THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH
CUNG
CUNG 弓 là
Cung Tên, CUNG 宮 là Cung Điện, CUNG 宮 là Cung Đàn. Ta sẽ lần lượt điểm qua các thứ CUNG nầy trong
văn học cổ của Việt Nam ta.
CUNG 弓, chữ Nho còn gọi là HỒ 弧, với
từ TANG HỒ 桑弧 là Cây cung làm bằng gỗ cây dâu
(Tang 桑 là Cây dâu tằm ăn), nên trong
văn học cổ ta có từ CUNG DÂU, như hai câu thơ trong truyện Nôm Phan Trần sau
đây :
Tới tuần
hội cả đua nhau,
Bút
nghiên phỉ chí CUNG DÂU hằng nguyền.
CUNG
DÂU thường được bắn bằng tên làm bằng đường xương sống của cọng cỏ bồng, gọi là
BỒNG THỈ 蓬矢 (THỈ đồng nghĩa với TIỂN 箭 là Mũi Tên), nên ta lại có thành ngữ TANG HỒ BỒNG THỈ 桑弧蓬矢 (Cung bằng cành dâu, tên bằng cỏ
bồng). Thành ngữ nầy thường bị đọc trại thành HỒ THỈ TANG BỒNG hay TANG BỒNG HỒ
THỈ như trong bài hát nói "Nợ Nam Nhi" của cụ Nguyễn Công Trứ :
TANG BỒNG
HỒ THỈ nam nhi trái
Cái
công danh là cái nợ lần
Theo
sách Lễ Ký-Xạ Nghĩa hữu vân :"Cố nam tử sanh, tang hồ bồng thỉ lục, dĩ xạ
thiên địa tứ phương giả, nam tử chi sở hữu sự dã.《礼记.射义》有云:“故男子生,桑弧蓬矢六,以射天地四方,天地四方者,男子之所有事也。” Có
nghĩa : vì thế khi đẻ con trai, thì dùng cung bằng cây dâu, tên bằng cỏ bồng bắn
đi bốn phương, bắn lên trời xuống đất nữa là sáu hướng, những nơi mà kẻ làm
trai phải tạo dựng nên sự nghiệp". Ý muốn tỏ rõ là Làm trai phải chí ở bốn
phương, sau dùng để khuyến khích làm trai phải có chí lớn để tạo dựng nên sự
nghiệp.
TANG BỒNG
HỒ THỈ còn được gọi tắt là TANG BỒNG như hai câu thơ bảy chữ cũng trong bài hát
nói trên là :
Cũng rắp
điền viên vui tuế nguyệt
Trót
đem thân thế hẹn TANG BỒNG.
Hay
như trong bài "Chí Nam Nhi" cũng của cụ Nguyễn Công Trứ :
Đố kị
sá chi con Tạo,
Nợ
TANG BỒNG quyết trả cho xong.
TANG HỒ
BỒNG THỈ 桑弧蓬矢.
Cung
tên để tạo dựng nên sự nghiệp, nhưng khi đã công thành danh toại, thì cung tên
thường bị xếp xó bỏ quên như thành ngữ ĐIỂU TẬN CUNG TÀNG 鳥盡弓藏, có nghĩa : Khi chim đã hết thì
cung cũng được cất lên. Theo tích sau đây :
Theo
Thuyết Lâm Huấn của sách Hoài Nam Tử có câu : "Giaỏ thố đắc nhi lạp khuyển
phanh, cao điểu tận nhi cường nỗ tàng 狡兔得而猎犬烹,高鸟尽而强弩藏". Có nghĩa : " Khi những con
thỏ khôn lanh đã bị bắt, thì con chó săn bị đem đi nấu thịt cầy; Khi các con
chim bay cao bị bắn hạ hết thì cây cung mạnh cũng bị đem đi cất lại". Theo
sách Sử Ký, Việt Vương Câu Tiễn Thế Gia《史记·越王勾践世家》thì Phạm Lãi 范蠡 là mưu thần đồng thời cũng là tướng giỏi của Việt Vương Câu
Tiễn, ông đã giúp cho Câu Tiễn phục thù và tiêu diệt nước Ngô, xưng bá trung
nguyên. Nhưng ông cũng biết rằng Việt Vương Câu Tiễn là người chỉ cùng chung hoạn
nạn chứ không thể cùng chung phú qúy được. Để tránh cảnh thỏ hết thì chó săn bị
giết, chim hết thì cung bị treo lên, nên ông đã từ quan mà vào đất Ngũ Hồ để
kinh thương và đã trở thành một thương gia giàu có, đổi tên là Đào
Chu Công. Tương truyền là ông cũng đã dắt theo nàng Tây Thi xinh đẹp để
vào đất Ngũ Hồ cùng sống cảnh vinh hoa phú qúy an hưởng tuổi già. Nên...
Câu
thành ngữ ĐIỂU TẬN CUNG TÀNG 鳥盡弓藏, ngày
xưa dùng để chỉ khi đế nghiệp đã đạt thành thì các vua chúa
hay giết hại công thần; Ngày nay cũng dùng để chỉ khi việc gì đó đã thành
công rồi, thì quên hết những người trước kia đã từng ra sức giúp đỡ. Trong văn
học cổ của ta gọi là CUNG ĐIỂU CA, như trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập của vua
Lê Thánh Tông có câu :
Cổ Kỳ
vai ấy còn rành rạnh,
CUNG
ĐIỂU CA đâu khéo tỏ tường.
CUNG
cũng thường đi liền với KIẾM để chỉ về nghề võ hoặc những người theo võ nghiệp
như trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều :
Làng
CUNG KIẾM rắp ranh bắn sẻ,
Khách
công hầu ngắm nghé mong sao.
Còn
trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du thì khi Bạc Bà ép Thúy Kiều lấy Bạc Hạnh,
nàng đã tỏ lời e ngại dè chừng rằng :
Thiếp
như con én lạc đàn,
Phải
tên giờ đã sợ làn cây cong.
Hai
câu thơ trên lấy ý ở câu KINH CUNG CHI ĐIỂU KIẾN KHÚC MỘC NHI CAO PHI 驚弓之鳥見曲木而高飛. Có nghĩa : Con chim sợ cung (vì bị
tên bắn hụt một lần rồi), cho nên thấy làn cây cong (giống như cây cung)
bèn sợ mà bay cao lên.
CUNG 宮 còn là Cung Điện 宮殿. Cái
cung điện nổi tiếng đầu tiên ngày xưa là A PHÒNG CUNG 阿房宮 do Tần Thủy Hoàng sau khi đã gồm thâu lục quốc muốn phô
trương thanh thế mà xây nên (212 trước Công nguyên, năm Tần Thủy Hoàng thứ 35).
Khi Hạng Võ Sở Bá Vương đem quân đánh chiếm kinh đô Hàm Dương đã cho đốt cung A
Phòng. Tương truyền ngọn lửa cháy đến ba tháng mới tắt.
Trong
văn học cổ ta gọi cung A Phòng là CUNG A, như trong "Tần Cung Nữ Oán Bái
Công Văn" của Đặng Trần Thường ở cuối đời Lê đầu đời Nguyễn là :
Sương
tỏa CUNG A,
Mây lồng
đồn Bá.
Có
nghĩa :
Các
cung nữ đương ở trong cung A Phòng vắng vẻ vì Bái Công đến đóng đô tại đồn
Bá Thượng.
Ngoài
CUNG A ra, trong bài phú trên cụ Đặng còn đề cập đến tên của một CUNG nữa là
CUNG VỊ THỦY là các cung điện nằm dọc theo bờ sông Vị ở Hàm Dương, cũng được xây
dựng vào đời Tần :
CUNG VỊ
THỦY lúc nỉ non tiếng dế, trướng thu phong lạt bậc quản huyền xưa,
Cửa
Hàm Quan khi chói lói ngọn đào, rèm tà nguyệt ố màu la ỷ cũ.
"Thời
lai phong tống Đằng Vương Các 時來風送藤王閣"
là "Khi thời vận đến thì gió sẽ đưa đến Gác Đằng Vương" theo tích của
người đứng đầu Tứ Kiệt đời Sơ Đường là Vương Bột. Cụ Nguyễn Du đã mượn tích nầy
để nói về tình duyên thuận lợi của Hoạn Thư và Thúc Sinh trong Truyện
Kiều như sau :
DUYÊN
ĐẰNG thuận nẽo gió đưa,
Cùng
chàng kết tóc se tơ những ngày.
Nhưng,
Phạm Thái 範泰 (1777-1813), một danh sĩ ở cuối
thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19 của ta, không gọi là GÁC ĐẰNG, cũng không gọi là
DUYÊN ĐẰNG, mà gọi là CUNG ĐẰNG trong "Sơ Kính Tân Trang"
như sau đây :
Bây giờ
mượn gió CUNG ĐẰNG,
Vì
duyên đưa mối xích thằng lại đây.
Trong
văn học cổ ta còn gặp rất nhiều CUNG không có thật trên đời như CUNG QUẾ, CUNG
QUẢNG, CUNG THIỀM, CUNG NGAO LẦU THẬN ...
-CUNG
QUẾ là QUẾ CUNG 桂宮 : Tên cung điện do Hán Vũ Đế
năm thứ tư (101 trước Công Nguyên) xây nên, nằm ở tây bắc của thành phố Tây An
tỉnh Thiểm Tây hiện nay; cũng là tên của cung điện của Trần Hậu Chúa ở Nam Triều
xây cho người đẹp Trương Lệ Hoa ở. Nhưng trong văn học cổ của Việt Nam ta CUNG
QUẾ chỉ có nghĩa là CUNG TRĂNG mà thôi, như trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ông
Như Hầu Nguyễn Gia Thiều viết về nàng cung nữ thất sủng :
Trong
CUNG QUẾ âm thầm chiếc bóng,
Đêm
năm canh trông ngóng lần lần.
...hay
như trong bài "Muốn làm thằng Cuội" của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu :
Đêm
thu buồn lắm chị Hằng ơi!
Trần
thế em nay chán nữa rồi.
CUNG
QUẾ đã ai ngồi đó chửa?
Cành
đa xin chị nhắc lên chơi.
- CUNG
QUẢNG là QUẢNG HÀN CUNG 廣寒宮 :
Theo thần thoại Trung Hoa là tên của một cung điện trên mặt trăng, nơi mà Hằng
Nga ở, như trong Truyện Kiều khi tả Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư, Thúy Kiều ở lại
một mình đã buồn cho số phân " Sắn bìm chút phận con con" của mình mà
than vãn :
Thân
sao nhiều nỗi bất bằng,
Liều
như CUNG QUẢNG ả Hằng nghĩ nao!
- CUNG
THIỀM là THIỀM CUNG 蟾宮 : Cũng như CUNG QUẾ, CUNG QUẢNG,
CUNG THIỀM cũng dùng để chỉ NGUYỆT CUNG là Mặt Trăng, vì theo thần thoại Trung
Hoa xưa trên mặt trăng có con Cóc ba chân gọi là Thiềm Thừ 蟾蜍. Trong văn học cổ của ta thường dùng để chỉ mặt trăng hay
chỗ ở của người đẹp, như trong truyện thơ Nôm Lưu Nữ Tướng :
CUNG
THIỀM bóng đã cao giơ,
Mãi
vui bẻ quế ngại thưa thớt nhàn.
...
hay như trong truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện cũng có câu :
Kêu
thương tiếng nhạn lay thềm,
Phong
thư gửi đến CUNG THIỀM được không ?!
CUNG
NGAO LẦU THẬN là HẢI THỊ THẬN LÂU 海市蜃樓. NGAO
鰲 là một loại rùa biển lớn có thể
đội cả một hòn đảo lớn trên lưng; THẬN 蜃 là một
loại rồng biển như giao long. Theo Sử Ký-Thiên Quan Thư 史记·天官书 : Con thận trên biển thở hơi có thể kết thành những lâu đài
thành quách, núi non sông nước, cảnh vật con người hiện lên trên bầu trời của
khoảng không mênh mông trên mặt biển. Vì là cảnh ảo nên rất dễ mất đi. Theo
khoa khí tượng học hiện nay thì đó là do hiện tượng quang học bức xạ
phản chiếu trong thiên nhiên mà tạo nên những ảnh ảo ở những khoảng không trên
biển, trên sa mạc hoặc nơi đồng không mông quạnh. Trong văn học cổ ta gọi là
CUNG NGAO LẦU THẬN như trong bài "Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh"
(1874) của cụ Nguyễn Đình Chiểu có câu :
Người
lạc phách theo miền giang hải, CUNG NGAO LẦU THẬN, dành một câu thân thế phù trầm;
Kẻ du
hồn ở cõi sơn lâm, lũy kiến đồn ong, còn bốn chữ "âm dung phảng phất".
HẢI THỊ THẬN LÂU 海市蜃樓
: CUNG NGAO LẦU THẬN
CUNG 宮 còn là cung bậc đứng đầu ngũ âm trong âm nhạc cổ điển là
CUNG, THƯƠNG, GIỐC, TRỦY, VŨ 宮商角徵羽.
Trong văn học cổ ta hay gặp từ kép CUNG THƯƠNG 宮商 là hai âm đầu trong ngũ âm đi liền nhau để chỉ âm
nhạc, như trong truyện Tây Sương Ký :
Vườn
hoa đợi lúc thiên lương,
Đêm
thanh lựa tiếng CUNG THƯƠNG một bài.
Khi diễn
tả tài đàn giỏi của Thúy Kiều, cụ Nguyễn Du cũng đã hạ câu :
CUNG
THƯƠNG làu bậc ngũ âm,
Nghề
riêng ăn đứt Hồ cầm một chương.
Ngoài
CUNG THƯƠNG ta còn gặp CUNG CẦM là Cung Đàn như khi nàng Kiều ở lầu xanh :
...Đòi
phen nét vẽ câu thơ,
CUNG CẦM
trong nguyệt nước cờ dưới hoa.
Vui là
vui gượng kẻo là,
Tri âm
ai đó mặn mà với ai ?!
...hay
như khi Thúy Kiều phân bua với Hồ Tôn Hiến lúc "Lọt tai Hồ cũng nhăn mày
rơi châu" và đã " Hỏi rằng này khúc ở đâu, Nghe ra muôn thảm
nghìn sầu lắm thay ?" Thúy Kiều đã đáp :
Thưa rằng
: Bạc mệnh khúc này,
Phổ
vào đàn ấy từ ngày còn thơ.
CUNG CẦM
lựa những ngày xưa,
Mà
gương bạc mệnh bây giờ là đây !
Xin được
kết thúc các CUNG ở đây. Hẹn bài viết tới !
Đỗ Chiêu Đức
NGUỒN ĐĂNG TỪ Email: chieuduc15@yahoo.com