HOÀNG
Thu ẩm HOÀNG HOA tửu
Đó là
một trong bốn câu thơ chỉ sự "Ăn chơi bốn mùa" một cách thanh nhã của
các cụ ngày xưa :
春游芳草地, Xuân
du phương thảo địa,
夏賞綠荷池, Hạ thưởng lục
hà trì.
秋飲黃花酒, Thu ẩm
hoàng hoa tửu,
冬吟白雪詩。 Đông
ngâm bạch tuyết thi.
Có nghĩa :
Xuân
du trên thảm cỏ non,
Hè thì
thưởng ngoạn sen tròn trên ao.
Thu
nhâm nhi rượu cúc đào,
Đông
ngâm thơ tuyết thú nào hơn ta ?!
HOÀNG
HOA TỬU 黃花酒 là Rượu hoa vàng, tức là rượu được ủ
bằng hoa cúc, là CÚC TỬU 菊酒 thường
uống vào mùa thu trong ngày Tiết Trùng Cửu. Ngày xưa các lính thú thường được điều đi
trấn ngoài quan ải vào mùa thu năm trước, đến mùa thu năm sau
thì được cho về; Vì thế nên gọi lính đi trấn thủ lưu đồn là
HOÀNG HOA THÚ 黃花戌, như trong Chinh Phụ Ngâm Khúc
:
Xót
người lần lữa ải xa,
Xót
người nương chốn HOÀNG HOA dặm dài.
Theo
chương Tiểu Nhã - Hoàng hoàng giả hoa 小雅·皇皇者华 là "Hoa nở rực rỡ khắp
nơi" trong Kinh Thi 詩經. Kể
việc vua dặn dò sứ thần sắp lên đường, như hai câu thơ của ông vua Trần Trùng
Quang Trần Qúy Khoách :
Mấy vần
thơ cũ ngợi HOÀNG HOA,
Trịnh
trọng rày nhân dắng khúc ca.
HOÀNG
CÁC 黃閣 là cái Gác sơn màu vàng, nơi
làm việc của quan Thừa Tướng đời Hán, nên Hoàng Các dùng để chỉ nơi
quyền qúy, như trong Sơ Kính Tân Trang của Chiêu Lỳ Phạm Thái :
Một
chiêu là một não nùng ,
Chẳng
nơi HOÀNG CÁC cũng vùng huyền lâu.
Còn
trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện thì gọi là GÁC VÀNG :
Gió
thanh hây hẩy GÁC VÀNG,
Thảnh
thơi chèo Phó, nhẹ nhàng gánh Y.
Theo
"Hoàng Cực kinh thế thư 皇极经世書", quyển sách căn cứ vào Dịch lý để giải thích về nguồn
gốc của vũ trụ, sự biến thiên của tự nhiên và sự diễn tiến của lịch sử con người
theo Hà lạc Tượng số 河洛、象数. Nên Từ HOÀNG CỰC 皇極 là cái chuẩn mực để thống trị thiên hạ của các bậc đế
vương. Nên cũng dùng để chỉ các bậc đế vương. Như trong "Hồng
Đức Quốc Âm Thi Tập" của Lê Thánh Tông có câu :
Chín
trùng chăm chắm ngôi HOÀNG CỰC,
Năm
phúc hây hây dưới thứ dân.
Còn
HOÀNG LƯƠNG 黃粱 là Giấc Hoàng Lương. Lương là
Cao lương 高粱, là Kê Vàng , nên giấc HOÀNG
LƯƠNG còn gọi là giấc KÊ VÀNG do tích "Chẩm Trung Ký 枕中记" trong Thái Bình Quảng Ký 太平廣記 kể lại chuyện của Lư Sinh 盧生 như sau :
Đường
Khai Nguyên năm thứ 7 (719), Lư Sinh bất đắc chí vì thi rớt, khi cởi lừa về đến
Hàm Đan, gặp được đạo sĩ Lữ Ông trong quán, thấy chàng tỏ ra sầu muộn vì nghèo
hèn. Lữ Ông bèn đưa cho chàng cái gối bằng sành bảo cứ gối đầu lên mà ngủ một
giấc. Lư Sinh nghe theo, rồi mơ thấy mình về quê cưới được vợ đẹp, năm sau lại
đậu Tiến sĩ, được bổ làm Thiểm Châu Mục, rồi thăng Kinh Triệu Doãn, lại vinh
thăng Hộ Bộ Thượng Thơ kiêm Ngự Sử Đại Phu, Trung Thư Lệnh và cuối cùng được
phong là Yên Quốc Công. Hưởng hết tột cùng vinh hoa phú quý trên đời, cả năm
người con trai cũng được vinh hiển, con cháu đầy nhà, phúc lộc vinh hiễn vô
song, Thọ đến tám mươi tuổi mới bị bệnh mà mất. Khi vừa đứt hơi cũng vừa lúc Lư
Sinh giật mình tỉnh mộng. Đạo sĩ Lữ Ông vẫn còn ngồi bên cạnh, nồi hoàng lương
của chủ quán bắt lên nấu khi nảy vẫn còn chưa chín. Lư Sinh chợt tỉnh ngô :
Công danh sự nghiệp, vinh hoa phú qúy chẳng qua cũng chỉ như là một giấc mộng
mà thôi !
Đọc
tích trên đây làm ta nhớ đến bài hát nói "Vịnh Nhân Sinh" nổi tiếng của
cụ Nguyễn Công Trứ trong chương trình cỗ văn ngày xưa :
Ôi,
nhân sinh là thế ấy,
Như
bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao.
Ba
mươi năm hưởng thụ biết chừng nào,
Vừa tỉnh
giấc Nồi KÊ chửa chín.
Hoàng
Lương khi dùng rộng ra thì cũng chỉ dùng để chỉ một giấc mơ mà thôi. Như khi bị
Khuyển Ưng đánh thuốc mê, bắt về giao nạp cho Hoạn Bà. Thúy Kiều đã tỉnh dậy
như sau khi qua một giấc mơ :
HOÀNG
LƯƠNG chợt tỉnh hồn mai,
Cửa
nhà đâu tá, lâu đài nào đây ?
HOÀNG
TUYỀN 黃泉 là Suối Vàng, vốn có nghĩa là một
con suối ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng mà có tên như thế.
Tương truyền người chết đều phải đi qua con suối nầy, nên nghĩa rộng
ra của từ nầy là chỉ Cỏi Chết, Âm Phủ. Theo Sách Tả Truyện 左傳 có câu : Bất cập hoàng tuyền, vô tương kiến dã 不及黃泉,無相見也。Có
nghĩa : Không đến được suối vàng thì sẽ không còn được gặp mặt
nhau nữa. Trung Truyện Kiều khi viếng mộ Đạm Tiên trong buổi Đạp
Thanh, Thúy Kiều đã thắp hương cho Đạm Tiên với ý :
Gọi là
gặp gỡ giữa đàng,
Họa là
người dưới SUỐI VÀNG biết cho.
Còn
trong truyện Nôm Phương Hoa Lưu Nữ Tướng thì gọi là Hoàng Tuyền :
Khi đưa
người xuống HOÀNG TUYỀN,
Thì
giương lấy một ngọn đèn cho cao.
Sau
Hoàng Tuyền, ta có HOÀNG TƯỚC 黃雀 là
con Chim Sẻ màu vàng. Theo tích sau đây :
Theo
sách Hậu Hán Thư, Dương Trấn Truyện, tục Tề Hài Ký 後漢書·楊震傳.續齊諧記 : Cha
của Dương Trấn là Dương Bảo lúc chín tuổi, đang đi chơi ở phía bắc núi Hoa Âm
thấy một con hoàng tước bị chim cắt mổ đến bị thương, rớt dưới gốc cây bị lũ liến
bu quanh định tha về tổ. Dương Bảo thấy tội nghiệp, bèn cứu đem về nhà để trong
gương có lót vải gấm, cho ăn hoa cúc. Sau một trăm ngày, chim đã bình phục cánh
lông đầy đủ bèn bay lên mây. Tối hôm đó, Dương Bảo nằm mơ thấy một tiểu đồng áo
vàng miệng ngậm 4 vòng ngọc đến bái tạ mà rằng :"Ta là sứ giả của Tây
Vương Mẫu, được ông nhân từ cứu giúp, nay đến đền ơn". Bèn tặng cho Dương
Bảo bốn vòng bạch ngọc và bảo rằng :"Vòng nầy có thể bảo vệ phù hộ cho con
cháu của ông vinh hiển đến bậc tam công, làm quan thanh liêm và trong sáng như
là vòng ngọc nầy vậy". Qủa nhiên, Con của Dương Bảo là Dương Chấn, cháu là
Dương Bỉnh, chắc là Dương Tứ, chít là Dương Biêu, 4 đời đều làm quan đến chức
Thái Úy và đều rất thanh liêm cương trực và đều được người đời ca ngợi.
Tích
trên cho ta 2 thành ngữ : HOÀNG TƯỚC chỉ người đưa tin, như trong truyện Trê
Cóc :
Xa
nghe triều đẩu anh hùng,
Đưa
tin HOÀNG TƯỚC hỏi cùng phải chăng ?
NGẬM
VÀNH như trong Truyện Kiều, khi ở lầu Ngưng Bích, Thúy Kiều đã giải bày tâm sự
để nhờ Sở Khanh cứu giúp :
Dám nhờ
cốt nhục tử sinh,
Còn
nhiều kết cỏ NGÂM VÀNH về sau.
HOÀNG
THẠCH tức
Hoàng
Thạch Công (khoảng 292-195 trước Công Nguyên), là người đời Tần Hán, ở đất Hạ
Phì. Khi Trương Lương đang dạo chơi ở trên cầu, gặp một ông già tiên phong đạo
cốt, chưa kịp chào hỏi thì ông già đã làm rớt một chiếc dép xuống dưới cầu và bảo
Trương Lương xuống dưới nhặt lại cho ông ta. Trương Lương vô cùng ngạc nhiên và
tức giận, định dạy cho ông ta một bài học, nhưng thấy ông ta già cả và không hiểu
sao lại ngoan ngoản chui xuống dưới gầm cầu nhặt dép cho ông ta. Khi dép đã được
nhặt lên rồi ông lão lại chìa chân ra bảo mang vào, Trương lương lại qùy xuống
xỏ dép vào chân cho ông lão. Xong việc, ông lão mĩm cười bước đi. Trương Lương
còn chưa hết ngẩn ngơ thì ông lão đã quay trở lại hẹn sáng sớm năm ngày sau trở
lại đây để gặp mặt. Năm ngày sau, sáng sớm, Trương Lương đến nơi thì thấy ông
lão đã đến trước rồi. Ông giận dữ bảo, hẹn với người già sao lại đến muộn hơn.
Bèn hẹn lại sáng sớm của năm ngày sau nữa. Trương Lương rất lấy làm lạ, lại hiếu
kỳ, nên đến hẹn, chàng tranh thủ đến thật sớm, nhưng ông lão lại đến sớm hơn
chàng một bước. Lại bị trách mắng và hẹn đến năm ngày sau nữa. Đến đêm hẹn, vừa
mãn canh ba, khi tiếng gà đầu tiên bắt đầu gáy thì Trương Lương đã tới nơi rồi.
Khi ông lão đến nơi khen rằng :"Đứa trẻ này có thể dạy bảo được!".
Bèn lấy ra tặng cho Trương Lương một quyển sách, bảo rằng :"Về đọc quyển
sách nầy, thì có thể làm thầy của bẫc đế vương. Mười ba năm sau tảng Hoàng Thạch
dưới núi Cốc Thành đất Tế Bắc, chính là ta đó". Trương Lương về giở ra xem
thì đó chính là quyển "Thái Công Binh Pháp". Nhờ quyển binh pháp nầy
mà Trương Lương mới trở thành mưu thần đắc lực cho Hán Cao Tổ Lưu Bang lập nên
nhà Hán sau nầy. Mười ba năm sau, khi cùng Hán Cao Tổ lui về Tế Bắc dưới chân
núi Cốc Thành, nhặt được một viên HOÀNG THẠCH, xem như là bảo bối, bèn lập miếu
để thờ, đến khi Trương Lương mất thì được táng chung với viên Hoàng Thạch đó.
Trong bài
"Tịch Ninh Cư Thể Phú" của Nguyễn Hàng một danh sĩ ở ẩn đời Mạc có
câu :
Vận
năm hành, thu hai khí, nhớ mọi lời HOÀNG THẠCH dặn dò.
Còn
Nguyễn Hữu Chỉnh, nhà quân sự, chính trị có ảnh hưởng lớn của Đại Việt thời Lê
Trung Hưng và Tây Sơn, trong bài "Trương Lưu Hầu" phú thì gọi là NÂNG
CHIẾC DÉP :
Rải
ngàn vàng tìm khách thiếu niên;
NÂNG
CHIẾC DÉP tôn người lão trượng.
Nhớ
khi học thi Tú Tài I, bài CẦM KỲ THI TỬU của cụ Nguyễn Công Trứ cũng có câu :
...
Thú xuất trần, tiên vẫn là ta,
Sánh
HOÀNG THẠCH, Xích Tùng, ờ cũng đáng !
Cuối
cùng, ta có tích HOÀNG SÀO.
HOÀNG
SÀO (835-884) người đất Oan Cú Tào Châu (thuộc Hà Trạch Sơn Đông hiện nay), là
người ở vào cuối đời Đường. Lúc đầu là thủ lĩnh của bang bán muối lậu, sau là
thủ lĩnh của đám dân biến nổi lên chống lại triều đình, tự xưng hoàng đế, lấy
quốc hiệu là Đại Tề. Sử xưng là Hoàng Sào chi loạn. Khi thất bại bị chết dưới
tay thuộc hạ. Theo truyền thuyết ...
Hoàng
Sào là người văn võ song toàn, nhưng đi thi văn mãi không đậu, mới chuyển qua
thi võ và đậu ngay Võ Trạng Nguyên. Nhưng khi vua Đường Hy Tôn triệu kiến phải
giựt mình vì tướng mạo của Huỳnh Sào rất xấu xa, nên tước mất giải Võ Trạng
Nguyên của Huỳnh Sào. Huỳnh Sào giận qúa nên mới đề thơ lên vách quán rượu là :
浩氣騰騰貫斗牛, Hạo khí đằng đằng quán Đẩu
Ngưu,
班超投筆去封侯。 Ban Siêu đầu bút khứ phong
hầu,
馬前但得三千卒, Mã tiền đản đắc tam thiên
tốt,
敢奪唐朝四百州。 Cảm đoạt Đường Triều tứ
bách châu !
Có
nghĩa :
Cái hạo
khí ngùn ngụt bốc lên che lắp cả sao Đẩu sao Ngưu.
Chàng
Ban Siêu đã quăng bỏ ngọn bút để đi tìm kế phong hầu.
Trước
ngựa nếu ta có được ba ngàn sĩ tốt,
Sẽ dám
đánh và đoạt lấy bốn trăm châu quận của nhà Đường !
Diễn
Nôm :
Hào
khí ngút lên sao Đẩu, Ngưu,
Ban
Siêu quẳng bút được phong hầu.
Nếu ta
có được ba ngàn lính,
Đánh
chiếm nhà Đường các quận châu.
Đối với
các nhà Nho xưa thì HOÀNG (Huỳnh) SÀO là giặc, là tôi phản nghịch,
nên trong Truyện Kiều khi khuyên Từ Hải quy thuận triều đình, Thúy Kiều đã dẫn
tích nầy :
Làm
chi để tiếng về sau,
Nghìn
năm ai có khen đâu HOÀNG SÀO ?
Chi bằng
lộc trọng quyền cao,
Công
danh ai dứt lối nào cho qua ?!
Hẹn bài viết tới !
Đỗ Chiêu Đức