẳm, nỗi nhớ nhung khôn vơi, nỗi hối tiếc cuộc đời mà trái lại đem đến cho tôi một thứ tình cảm chứa chan tình yêu cuộc sống, mến bạn bè, ham muốn thiện tâm và vui cùng thi phú.
Bước qua nhưng thể thơ khác ta tìm thấy những gì ở Ái Khanh?. Thì đây là một bài rất thơ gọn nhẹ, chỉ nói về cà phê:
CAFE MỘT MÌNH
Âm thầm giọt đắng ru đời
Một mình lặng lẽ xuân ngời hư vô
Lục tìm ký ức ngây thơ
Hoa an nhiên nở bên bờ thanh thiên ...!

                   Ái Khanh
Thanh thản đến thế là cùng!!! Người ta uống cà phê để nhớ về người xưa, hoặc không nữa thì cả một dòng sông ký ức trôi về trong tâm tưởng với biết bao vui, buồn. Ái Khanh uống cà phê một mình chỉ để nhớ những đóa “hoa an nhiên”” bên bờ thanh thiên” của “ký ức ngây thơ” một thời xa xưa ấy. Không phải Ái Khanh không có nối buồn, không có những điều hệ luy xảy ra trong đời, nhưng thơ là tiếng nói của tâm hồn, một tâm hồn lạc quan thì tiếng thơ cũng lạc quan làm cho bình tịnh lây cả vào lòng người thưởng thức thức thơ chị.
Ái Khanh viết về mùa xuân giống như ghép hàng chục bức tranh ước lệ vào thơ, mỗi bức tranh sống động và toàn bộ bài thơ như dập dồn những điệp khúc vui. Đọc “Tầm Xuân” của chị tôi  tưởng như thấy hoa nở dập dồn, nắng như lung linh, nụ cười rạng rỡ, áo dài tha thướt, cả mùa xuân và con người vui xuân hiện ra trước mắt: 
TẦM XUÂN
Gió mơ màng vào xuân
Giọt sương mai lấp lánh
Đào Cúc khoe sắc thắm
Sợi nắng vàng lung linh
Xuân chan chứa bao tình
Lòng người vui rạo rực
Cây nẫy mầm lá thức
Đôi môi cười thắm xinh
Nàng Xuân ơi! Rạng ngời
Xao xuyến cả đất trời
Dáng trang đài tha thướt
Tình đời ngỡ lên ngôi.
ÁI KHANH
Người đọc thơ hãy mở một khúc nhạc xuân nào đó để nghe, rồi ta thử đem so với “Tầm Xuân” của Ái khanh. Ta sẽ thấy tiếng thơ Ái Khanh và tiếng nhạc ngoài đời như đồng tiết tấu, đem vào lòng ta sự hân hoan như đứng giữa mùa xuân tươi thắm.
Tình yêu của Ái Khanh cũng là một thứ tình trọn vẹn chung thủy. Không có người đàn ông nào không trân trọng tình yêu của tác giả. Tình yêu ấy nâng cao giá trị của người phụ nữ, trung trinh tiết liệt và vượt qua mọi cay đắng của cuộc đời:
TÌNH EM
ANH đã hứa làm chồng muôn thuở 
TRAO tim yêu người vợ chung tình 
EM thề trước ánh bình minh 
CẢ đời yêu chỉ một mình anh thôi 
TẤM son sắt vẫn ngời trinh trắng
LÒNG dặn lòng cay đắng vượt qua

Ái Khanh còn có những bài thơ ngắn chỉ như là nói. Tiếng nói trong thơ tưởng như là đơn điệu nhưng thật ra trong sự bình dị, nhẹ nhàng đó lại tiềm ẩn một ý thơ sâu đậm, nặng trĩu một tâm tư bằng cách dùng một tứ thơ bất ngờ mới lạ:
MỘT MÌNH...!
Một mình chỉ một mình thôi
Một mình đối diện buồn vui một mình...!

AK
Bài thơ “Một Mình” của Ái Khanh đến những nhà thơ lớn chưa chắc đã dám làm, đọc cứ ngỡ những lời bình thường thót ra cửa miệng nhưng lời cửa miệng đó lại có tác dụng lặng lẽ trong sâu thẳm lòng ta. Sự cô đơn trong thơ len lỏi vào ta mà chính ta cũng không ngờ nó đến và đang ở lại trong trái tim mình.
Hãy đọc thêm bài thơ “Tơ Trời” của Ái Khanh để thấy những sợi tơ trời đó cũng vướng vào hồn ta thành những sợi tơ tình:
TƠ TRỜI ...!
Lạnh lùng Đong đếm hạt mưa
Chiều xuân vàng võ Mấy mùa xanh xao
Tóc cài Nỗi nhớ hanh hao
Câu thơ cằn cỗi Tình nào cho em !
Khát khao 
Giọt nắng màn đêm
Thời gian vô cảm
Dẫm lên rã rời
Chông chênh 
Níu sợi tơ trời
Bỗng dưng môi mặn 
Đắng lời thi nhân...!!!
Và rồi thơ thất tình là thứ thơ đau xót của mọi thi nhân nhưng qua tay Ái Khanh, thơ ấy đầy ánh trăng, đầy tiếng con tim rạo rực với hình ảnh con đò chở nửa vầng đã làm cho mối tình kia lung linh, thơ mộng và lãng mạn vô cùng:
RU NỬA VẦNG TRĂNG
Con đò chở nửa vầng trăng 
Ru em cái tuổi mười lăm dại khờ 
Ai thương thấp thỏm đợi chờ 
Thẹn thùng lúng liếng bên bờ tình yêu 
Con tim hóa rạo rực chiều 
Gót hài nhẹ bước cô liêu thẹn thùng
Tóc dài thơm thoảng hương xuân 
Nụ hôn đầu ấm nàn nồng tuổi hoa
Câu thơ cháy bỏng thiết tha
Âm thầm hát khúc dân ca ngọt ngào 
Em về ai nhớ xuyến xao 
Người vui bên ấy kẻ nao núng lòng 
Con đò chở nửa vầng trăng 
Chở luôn cái tuổi mười lăm mất rồi 
Giã từ áo trắng tinh khôi 
Nửa vầng trăng đợi ru tôi hững hờ
ÁI KHANH
Không có nhà thơ nào nói đến nửa vầng trăng mà lại dùng chữ “ru” cả, vì nửa vầng trăng chỉ sự tan vỡ, sự chia ly. Chỉ có Ái Khanh dám “Ru nửa vầng trăng”. Chữ “ru” của nhà thơ làm mối tình chia ly thêm đẹp, đặt vào lòng thứ ánh sáng mơ, thứ màu sắc ảo huyền thi vị, biến cho tình thất vọng lung linh trong suốt cả cuộc đời. Có lẽ Ái Khanh là người thơ khôn ngoan và độc đáo nhất, chị đã biến niềm đau thành nguồn thơ thâm thúy nhất.
Đọc thơ Ái Khanh hình như nỗi đau cũng làm thi vị lòng ta. Niềm vui thì có nhiều trong thơ chị. Tiếng thơ của Ái Khanh như bàn tay vị tha vỗ về, như một làn hương thơm đậm đà vây bọc tâm hồn, và ta trôi trên con thuyền thơ ấy với vô vàn cảm xúc thăng hoa.
Thật tình tôi chỉ lựa những bài thơ ngắn để viết cho Ái Khanh. Những bài thơ ngắn của chị đã khiến tôi phải viết dài, thế nhưng vẫn viết chưa hết những cảm nhận trong lòng. Ai Khanh còn có những bài thơ dài mà tràn ra, chan chứa biết bao tình trong sáng. Những bài thơ đó tôi xin hẹn dành cho những lần viết khác sau nầy./.
                               Châu Thạch
 Nguồn đăng từ email: truongvantran@hotmail.com