SAU
MÙA TUYẾT RƠI
Sau mùa tuyết đổ tơi bời ấy
Rừng nhú chồi xanh, thắm sắc hoa.
Khi
ngọn gió chớm đông thỉnh thoảng thổi qua những cụm rừng trong và ngoài thành phố,
nhất là những vùng Bắc và Đông Bắc Mỹ, những chiếc lá diễm màu chín mộng cuối
thu cũng đã lần lượt trở về cội xưa, tiếp theo qua những cơn gió hối hả, để lại
cái cảnh cây đứng trơ cành khẳng khiu giữa bạt ngàn sương khói, tựa như những
dãy san hô khổng lồ trên mặt đất, trên núi đồi, như báo hiệu mùa đông đang đến
và rồi đã đến, còn có những cơn mưa cuối thu xối xả như dành một ít nước dinh
dưỡng cho cây, cho cỏ, cho muôn hoa vào những tháng ngày giá băng tuyết phủ.
Mùa đông bắt đầu từ tháng 12 cho đến hết tháng 2, có khi cái lạnh vẫn còn đeo đẳng
đến trung tuần tháng 3 mới dịu và ấm dần. Sự vận chuyển từ sanh-hoá-tiêu-tàn của
4 mùa, trông như có tuồng sắp đặt qua sự biến dịch tự nhiên, điều nầy tự nơi
con người chỉ biết cảm nhận, thưởng thức trong cái vô cùng huyền ảo, mầu nhiệm
của đất trời, của thiên nhiên vạn vật.
Những ngày mùa đông tuyết rơi, trông như choàng lên không gian sắc
màu xam xám, hay trắng đục lạnh lẽo và u tịch của tuyết. Những vẻ đẹp kỳ ảo mơ
màng ấy, đã gợi lên không biết bao nhiêu cảm hứng, những tư duy và lẫn chút nhọc
nhằn, tê tái của con người, trong thời gian tuyết rơi ngập ngụa tạo thành một lớp
trắng dầy khắp cả đường phố, sân vườn, trên mái nhà, nhất là trên những cành
cây trông như những cành thuỷ tinh lung linh trong không gian.
Tuyết rơi trắng lạnh, tuyết làm nên sắc màu diễm ảo, nhưng rồi tuyết cũng phải
tan theo dòng chảy một khi mặt trời vượt thoát khỏi lớp mây mù, khung trời quang
đảng, khí trời ấm áp dần lên, để rồi trong thơ Haiku đã phải buông câu hỏi, như
muốn níu lại nhũng gì tuyết đã đến:
“Trên
đám cây sa thảo
Dưới bóng hàng thong
Tuyết nằm diễm ảo
Có cách nào giữ lại
Cho tuyết đừng tan không?”
Sự
tuần hoàn của tuyết là tan chảy, nó không tồn tại, giống như bao hiện tượng sự
vật khác, thì sự nắm lại, sự giữ lại chỉ tạo nên, góp vào ý niệm vui đùa mỏng
manh tạm bợ nơi cuộc sống vô thường bất định nầy. Thế nhưng, đây cũng là môt nốt
nhạc, một ấn phím vào mỗi tâm thức ruỗi dong của con người, của chúng sanh, để
nhận ra, để giác ngộ biết rõ rằng: tính chất phù phím, bọt bèo, tan hợp, không
ta, không của ta luôn diễn bày khắp trong tam giới, nếu như có sự chấp thủ, từ
hỷ tham, thì đây cũng chính là nguồn phát sinh những tội nghiệp, khổ đau và phải
chịu trôi lăn xuống lên trong sanh tử.
Đồng
thời, với cái nhìn khác cũng từ nơi dòng thơ Haiku nầy, chúng ta thấy:
“Lớp
tuyết băng
Phủ kín thảm cỏ mùa đông
Một con hạt trắng
Nấp mình trong bóng tối
Trắng tinh.”
Lớp
tuyết băng được kết tinh từ khí, từ hơi trong không gian vô tận nầy, và ở đây một
khi nó được chạm vào nơi cõi đất, nơi vườn rừng, nơi núi sông.v.v... Tức thì những
nơi ấy đã được diệt trừ không còn những vi khuẩn, những ký sinh, những
nhiễm ô độc hại, chúng không thể tồn tại và phát triển trong thời gian hiện hữu
của tuyết. Chính vì thế, hình ảnh con hạt cho dù có nấp trong bóng tối bên thảm
cỏ mùa đông, nhưng vẫn hiển hiện trắng tinh bên sắc màu và công dụng của tuyết.
Bởi vì, nó được đồng thể thanh tịnh, trong sáng, tinh sáng từ nguồn tâm giải
thoát, vô nhiễm.
Cùng thế ấy, ngay trong thời Đức Phật cũng đã có lần Ngài trả lời với một vị
thiên qua câu hỏi như sau:
“Vật
gì trói buộc đời?
Vật gì dẫn hành đời?
Do đọan trừ pháp gì?
Mọi triền phược đoạn diệt?”
Sau đó được Đức Phật cho biết;
“Chính Hỷ trói buộc đời
Tầm Cầu dẫn hành đời
Do đoạn trừ Khát Ái
Mọi triền phược đoạn diệt”.
“Kinh
Tương Ưng S.i.39”
Chính do sự chấp nhận, tìm kiếm và vui chịu mọi thoả mãn bắt đầu từ lòng gian
tham, sân giận, sai lầm để rồi đưa đến cạnh tranh, chiếm đoạt, tranh chấp bằng
lời, bằng ý và cuối cùng là cuộc đấu tranh bằng hành động, diễn ra bao nhiêu
tàn hại khốc liệt, oán thù, tạo tác sự chia rẽ, những tật đố phỉ báng, những hiềm
hận chống phá.v.v... Bao nhiêu điều ấy đưa đến kết quả khổ đau đoạ xứ địa ngục
ngay trong hiện tại, không những đời
nầy,
mà còn những đến đời sau.
Thế nhưng, nếu biết dừng lại, bằng ý niệm tư duy chơn chính, quán chiếu thấy ra
mọi sự tà tham, tà tư duy, việc làm bất chánh đem lại tổn hại cho mình và người,
mà các bậc Thánh hay người có trí không thể chấp nhận. Vì vậy, có lần Đức Phật
khuyên chư đệ tử nên tu tập để đưa đến kết quả lợi ích an lạc như sau:
“
Ta không thấy một pháp nào khác, nầy các tỷ kheo, lại đưa đến bất lợi lớn, nầy
các tỷ kheo; như tâm không có tu tập. Tâm không có tu tập, nầy các tỳ
kheo; đưa đến bất lợi lớn”.
Trái
lại, Ngài dạy tiếp:
“
Ta không thấy một pháp nào khác, nầy các tỷ kheo, lại đưa đến lợi ích lớn, nầy
các tỷ kheo; như tâm có tu tập. Tâm có tu tập, nầy các tỷ kheo; đưa đến lợi
ích lớn.”
Kinh
Tăng Chi I.
Như vậy, ngang qua lời dạy trên của bậc Đạo sư, chúng ta có thể hiểu rằng; nhờ
có sự tu tập, hành trì pháp, hoan hỷ trong pháp mà các bậc Thánh chứng ngộ, đạt
được an tịnh lạc, không còn khổ đau, chấm dứt mọi bất thiện pháp, để đem lại an
lạc hạnh phúc ngay trong hiện tại. Đến đây, chúng ta đọc lại lời dạy của Bồ tát
Shantideva (Tịch Thiên):
“Tất
cả việc làm đều cốt mang lại nguồn vui khó mua được bằng tiền bạc, bởi thế ta
hãy nhân thiện hành của mọi người mà hưởng thú vui tuỳ hỷ”
Nhập Bồ Tát Hạnh, 77.
Tóm lại; Sau mùa tuyết rơi, không gian trong sạch, môi trường trong sạch, những
chiếc lá tàn thu đã làm nên phân chất cho các loại cây, các loại cây cỏ nhú lại
mầm xanh, các loại hoa nẩy lên nụ biếc để đem lại sắc hương cho đời, tạo thành
một bối cảnh sạch đẹp tươi mát muôn màu muôn vẽ.
Cùng thế ấy, đối với người đệ tử Phật, theo dòng thời gian sống và tu tập, cần
phải biết ưa thích pháp, thường thân cận nghe và tích tụ pháp, quán chiếu và
hành trì pháp của bậc Thánh, để không còn những ác bất thiện pháp, những cấu uế
nơi tâm, những tầm cầu bất chính, những khát vọng thường tình thấp kém, hầu đem
lại lợi ích lớn cho bản thân, và cho cả mọi người.
Chùa Kỳ Viên,
South Dakota, 1. 2017
Mặc Phương Tử
Email:tongminh2016@yahoo.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
* Các bạn có thể copy link hình và dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ*