THÔI TA GIÃ PHỐ TÌM QUÊ,THỎNG TAY BUÔNG BỎ NHIÊU KHÊ LỤY PHIỀN.THÀ VỀ GỐI GIẤC CÔ MIÊN ,TIÊU DAO ĐÙA GIỠN CÕI MIỀN NGUYÊN SƠ!CÁM ƠN CÁC BẠN GHÉ THĂM VÀ GHI CẢM NHẬN!

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

THU VỀ

THƠ XƯỚNG HỌA
Phạm Kim Lợi, Sông Thu,Thanh Hòa,Như Thị,Phan tự Trí,
Lý Đức Quỳnh,Trương Ngọc Thạch,Trần Như Tùng,
Hải Rừng,Minh Thúy,Bảo Trâm,

THU VỀ
Thu về đã thoảng chút heo may
Đàn vạc trời đêm tiếng gọi bầy
Bến  cũ lau tà trên mặt nước
Đường xưa phượng nát dưới chân giày
Phải chăng mây tím lòng ngơ ngẩn
Hay bởi cúc vàng dạ ngất ngây
Nóng lạnh giao mùa thời đổi tiết
Xòe tay hứng lấy giọt mưa  bay
Phạm Kim Lợi

BÀI HỌA
TRỞ VỀ
Hiu hắt bên đường, ngọn cỏ may
Vườn xưa chim chóc tụ theo bầy
Cổng rào xiêu vẹo qua năm tháng
Lối ngõ hoang vu thiếu dấu giày
Xa cách bao năm, lòng bỡ ngỡ
Ngậm ngùi giây phút, dạ sầu ngây
Chạnh buồn ngắm lại ngôi nhà cũ
Trong cảnh hoàng hôn mưa gió bay....
Sông Thu
LỖI HẸN
Lần bước,  đường xưa choán cỏ may
Tìm đâu vô vọng  dấu in giầy
Âm vang quốc lẻ kêu chờ bạn
Tiếng dội chim di gọi nhớ bầy
Phượng hết,sen tàn khơi dạ não
Sương mù,mây tím khiến hồn ngây
Buồn chi người đó quên lời hẹn
Chỉ trách Thu phong,cuốn lá bay...
Thanh Hoà
CẢNH THU CHIỀU
Thu chiều hiu hắt bủa làn may
Chim trú bờ tre rộn rã bầy
Ghé bãi ngư ông nhung nhớ khói
Tìm quê lữ thứ lãng quên giày
Dáng xưa thôn nữ  trông khờ khạo
Nét cũ mục đồng thấy dại ngây
Tiết đổi bốn mùa thay cảnh diễn
Treo màn sương gió lạnh lùng bay
Như Thị
THU RỒI
Xơ xác triền đê đám cỏ may
Chiều buông trâu nghé lặng theo bầy
Đồng xưa cảnh ấy còn hương lúa
Lối cũ người đâu lạc dấu giày
Vằng vặc trăng buồn nao cõi mộng
Chơi vơi vạc tủi ngút đường bay
Thu rồi ngọn gió chừng se lạnh
Se cả tâm hồn tưởng đã ngây.
Phan Tự Trí
THU ĐẾN
Lá úa rung cành,lất phất may
Sầu chim lẻ tiếng gọi thương bầy
Lăn tăn biếc gợn xao làn gió
Lác đác vàng khua chạnh gót giày
Vệt khói tan dần trên chén lặng
Hương trà nhạt mãi cuối hồn ngây
Chiều đem cánh mộng mùa thu cũ
Thả giữa cô tình bảng lảng bay
Lý Đức Quỳnh
BÃO CUỐI HẠ
Bão đến, Houston chẳng chút may
Nối đuôi, chim chóc trốn từng bầy
Ào ào, gió thổi, trời tuôn nước
Vội vã, người đi, cẳng ướt giầy
Lũ lụt cuốn đi người yếu ớt
Thủy dâng nhấn xuống trẻ thơ ngây
Biển vào thành phố, nhà, xe ngập
Kẻ trước nguy nan, ngóng máy bay
Trương Ngọc Thạch-8/29/2017
THU NÀY
Dịp này họ gặp vận không may
Để sổng “vàng huy” ngượng cả bầy.
Chịu luyện chân đều theo đúng kế
Mà chơi bóng cứ chẳng nghe giày.
Thu trên đất nước chờ tin nóng
Thu tại cầu trường gặp cảnh ngây.
Rời khỏi Si Ghêm vui đám gái
Tiếng cười tiếng hát rộn sân bay .
Trần Như Tùng
THU BUỒN
Lá rụng thu về chẳng mảy may
Bơ vơ lạc bước giữa bầu bầy
Tình nay đã chết phai màu nhớ
Phố Cổ còn vương đậm dấu giày
Hà Nội tháng Mười trời bỡ ngỡ
Hồ Gươm cầu Gổ sóng im ngây
Ai đâu mộng mãi hoài hương cũ
Tuổi ấy mùa sang gió cuốn bay
Hải Rừng-30/8/2017
YÊU THU
Từng bước vui đùa với cỏ may
Bướm say hoa nhuỵ lượn chung bầy
Lá vàng nhè nhẹ rơi vai áo
Giọt nắng hắt hiu vướng gót giày
Cây cảnh pha màu hồn muốn đắm
Mây trời đổi sắc dạ như ngây
Mùa Thu dịu vợi sao yêu quá
Lơ lững thơ hoà thả gió bay
Minh Thuý - Tháng 8-2017
TÌNH THU
Đổi sắc vườn Thu gợn cỏ may
Vờn bay đàn bướm kết thành bầy
Hoa tươi vẫn nở trên cành biếc
Lá héo còn rơi ngập dấu giày
Nhắn gió lời thơ trao ý muộn
Tìm trăng câu hẹn gởi lòng ngây
Bao năm xa cách khung trời cũ
Đất khách lòng ai mưa vẫn bay
Bảo Trâm 

Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

NHỚ NGÀY GIỖ MẸ


NHỚ NGÀY GIỔ MẸ

Mẹ ơi !
Bây giờ là tháng 9, mùng 3
Mây trắng vẫn thênh thang lùa vào nỗi nhớ
Phương trời cũ,
Biết đâu tìm hơi thở
Bóng mẹ mùa thu đổ xuống bóng hoàng hôn !

Mẹ ơi !
Bây giờ là tháng 9, mùng 3
Con lặng lẽ
Bên thềm thu gió về hiu hắt
Mang mang nửa khung trời, nửa vòng trái đất
Còn nửa quê nhà, hoang tái bóng chiều sa.

Mùa thu
Một thoáng đã ba năm,
Nhớ ngày mẹ mất !
Vầng trăng sơ huyền chưa kịp sáng bên trời
Nên mẹ đi không để lại một lời
Và đương lúc con vẫn còn phiêu bạt.

Ai đâu hiểu hết nỗi đời lưu lạc !
Cánh chim chiều
Vừa chếch bóng buổi nghiêng chiều
Ai đâu phủi hết bao nỗi buồn sương cát !
Trên vai gầy, và trên cả bước cô liêu.

Bây giờ
Con đâu còn có mẹ
Để nghe tiếng hát xa xưa
Từ thuở tao nôi chín vàng chín đỏ
Đâu cái thuở mẹ còn coi nhỏ
Đâu nhịp võng đong đưa
À ơi…những trưa hè hiu hắt gió - lời ru…

Bây giờ
Mẹ đã thiên thu
Bây giờ
Con vẫn nhớ “từ ngôn” xưa.
Bây giờ trời đã sang mùa
Vầng trăng mẹ - vẫn sớm trưa trong lòng.

Mẹ ơi !
Tháng 9, mùa thu
Nhớ ngày giổ mẹ
Nén tâm hương dâng đến một phương trời
Trong khi con còn lưu lạc chốn quê người
Trên vai gầy
Bước tha hương nghe nỗi buồn hạt bụi
Vẫn trải lòng năm tháng với dòng trôi !

New Orleans, tháng 9, thu 2014.
MẶC PHƯƠNG TỬ.
Nguồn : tongminh2016@yahoo.com

LỐI CŨ TÌNH XƯA


Ảnh Văn Sỹ

                                  Mùa Vu Lan Báo Hiếu

“ Một hôm, Tôn giả Xá Lợi Phất đi trì bình khất thực trong thành Vương Xá, khi ngang qua một khu vườn, trong vườn có người Bà La Môn làm vườn tuy nghèo khó và tuổi đã cao, nhưng phải đổi lấy sức già để được có chút vật thực nuôi thân qua ngày, ông thấy Tôn giả ôm bát đi ngoài ranh vườn, liền đến thăm hỏi thân thiện, và để biết sự việc, sau đó ông để vào bát một phần thực phẫm mà ông có được phần thọ dụng trong ngày, Tôn giả chứng minh và chú nguyện phước lành cho ông. Và rồi cũng từ đó thời gian đã trôi biền biệt giữa Tôn giả và ông lão Bà la môn làm vườn.

Một ngày đẹp trời, ông Bà la môn ấy đến gặp Đức Phật tại Tinh Xá Kỳ Viên ( Thành Xá Vệ) và xin Phật được xuất gia, Phật quán xét thấy ông ta có thể đắc quả Thánh, nên mới hỏi trong đại chúng có ai đã chịu ơn với người Bà la môn nầy lần nào không ? Khi ấy, Tôn giả Xá Lợi Phất đối trước Đức Phật và đại chúng mà thưa rằng : Có lần con khất thực trong thành Vương Xá, người Bà la môn kia đã để vào bát của con một phần thực phẫm mà ông đã có được trong ngày ! Lúc ấy, Phật liền dạy: Vậy ông hãy tiếp độ người Bà la môn nầy và được làm phép xuất gia. Thời gian không bao lâu, được sự hướng dẫn của Tôn giả, người Bà la môn ấy được đắc quả A La Hán trong giáo pháp giải thoát của Phật.”

Từ câu chuyện được kể trên, chúng tôi muốn nói đến một việc trong những sự việc dù đã, hay đang xảy ra trong bối cảnh đất nước còn chiến tranh hay ngay bây giờ. Chuyện được kể rằng: Ở thời điểm trước đây, khi chiến tranh còn leo thang và ác liệt, sống trong nỗi lo âu, sợ hải ở một vùng miền quê xa xôi, việc cơm áo dù có khó khăn, nhưng sự sống chết, ly tán, đau thương mất mát đưa đến bất ngờ đầy nghiệt ngả. Nơi ấy có một người mẹ bị bom đạn cướp đi mạng sống, cha thì phải bôn ba xứ người để tìm áo cơm, còn bé trai mới lên 6-7 tuổi, phải nhờ đến các cô Ni nuôi dưỡng lo cho cái ăn, cái mặc rồi đến trường để tìm con chữ cho mai sau.

Cơm áo, tiền nong cũng không phải dễ dàng có được trong thời buổi xã hội còn lắm nhiễu nhương nầy. Vã lại, có được đồng tiền chân chính lại càng khó hơn. Với một rổ bánh, một lố nhang thơm, đội nắng đội mưa ngày ngày hai buổi kiếm sống, tháng năm mòn mỏi lê kiếp thân nghèo, áo vai bạc màu sương gió, ánh mắt hoen bao lớp bụi phong trần, lo cho bản thân và cháu, chỉ ước mơ cho cháu sau nầy nên thân, nên phận với đời, và để biết cảm thông sâu xa cho những ai một đời cũng sớm mất mẹ và hiểu mà nhớ ơn đền ơn đối với những ai đó đã trót một đời lo cho mình và vì mình.

Thời gian lặng trôi qua bao khúc quanh, bao bước ngoặc của dòng chảy cuộc đời, thăng trầm, thịnh suy, vinh nhục bao độ của thế nhân, ngược xuôi giữa cuộc sinh tồn tạm bợ, say khướt theo ảo huyền mộng thực. Người cháu, người học trò xưa giờ đã thành danh thành phận, ôm lấy những mảnh giấy học vị (văn bằng) mà nơi ấy đã hóa thân từng con chữ, từng lời, từng câu, từng nhịp thở của buồng phổi, từng ý niệm của khối óc con tim của quí Ni, của người thân và của Thầy-Cô. Nhưng nào phải bao nhiêu việc đó thôi đâu ! Khi có được mảnh giấy danh phận ấy, để rồi được bao nhiêu lợi dưỡng trong cuộc phù sinh mỏng manh tạm bợ, thỏa mãn với bao ước vọng khoái lạc của trần tục tầm thường, thoáng chốc rồi cũng thành sương khói, rồi còn gì cho ta, cho người ! Có biết đâu rằng: Những nỗi vui buồn lẫn vào tháng năm cơ cực, lắm nỗi lo toan cơm áo sớm chiều, một nắng hai sương gót lê kiếp nghèo tất bật, chiết từng ước mơ thuở ấy, đã thấm mặn bao giọt lệ tinh khôi khi còn cái thuở quê nghèo lưng trần chân đất bạc phếch áo vai gầy.v.v.. Để cho có được ngày mai, cái ngày mai đã thấm đẫm tất cả…vào mảnh bằng mà người cháu, người thanh niên này nay có được.

Rồi một sớm trở lại quê hương, cái cảnh lên xe, xuống xe, kẻ đón người đưa, trông ra bây giờ không còn như thuở hàn vi xưa kia nữa, từ cái đi, đứng, ngồi nay đã chuyển sang lắm vẻ dáng màu danh phận, đến cái ăn mặc, nói năng cũng khéo vẽ nên hình thức địa vị… Làm cho chúng ta nhớ lại thi sĩ Nguyễn Bính đã ưu tư :
                          “Hôm qua em đi tỉnh về
                   Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều…” (Chân Quê)
Cái cảnh tha hóa đổi thay vốn không có gì đáng trách trong thói đời thường tình. Nếu có chăng, bởi sự cảm thụ tri kiến lại rót nhằm vào tờ lá sen mà nơi ấy không có sự thấm đẫm và giữ lại, càng thêm nhớ xa hơn nữa từ lời của một đại sư Tịch Thiên (Shantideva) đã khuyên nhắc và giúp chúng ta làm để có được những điều lợi lạc: “ Hãy khởi tâm hành thiện, hoặc khởi tâm đối trị (bất thiện) như cúng thí vào 3 ruộng phước là ; Kỉnh Điền (Tam Bảo), Ân Điền (Cha Mẹ) và Bi Điền ( Mọi người nhất là những người nghèo khó) thì sẽ được phước lớn” (Nhập Bồ Tát Hạnh,V.81 ).

Điều muốn nói ở đây, không nhất thiết phải đề cập đến Tam Bảo, trọng tâm thứ nhất ở chổ xác định một tính cách “nhân bản” của con người, tính nhân bản ấy đã được thiết lập trên hai nền tảng cơ bản đó là ; Sự nhớ ơn và đền ơn cha mẹ, đến những người nuôi dưỡng, cưu mang về mình và thứ đến, nói lên tình người trong cái nhìn có sự hiểu biết, yêu thương và cảm thông cùng kiếp sống như ta và nhất là những người có đời sống bất hạnh hơn ta.

Có được nền tảng cơ bản ấy chính là một nhân cách sống lành mạnh trong sáng, như thế, ta đối với Tam Bảo mới có thể nói lên sự cung kính toàn mãn, bởi vì có biết ơn và đền ơn cha mẹ, có lòng thương tưởng đến mọi người và rộng hơn là mọi loài, thì chính ở đây đã có âm hưởng sâu sắc đến đời sống có văn hóa, phải đâu từ những mảnh bằng kia, nó chỉ là tri thức suông, mà chính hành động có đạo tình đạo nghĩa, luôn nhớ ơn và đền ơn, đó mới thật chất người, là cái hồn của văn hóa. Mà cũng là sự nương tựa và kính trọng Tam Bảo.

Vì rằng ; Tam Bảo là điểm nương tựa, trở về, là mục tiêu phục vụ đem lại sự an lạc hạnh phúc  lâu dài cho chư thiên, chúng sanh và loài người.

Trong một lời dạy khác của Đức Phật như sau :
“ Nầy các Tỳ kheo, thế nào là địa vị không phải chân nhân ? người không phải chân nhân, nầy các Tỳ kheo, không biết ơn, không nhớ ơn. Đối với những người độc ác, đây là đặc tánh của họ được biết đến, nầy các Tỳ kheo, tức là không biết ơn, không nhớ ơn. Đây hoàn toàn là địa vị không phải chân nhân… Còn bậc chân nhân, nầy các Tỳ kheo, là biết ơn, là nhớ ơn. Đối với những thiện nhân, đây là đặc tánh của họ được biết đến, nầy các Tỳ kheo, tức là biết ơn và nhớ ơn…”
                                                                    "Kinh Tăng Chi, IV, 118-119"
Ngang qua lời dạy trên, chúng ta thấy Đức Phật đã khẳng định qua hai tính cách, hay một lời xác chứng về đặc tánh của các bậc thiện nhân cũng như những ai được coi là phi chân nhân. Sự kích hoạt chất liệu ấy phải được nói lên bằng cử chỉ, hành động việc làm, ý tưởng như thế nào của con người đó. Như vậy, nhớ ơn, biết ơn là một ký hiệu đặc tánh của các bậc thiện nhân hay chân nhân và trái lại, không biết ơn, không nhớ ơn cũng là một ký hiệu đặc tánh dành cho những ai được xem là phi chân nhân, chưa trọn hình người.

Sống giữa đời thường, cho dù một tổ chức, đoàn thể, đảng phái chính trị, tín ngưỡng, tôn giáo.v.v… Thì tính cách nhân bản phải được nói đến như là một nếp sống, y cứ chuẩn mực tiêu biểu từ tính thể con người. Nếu tự thân chỉ biết lợi dưỡng để thỏa mãn những ước vọng thèm khát thường tình thấp kém, lấy địa vị danh xưng hay chút khả năng mọn có được để làm mục đích trú ẩn và tự mãn, ta xem đây là nguyên nhân nẩy mầm những bất thiện và có khả năng nguy cơ bất ổn, mất thăng bằng trong xã hội nói chung, và trong mỗi tổ chức đoàn thể và cho dù đó là một tổ chức tôn giáo, hay chính trị.v.v….

Những ơn nghĩa đạo đức được sống như là một sức mạnh tất yếu và thực sự được tôn vinh từ mỗi con người, thì giai cấp, địa vị, chức danh sẽ trở thành một bổn phận đúng nghĩa, có tư duy chân chính trong mọi hành xử và phục vụ, còn nếu như ân nghĩa, đạo đức, nhân tính và sự tôn vinh không đúng “ như pháp”, không chiết xuất từ tâm lực, niệm lực của bậc Thánh, bậc chân nhân, thì nó sẽ biến thành những độc tố nguy hại tàn phá vào tận gốc rể của cây đời và cho cả bao đời tiếp nữa.

Tóm lại, tánh cách của người biết ơn, nhớ ơn hay những vong bản vô ơn, cả hai đều tồn tại trong đời, nhưng điều gì tồn tại mà được ca ngợi, tán thán của người có trí chân chánh, thì chính đó là “lõi cây”. Những gì tự thân đã thọ nhận dù trước đây hay bây giờ để tiếp sức cho máu tim, những con chữ làm nên hiểu biết, không chỉ về pháp thượng nhân để tự điều phục chính mình mà còn phải hiểu biết sâu xa tận cùng vào trong từng mảnh đời giữa cuộc sinh tồn nhân thế, có gần gũi để thương yêu giúp đỡ, để lắng nghe, cảm thông và chia sẻ bao tâm tình, xem như là một nghĩa cử tri ân, nhớ ân mà câu chuyện về Ngài Tôn giả Xá Lợi Phất đã được nói đến, nhớ và biết mình có thọ nhận chỉ một phần thực phẫm trước đây từ nơi vị Bà La Môn già xưa mà mọi việc đã trở thành đạo nghĩa cho ngàn đời. Trái lại, với thái độ từ người thanh niên có mảnh văn bằng đã được đề cập ở trên, đủ để cho chúng ta tự thẩm xét lại chính mình. Ngày nay, chúng ta cũng không ít ưu tư về những tư duy ấy, dù cổ xưa nhưng vẫn đẹp bền, còn để lạc mất đi hay quên lãng bao chất liệu ấy thì khác nào như bị những loài cỏ hoang dại khõa đầy trên những lối mòn xưa cũ.. Để kết thúc, chúng ta cùng đọc lại lời Phật dạy:

“Người trị thủy dẫn nước
Kẻ làm tên, nắn tên
Người thợ mộc uốn gỗ
Bậc trí nhiếp tự thân”      PC. 80.

Long Xuyên, 12.01.2013

MẶC PHƯƠNG TỬ.
Nguồn :tongminh2016@yahoo.com

CẢM ƠN TỶ HUYNH


THƠ XƯỚNG HỌA
Bảo Trâm,Thanh Trương,Như Thị,
Như Tùng, Minh Thúy

BÀI HỌA
CẢM ƠN TỶ HUYNH
Khi được tham gia với Tỷ Huynh
Vui cùng bạn mới tự răn mình
Văn thơ chuyển gởi cho nghiêm chỉnh
Xướng đối trao truyền chớ khỉnh khinh
Liên lạc đôi lần chưa mến cảm
Thư qua mấy bận đậm thân tình
Cảm ơn anh chị thương tìm chữ
Sửa luật bàn niêm chẳng lợi danh
Bảo Trâm

TÌNH THI HỮU
Đã là tỉ muội, đệ cùng huynh
Chén rượu vần thơ vui bọn mình
Luật lở sót sai, xin nhắc nhở
Vần gieo non nớt, chớ thường khinh
Nguyện cầu hội ngộ, mà thêm ý
Mong mỏi hàn huyên, mãi đậm tình
Thi hữu bốn phương vui xướng hoạ
Quên đi ngày tháng chút hư danh…
              Văn Thanh Trương

VUI CÙNG XƯỚNG HỌA
Dặn lòng khi mới biết chư Huynh
Thân ái giao lưu kết bạn mình
Góp ý trau vần luôn quý trọng
Chung lời chuốt chữ chẳng coi khinh
Những mong mặc khách luôn yêu mến
Còn muốn tao nhân mãi cảm tình
Nâng bút chan hòa cùng đệ muội
Tiêu dao xướng họa nỏ cầu danh
Như Thị 

BÈO NƯỚC MÂY TRỜI
Bèo nước mây trời gọi đệ huynh
Đam mê xướng họa bạn như mình.
Đắn đo chọn tứ từng giây trọng
Nghiền ngẫm soi từ chẳng phút khinh.
Vài chữ vài câu thêu tín vật
Đôi tim đôi dạ dệt nhu tình.
Tay cầm tay dạo đường lên dốc
Cây trái hoang rừng ngon ,kiệm danh .
Trần Như Tùng

BIẾT ƠN
Vui cùng tỷ , đệ với chư huynh
Kính mến lòng hay tự dặn mình
Học hỏi gieo vần nên cẩn thận
Tìm tòi xướng chữ chớ xem khinh
Câu thơ gởi lại luôn thương mến
Bài hoạ trao đi vẫn nghĩa tình
Được quý thi nhân lòng rộng mở
Tâm thành hướng dẫn chẳng màng danh
Minh Thuý-Tháng 8-2017

Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

XEM MÌNH

THƠ XƯỚNG HỌA
Như Thị,NS-Canada,GM Đình Diệm,
Phạm Kim Lợi,Lê Sỹ Thu,Trần Như Tùng,
Lý Đức Quỳnh,Hồng Phượng,Minh Thúy,
XEM MÌNH
Xem gì khi rọi thấy dung nhan
Hãy tự soi tìm để phản quang*
Gặp lúc sa cơ đừng hốt hoảng
Được thời sủng ái chớ huênh hoang
Để nghe sương cảm lời ta thán
Mà thấy gió buồn giọng oán than
Tàm quý** thì ngưng nhìn lỗi bạn
Mặc người cứ bủa chuyện hàm oan
Như Thị
Chú giải
* Hồi quang phản chiếu
 
(Quay ánh sáng trở lại soi rọi chính mình)
**Xấu hổ,hổ thẹn
BÀI HỌA
SỐ GIAN NAN
Sinh thời vướng vít chút hồng nhan
Gương mặt trang đài mỹ l ệ quang
Bến nước đục trong nào ngại quản
Gia đình quán xuyến chẳng tiêu hoang
Cơn giông tàn hại không buồn thán
Mưa bão tơi bời nỏ khóc than !
quẫy xuôi dòng sao mắc cạn
Đâu ngờ lâm cảnh bị vu oan !
NS- CANADA
KỆ LỜI OAN
Ngắm bóng trong gương thấy sắc nhan
Trang đài một thuở lóe hào quang
Đem thân đọa kiếp nơi trần mộng
Thả dạ đày đời chốn bãi hoang
Lặn hụp eo sèo vùng oán thán
Trôi lăn lỏm bõm nẻo  sầu than
Tà dâu rải bóng ngừng sinh diệt
Tịnh ý tâm từ  mặc tiếng oan
Hương Thềm Mây.(GM.Nguyễn Đình Diệm)
HÃY CỨ VUI
Chưa từng được diện kiến dung  nhan
Đã thấy tâm thành bóng điện quang
Bút lượn đùa chơi nơi nguyệt tỏ
Mực vờn né tránh chốn  rừng hoang
Ai cười ngõ vắng câu hoan  hỉ
Rượu chuốc đêm sầu chữ thở than
Hãy cứ vui cho đời tự tại
Lo chi mấy chuyện oán cùng oan
Phạm Kim Lợi
LẮNG LÒNG
Lắng lòng soi tỏ lại dung nhan
Hư thực rõ ràng dưới Pháp quang
Bụng dạ nông sâu bao oán thán
Thể hình ốm mập bấy
tiêu hoang
Vị tha từ ái khơi thanh thản
Vô úy nh
ún nhường vợi khóc than
Lặng
lẽ bình thường tâm tỏa rạng
Có gì vương vấn nỗi ai oan . 
Lê Sỹ Thu
THƠ LÀ CÕI PHÚC
Thi tình phụng sắc với long nhan
Lấp lánh thư hùng tỏa thiện quang.
Sủng ái nâng niu theo hiện đại
Dưỡng thuần chau chuốt tự hồng hoang.
Từng nghe bao tứ lưu lời đẹp
Đã thấy đôi vần lọt ý than.
Thiển nghĩ quê mùa xin mạo muội
Thơ là cõi phúc , cũng khi oan !
Trần Như Tùng
TỰ SOI
Sắc diện theo ngày cũng úa nhan
Chong đèn mượn chiếu ánh hồi quang
Xem mày tựa vết chàm vây bẩn
Ngó mặt như đồng lúa bỏ hoang
Biết bóng hàn gia từng vấy nhọ
Hay màu tệ xá đã bôi than
Từ nay mỗi sáng khi vừa dậy
Rạng nở thêm cười hẳn bớt oan
Lý Đức Quỳnh
CHO DẪU
Ai người chẳng sợ lúc phai nhan
Rúm ró, nhăn nheo trước ánh quang
Hãy giữ tâm hồn luôn vững chắc
Đắp bồi trí tuệ khó tan hoang
Mỗi ngày gom góp không rên rỉ
Năm tháng xới vun chẳng thở than
Cho dẫu bình yên hay sóng gió
Cũng nên chấp nhận chớ kêu oan
HồngPhượng
TU TẬP
Thăm viếng ngôi Chùa ngắm diện nhan
Độ từ nét Phật sáng hào quang
Tàn mơ nửa cuộc đà phung phí
Tỉnh mộng bao ngày chỉ phế hoang
Tắm gội dòng Kinh lòng chẳng rối
Trầm mình biển Kệ dạ không than
Bình tâm ...chướng nghiệp xen ngõ ngách
Buông thả oán hờn chuyện ức oan
Minh Thuý-Tháng 8-2017 

Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

THƠ XƯỚNG HỌA


Như Thị, NS-Canada,Trần Như Tùng,Hồng Phượng,
Trương Ngọc Thạch,Trần Lệ Khánh,

KHÓI BUỒN!
Sông buồn hạ bỏ cuộc ngừng chơi
Áo cũ thu vàng bủa lá rơi
Khoan nhặt cuốc bòn câu láo nháo
Lưa thưa sen tuột sắc tơi bời
Trời giăng mưa lũ chao ta thán
Đất hứng bão giông trộn rã rời
Đi ở bốn mùa- đây ảm đạm
Khói trườn phên liếp lạnh lùng phơi!
Như Thị
BÀI HỌA
HẠ ĐI…
Hạ đi thu đến vảng sân chơi
Lá úa bên hiên lác đác rơi
Vắng bóng ve sầu vang rền rĩ
Đầy hoa phượng đỏ rụng bời bời
Sen đài rũ rượi buồn tàn lụi
Bão lũ tiêu tan khổ rã rời
Đâu khói lam chiều bên mái ấm
Cành khô lúa chết ruộng nằm phơi !
NSCANADA

XIN GỬI ĐÔI DÒNG
Dẫu rằng không thể tiện thăm chơi
Xướng họa dài lâu nghĩa nỏ rơi
Sức kém ai buồn lòng bấn bấn
Nước tràn dân cực dạ bời bời.
Giở meo mong mỏi thơ đà đến
Nhìn mạng ngẩn ngơ mắt khó rời .
Mái rạ khói xanh chầm chậm rải
Vài dòng thô thiển nồi lòng phơi .
Trần Như Tùng



TRĂN TRỞ
Năm cùng,  tháng tận vẫn rong chơi
Khắc khoải mà chi tuổi rụng rơi
Ngày ngẫm cuộc đời nhanh chóng vánh
Đêm mong thời khắc chậm bời bời
Bầu trời quang đãng vun vui tới
Lũ lụt tối đen góp vụn rời
Trăn trở bấy lâu trong cõi tạm
Gởi theo mây, gió, nắng, sương phơi
Hồng Phượng

ĐI BIỆT
Cậu bé đang vui bỏ cuộc chơi
Tương lai tươi sáng bỗng nhiên rơi
Anh em khóc lóc, tim tan nát
Cha mẹ gào la, ruột rối bời
Giải phẫu hàm răng làm chẳng sót
Nhiễm trùng máu huyết bám không rời
Quan tài mở nắp, vòng hoa điếu
Khuôn mặt khôi ngô lặng lẽ phơi
Trương Ngọc Thạch
Ghi chú: Đám tang cậu bé hàng xóm hôm qua

NHỚ BẠN NƠI XA..!
Ngô đồng thu tới sắc vàng phơi
Thoảng nhẹ heo may cuống lá rời
Án sách lư trầm man mác khói
Vườn cây tiếng quốc não nùng rơi
Tri âm núi cách...tim thương tưởng!
Tri kỷ ngàn xa...dạ rối bời...
Ứơc có gậy thiêng thu ngắn đất
Thỏa lòng tìm đến bạn thăm chơi./.
Trần Lệ Khánh--8-8-2017

MÙA SANG
Ven sông cải đã trổ ngồng phơi
Thoảng bóng xuân qua cúc,huệ...rời
Phượng đã mơ màng khoe sắc khởi
Hồng còn ngấp nghé lộ màu chơi
Thường tình hạ đến ve sầu tới
 
Tự ý đông sang gió lạnh vời
Dấu cũ còn đâu ngàn dặm mới
Bờ lau bến lạnh bạc sương đời.
Hương Thềm Mây.(GM.Nguyễn Đình Diệm)